ClockThứ Hai, 20/02/2017 06:16

Quản lý vật liệu nổ tại các mỏ đá: Phải sớm chấn chỉnh

TTH - Sự việc các nhà kho chứa vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) bị kẻ xấu đột nhập lấy đi hàng nghìn kíp nổ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo vệ, quản lý VLNCN tại các mỏ đá.

Mất trộm hàng nghìn kíp nổ

Gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 2 vụ mất trộm VLNCN. Cụ thể, đầu năm 2017, tại mỏ đá Khe Diều thuộc Công ty Vật liệu xây dựng 368 (đóng ở thôn Thủy Cam, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc), lợi dụng mưa gió, lỏng lẻo trong việc trông coi, kẻ gian đã dùng dụng cụ cắt khóa, đột nhập vào kho chứa VLNCN lấy đi hơn 4.700 kíp nổ các loại. Trước đó, đầu tháng 7/2016, tại một mỏ đá (đóng ở xã Hương Thọ, TX. Hương Trà) thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khoáng sản Thừa Thiên Huế, kẻ gian cũng đột nhập kho chứa VLNCN lấy đi hơn 4.500 kíp nổ.

Hoạt động nổ mìn tại một mỏ đá trên địa bàn tỉnh

Được biết, khu nhà kho chứa VLNCN phục vụ cho hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Khe Diều của Công ty 368 nằm bên sườn đồi của núi Diều, cách văn phòng làm việc của công ty này khoảng 300m. Nhà kho có hai gian phòng, bên ngoài có lưới thép B40 bao bọc, phía trước kho xây một bức tường chắn. Tuy nhiên, nhà kho này lại nằm gần đường dân sinh và cách nhà bảo vệ  khoảng 60m. Cả nhà kho và nhà bảo vệ đều là cơ sở cũ được trưng dụng lại sau khi Công ty CP Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế chuyển nhượng mỏ đá cho Công ty 368. Riêng đối với vụ mất kíp nổ ở xã Hương Thọ, Công an tỉnh đã đề xuất xử phạt đơn vị vi phạm hành chính 80 triệu đồng.

Đến nay, dù đã tập trung lực lượng điều tra, truy xét nhưng các vụ mất cắp VLNCN trên vẫn chưa có kết quả. Theo điều tra ban đầu từ cơ quan công an, nguyên nhân xảy ra 2 vụ mất VLNCN trên do doanh nghiệp chưa quan tâm công tác quản lý, bảo quản kho chứa VLNCN; không thực hiện nghiêm túc việc xây dựng quy trình, nội quy về canh gác, bảo vệ và không thực hiện nghiêm túc việc canh gác, bảo vệ theo quy định; chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ việc bảo vệ, canh gác. Từ những vụ mất trộm này, các đường dây mua bán trái phép vật liệu nổ cung ứng cho các bãi vàng hoạt động trái phép, đánh bắt cá trên biển, hoạt động ngầm...

Sớm chấn chỉnh

Theo thông tin từ Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an tỉnh, hiện trên địa bàn có 35 đơn vị sử dụng VLNCN, trong đó 26 đơn vị có kho chứa, số còn lại sử dụng dịch vụ nổ mìn theo hộ chiếu (không có kho chứa trên địa bàn). Quản lý nhà nước về VLNCN là vấn đề quan trọng, không chỉ liên quan trực tiếp tới người sử dụng mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện cần thiết. Đại tá Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh cho biết, theo quy định, vật liệu nổ phải được bảo quản trong kho được quản lý nghiêm ngặt. Đối với việc vận chuyển vật liệu nổ cũng đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn phớt lờ các quy định này, dẫn đến tình trạng mất vật liệu nổ từ chính trong kho và vật liệu nổ được tuồn ra bên ngoài.

Hiện trạng kho chứa VLNCN ở mỏ đá Khe Diều sau khi bị mất trộm

Thống kê của Công an tỉnh cho thấy, năm 2016, các đơn vị trên toàn tỉnh đã sử dụng trên 338.200 kíp nổ, 1.345.700kg thuốc nổ, 276.750m dây cháy chậm. Theo Nghị định 39 của Thủ tướng Chính phủ thì VLNCN được quản lý rất nghiêm ngặt, chỉ được để trong kho, muốn sử dụng phải có phiếu xuất kho, sử dụng trong ngày, không hết thì phải nhập lại kho. 

Trước thực trạng trên, Công an tỉnh đã có công văn đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp sử dụng VLNCN quan tâm chấn chỉnh công tác quản lý, bảo quản kho chứa VLNCN. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc canh gác, bảo vệ kho; bố trí lực lượng canh trực 24/24 giờ và thực hiện nghiêm các nội quy, quy trình canh gác. Đồng thời, khẩn trương gia cố hệ thống hàng rào, cổng bảo vệ, cửa kho, khóa chống cắt, đèn chiếu sáng; lắp đặt thêm camera an ninh, hệ thống báo trộm tự động; phối hợp với Sở Công thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp đầu tư hệ thống quản lý và kho bảo quản VLNCN hiện đại nhằm ngăn chặn sự rò rỉ, mất cắp, gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân cũng như mất an ninh trên địa bàn tỉnh.

Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả

Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, từ cơ chế Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả
Siết chặt quản lý thị trường bất động sản

Thời gian qua, giá bất động sản (BĐS) tăng cao, khiến cho thị trường vừa mới hồi phục đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn tình trạng “thổi giá”, gây nhiễu loạn thông tin, tránh để người dân trở thành nạn nhân của những đợt sốt đất ảo đã từng diễn ra.

Siết chặt quản lý thị trường bất động sản
Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Du lịch quá tải: Hiểu đúng để quản lý tốt hơn

Hãng tin The Business Times dẫn lời các chuyên gia cho biết, du lịch quá tải đã và đang trở thành một thuật ngữ thông dụng, gây ra những cuộc tranh luận tương tự như những cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu.

Du lịch quá tải Hiểu đúng để quản lý tốt hơn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top