ClockThứ Ba, 09/06/2020 09:08

Phân bổ không gian đón con hợp lý

TTH - Nhiều trường học ở Huế, thời gian gần đây, mỗi buổi đón con, phụ huynh đã xếp hàng xe ven đường ngăn nắp. Điều này đã cải thiện một bước đáng kể trật tự trước các trường học mỗi lúc tan trường.

Xếp hàng đón con: Đang được nhân diệnHương Thủy đi đầu “xếp hàng đón con”Xếp hàng đón con - dễ thôi mà!

Nhiều trường học trên địa bàn TP. Huế triển khai quy định phụ huynh quay đầu xe khi chờ đón con. Ảnh: L. Đan

Trước đây, chúng ta thấy mỗi lúc tan trường, phụ huynh đứng đợi con rất mất trật tự. Những con đường đi qua nhiều trường, cứ đến mỗi buổi chiều tan trường là hầu như giao thông bị ùn ứ. Khỏi cần mô tả thì ai cũng có thể nhận biết được điều này ở thành phố Huế.

Nhưng nay tình hình đã được cải thiện rất nhiều. Nhiều trường, phụ huynh đến đợi đón con đã được hướng dẫn xếp hàng ngăn nắp – đầu xe quay ra đường. Như thế, mỗi khi con ra tìm bố mẹ hoặc người thân cũng dễ dàng hơn. Chỉ một việc này thôi đã thấy nề nếp đô thị được cải thiện hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng thực hiện được như vậy. Sự lộn xộn vẫn còn diễn ra ở trường này trường kia.

Nêu vấn đề này không phải có ý định phê phán các trường hay phụ huynh mà chỉ xin góp một vài ý về cách thức tổ chức để thực hiện cho tốt hơn.

Quan sát trước vài trường có tình trạng lộn xộn vào thời điểm tan trường buổi chiều, người viết nhận thấy điều này: vẫn có sự xếp hàng xe của phụ huynh khá ngăn nắp, nhưng vì không gian trước trường không đủ chỗ nên vẫn có phụ huynh không xếp hàng được. Không xếp hàng được nhưng cũng không thể đứng ngang, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến giao thông nên họ đứng dọc làm ngáng đầu các xe khác. Một khi học sinh ra, như một sự phản ứng dây chuyền, một khi có sự trục trặc nào đó do một người gây ra, lập tức gây xáo trộn trật tự.

Để giải quyết điều này, người viết đề nghị nên tính toán hết sức kỹ lưỡng chỗ đợi đón con của phụ huynh. Ví dụ như trường học có 500 học sinh, nghĩa là mức cần thiết tối đa 500 chỗ để xe (xe máy). Nếu ven lề đường trước trường bố trí không đủ thì có thể bố trí thêm bên kia đường (cũng theo trật tự như vậy). Mỗi khu vực đều quy định khối học và thông báo cho phụ huynh biết khu vực mình đón đợi. Nếu cả hai bên lề đường không đủ thì có thể mở rộng thêm không gian theo chiều dài. Điều này cần có quy định của chính quyền để tránh sự xung đột quyền lợi của các nhà mặt phố (nếu có). Những khối học nhỏ tuổi được ưu tiên xếp gần. Cùng với đó là những biển quy định gây sự chú ý cho người đi đường, nhắc nhở họ mỗi khi đi qua đoạn đường này phải chạy chậm để đảm bảo sự an toàn cho học sinh. Những người đi đón con bằng ô tô nhất thiết phải bố trí ở vị trí xa hơn, phụ huynh phải có nghĩa vụ vào trong sân trường tại nơi quy định để đón con ra. Tôi quan sát một số trường thì nhận thấy, không gian lề đường trước trường đã hẹp, nếu những phụ huynh đi ô tô đến trước, đậu dọc lề đường thì y như rằng tình trạng lộn xộn của xe máy diễn ra.

Ở các trường thường có những buổi gặp mặt phụ huynh. Trong những cuộc họp như vậy nên đưa nội dung này vào để trao đổi, nhắc nhở. Phụ huynh phải có trách nhiệm nhắc nhở con em mình về giữ trật tự mỗi khi tan trường, thực hiện đúng quy định của nhà trường.

Về lâu dài, theo người viết bài này nên có một nghiên cứu hết sức chu đáo, mang tính khoa học khi xây dựng trường học. Với đặc điểm của Việt Nam chúng ta, học sinh chưa thể đi phương tiện công cộng để đi học mà phần lớn là phụ huynh đưa đón, cho nên nghiên cứu phân bổ không gian đợi đón con một cách hợp lý.

Cát Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tồn và lan tỏa giá trị cây di sản trong trường học

Không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, cây di sản còn là niềm tự hào của người dân mỗi địa phương. Đối với cây di sản trong trường học, việc lan tỏa giá trị cây di sản gắn với các hoạt động thiết thực cho học sinh càng mang lại nhiều ý nghĩa.

Bảo tồn và lan tỏa giá trị cây di sản trong trường học

TIN MỚI

Return to top