Vụ án vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua vật tư phòng, chống dịch COVID-19, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh: vnexpress.vn
Điều đó là đúng và cần thiết. Tuy vậy, nói cho công bằng, không chỉ trong chống dịch COVID-19, mà trong hoàn cảnh bình thường, ở khắp đất nước ta, suốt ngày dài đến đêm thâu, luôn có hàng ngàn, hàng vạn y, bác sĩ đang hết lòng vì bệnh nhân, đúng là những thầy thuốc “lương y như từ mẫu”.
Ngày 10/5 vừa qua, chính vào lúc không ít quan chức ngành y đã và sắp vào tù, thì trang tìm kiếm lớn nhất thế giới Google tôn vinh Giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng - một người con của Huế - nhân dịp 110 năm ngày sinh của ông. Nền y học Việt Nam không chỉ có gương sáng giáo sư Tôn Thất Tùng. Cùng thời và sau thế hệ giáo sư Tôn Thất Tùng, danh sách những thầy thuốc Việt Nam xứng đáng nêu gương nhiều không kể hết, trong đó có các tên tuổi ở Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện những ca ghép tim thành công nổi tiếng cả nước!…
Bản thân tôi, cũng như hàng triệu người đã từng phải vào bệnh viện, luôn nhớ ơn các y, bác sĩ và nhân viên điều dưỡng đã tận tụy đem hết khả năng và vượt qua mọi vất vả cực nhọc chỉ với một mục đích là giúp người bệnh mau chóng được phục hồi sức khỏe. Tôi đã hơn một lần viết bài nêu gương những việc làm tốt đẹp ở Bệnh viện Trung ương Huế. Mới đây, trong tháng 5 vừa qua, tôi rất cảm động trước sự tận tình của bác sĩ trẻ P.L tại Bệnh viện Trung ương Huế trong suốt gần 2 ngày trời, khi tôi đến “chắp vá” cái răng cửa bị rụng mất quá nửa. Tôi đã nói là mình có bộ răng “mất trật tự” xấu nhất thế giới, nay già rồi, miễn chắc chắn là được, nhưng bác sĩ cứ mài sửa tỉ mỉ, lúc lúc lại nhỏ nhẹ: “Khi nào đau, ông nói con…”. Đâu chỉ trong đại dịch COVID-19, làm răng như thế, bác sĩ phải úp sát mặt bệnh nhân suốt ngày, cũng có thể lây nhiều bệnh và chịu nhiều phiền phức khác; đến mức tôi phải thốt lên: “Bác sĩ như cháu khổ lắm mà lương có bao nhiêu!...”. Tôi cũng biết bác sĩ, điều dưỡng đối với nhiều loại bệnh khác còn “gian khổ” hơn nữa!...
Nhưng chính là để bảo vệ danh dự cho những thầy thuốc chân chính, cần phải mạnh tay “mổ xẻ” những bê bối trong ngành y hiện nay. Tuy vậy, cần thấy rằng, những vụ như mua bán thuốc giả, Việt Á, gian lận trong đấu thầu xây bệnh viện và mua sắm trang thiết bị, thuốc… mà báo chí đã “bêu dương” gần đây chỉ như mụn nhọt nổi ngoài da; cắt gọt hoặc bôi thuốc mỡ lành chỗ này rồi sẽ bung chỗ khác, lúc khác, do nguồn gốc căn bệnh chưa được phơi bày triệt để và có phương thuốc điều trị đích đáng. Đó là ngành y, chủ yếu là ở những cấp chỉ đạo, do nhiều nguyên nhân, đã vận hành rời xa mục đích tối thượng cao đẹp của mình. Mỗi người hoạt động ngành y hẳn đều biết “Lời thề Hippocrates” mà nhiều trường y thời hiện đại đã biên soạn lại, trong đó có câu: “Coi nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại”. Danh y Hải Thượng Lãn Ông luôn “coi nghề y là một nghề cao quý, coi việc bảo vệ sinh mệnh con người là nhiệm vụ hàng đầu”. Ông thường răn dạy học trò: “Làm thuốc mà không có lòng thương chung (từ) giúp đỡ người khác (tế) làm hằng tâm, không nghiền ngẫm sâu sắc tìm cách cứu sống người mà chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì còn khác gì bọn giặc cướp”.
Cần đặt câu hỏi: Tại sao lại có “Lời thề Hippocrates” và danh y Hải Thượng đã viết những lời răn “quyết liệt” như thế? Vì chúng ta đều biết, người đời ai cũng có lòng tham, nên Đức Phật đã đặt “tham” lên hàng đầu trong ba căn tính mà con người phải tìm cách chế ngự. Nhà văn - Dược sĩ cao cấp Trần Thanh Cảnh, khi tôi trao đổi về những bê bối của ngành y hiện nay, anh cho biết: Thời Hy Lạp cổ đại, ngành y đã có câu “Xác phàm của các ngươi là nguồn lợi lộc bất tận của chúng ta!”. Thời cổ đại còn thế, huống chi ở một xã hội hầu như mọi người đua nhau làm giàu và hưởng thụ sau nhiều thập kỷ nghèo khó. Trong tình thế đó, một trong nhiều nguyên nhân khiến một bộ phận ngành y rời xa mục đích cao đẹp của mình, chính là nhiều quan chức ngành y đã nhiễm nặng bệnh tham giàu của xã hội hiện nay. Vì thế, nhiều người bảo, đâu chỉ ngành y, ngành nào cũng đầy những vụ bê bối tương tự.
Tuy vậy, không thể vin vào thực trạng đó để né tránh, vì bản chất và sứ mệnh cao cả của ngành y là “nhân thuật” (Hải Thượng Lãn Ông) chứ không phải để làm giàu. Nói cách khác, đã chấp nhận làm ngành y thì không thể để “nhiễm bệnh” tham giàu. Nhưng thực tế ra sao, mọi người có thể cũng biết.
Như trên đã viết, “căn bệnh” của ngành y hiện nay có thể thấy ở bất cứ ngành nào, tuy mức độ khác nhau. Nhưng cũng tương tự như trong đại dịch COVID-19 vừa qua, các thầy thuốc phải được phòng hộ tối ưu để không “nhiễm bệnh”. Cũng cần nhấn mạnh lại, không chỉ trong đại dịch vừa qua, ngành y luôn luôn có vị thế đặc biệt, do quan hệ đến sức khỏe và tính mạng hàng triệu người dân; hơn thế, ngành y còn là “bộ mặt” thể hiện rõ nhất trình độ văn minh, nhân đạo, cả sự ổn định, thịnh suy của đất nước, nên càng cần sự trong sáng, cần có những điều kiện bảo đảm thực hiện được sứ mạng đặc biệt của mình.
Trước mắt, trong tình hình “căn bệnh xã hội” đã thâm nhập vào nhiều cấp, nhiều ngóc ngách của ngành y thì biện pháp có tính “chữa cháy” vẫn phải là quyết liệt vạch mặt những kẻ núp ngành y để làm giàu bất chính, không chỉ với vụ Việt Á.
Công an Việt Nam rất tài giỏi, những con người trung thực ở ngành y không thiếu và các tổ chức chính trị có sự cộng tác hiệu quả, đủ sức bóc tách những hoạt động mờ ám trái với sứ mệnh cao đẹp của ngành y.
Về lâu dài, công việc “cứu chữa” ngành y không thể “nóng” hiểu theo kiểu “đốt lò” mà luôn phải ấm áp tình người, mà Hải Thượng Lãn Ông gọi là “nhân thuật”. Và không phải vô cớ khi các bệnh viện trước đây gọi là “Nhà thương”. Do vậy, vấn đề quan trọng lâu dài là làm sao người hoạt động ngành y giữ được bản chất tốt đẹp đó. Các trường y, các cơ sở hoạt động ngành y cần luôn luôn nhắc lại “Lời thề Hippocrates” và những điều răn của danh y Hải Thượng đã nêu ở trên. Hai nội dung vừa nêu rất đầy đủ, nhưng khá dài và cách diễn đạt có thể không thật thích hợp với con người hiện đại; do đó, từng thời điểm, từng cơ sở cần chọn những điều cần thiết nhất, “biên soạn” lại cho thật dễ hiểu. Ví như hiện nay, theo tôi, tại các trường y cần nêu khẩu hiệu lớn: “Muốn làm giàu, đừng vào ngành y!” (Tất nhiên, cần hiểu “làm giàu” ở đây bao hàm sự “bất chính”). Còn tại các bệnh viện và cơ sở hoạt động khác thuộc ngành y có thể là câu: “Đã làm ngành y, đừng dở trò buôn bán!”. Ở đây, cũng cần “mở ngoặc” rằng: Việc buôn bán dược phẩm phải theo một quy chế nghiêm ngặt. Mà thực ra, đã gọi là “dở trò”, tức là ma mãnh và gian dối như Việt Á, thì buôn bán thuốc cũng phải nghiêm trị.
Tựu trung, vấn đề cốt tử là phẩm chất con người làm ngành y. Về vấn đề quan trọng này, cần thấy rõ, những bê bối trong ngành y hiện nay, ngoài “nhiễm bệnh xã hội” về thói hưởng thụ, ganh đua làm giàu vô độ và nạn tham nhũng, còn nguồn gốc sâu xa từ chất lượng giáo dục của nhà trường và gia đình; cũng có nghĩa là hầu như tất cả chúng ta, ít nhiều đều có phần trách nhiệm...
Quá nhiều “chuyện” để bàn đến ngành y hiện nay. Chỉ xin góp đôi điều với mong muốn ngành y vẫn sẽ mãi mãi là điểm sáng thể hiện tính nhân văn của cả xã hội và người làm ngành y hoàn toàn có quyền tự hào với sứ mạng cao đẹp của mình, chứ không việc gì phải xấu hổ vì cái vụ “Việt Á” bị bóc trần…
Nguyễn Khắc Phê