ClockThứ Hai, 20/04/2020 09:22

Tập kết vật liệu xây dựng trái phép: Nhắc nhở, xử phạt... vẫn hoạt động

TTH - Nhiều bãi tập vật liệu xây dựng (cát, sỏi) trên địa bàn tỉnh hoạt động trái phép, không có giấy phép tập kết bến bãi, gây ảnh hưởng môi trường…; trong khi chính quyền địa phương nhiều lần “nhắc nhở”, xử phạt nhưng… cho tồn tại?

Siết chặt kiểm tra ô tô chở vật liệu xây dựngKhuyến khích và ưu đãi doanh nghiệp sử dụng vật liệu thay thế cátQuản lý rác thải xây dựng: Khó nhiều bề - bài 2: Tận thu để bảo vệ môi trường

Một bãi tập kết cát ở phường Phú Hậu, TP. Huế nằm sát sông Hương, nguy cơ ảnh hưởng môi trường

Hoạt động “chui”?

Nhiều năm nay, 4 bãi tập kết cát sỏi trái phép tại khu vực khe Lụ trên địa bàn thôn Tân Ba (xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy) vẫn mặc nhiên tồn tại, dù nằm cách sông Hương chỉ vài trăm mét. Các bãi này do những hộ kinh doanh cá thể gồm các ông, bà Phan Lùng, Hoàng Thị Xuân Thùy làm chủ.

4 bãi tập kết cát trên nằm bên dòng khe Lụ (nối với sông Hương) hàng ngày tấp nập các phương tiện ra, vào “ăn cát”. Lượng cát ở đây chủ yếu lấy từ ngoại tỉnh (đi bằng đường bộ), một số lượng nhỏ mua lại của người dân khai thác thủ công bằng cuốc xẻng trái  phép, chở từng thuyền 3-5m3 từ sông Hương đưa vào khe Lụ rồi dùng băng chuyền đưa lên bờ.

Tại mỗi bãi diện tích khoảng 1.000m2 vẫn còn từ vài trăm đến cả nghìn m3 cát. Các chủ cát còn xây dựng công trình kiên cố như nhà cửa, hệ thống điện nước, đặt máy móc, băng chuyền, máy xúc, ống dẫn để hút cát từ thuyền đậu trên khe Lụ đưa lên bờ. Xung quanh những bãi này không hề được xây dựng tường chắn, mương thoát nước nhằm bảo vệ môi trường theo quy định.

Ngay giữa trung tâm TP. Huế, nhiều năm nay vẫn tồn tại bãi tập kết cát trái phép tại số 113 đường Nguyễn Sinh Cung với lượng phương tiện lớn ra, vào “ăn”cát liên tục gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Bãi tập kết này có quy mô rộng khoảng 1.300m2 nằm ven sông Hương. Từ ngoài nhìn vào, bãi bỏ một ít bờ lô “ngụy trang” và dùng rào chắn tôn ngăn lượng cát khá lớn tập kết trong bãi, do bà Nguyễn Thị Hương làm chủ cơ sở và thửa đất được dùng làm bãi tập kết cát thuộc sự quản lý của Ngân hàng VietinBank Thừa Thiên Huế.

Các bãi tập kết cát tại xã Quảng Phú, Quảng Thọ (Quảng Điền), Phú Hậu (TP. Huế)… cũng không đảm bảo các tiêu chí về giấy phép bến bãi, môi trường.

Xử lý… cho tồn tại

Ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng khẳng định, các bãi tập kết cát ở khe Lụ nằm trong quy hoạch bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng của tỉnh. Xã thường xuyên giám sát việc kinh doanh, vận chuyển cát tại đây. Hiện tất cả 4 bãi này mới chỉ có giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng, không có giấy phép tập kết bến bãi, giấy phép lập bến thủy nội địa và chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ) và đảm bảo các tiêu chí cần thiết về bảo vệ môi trường.

“Hai năm qua, nhiều lần cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ kinh doanh này hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ trên nhưng các chủ bãi vẫn không thực hiện”, ông Thìn nói.

Đầu tháng 3/2020, đoàn kiểm tra liên ngành TX. Hương Thủy gồm Phòng TN&MT, Phòng Quản lý đô thị, Công an thị xã và chính quyền địa phương đã có buổi kiểm tra, ghi nhận hiện trạng và lập biên bản hiện trường nhưng không thấy các cơ quan chức năng đình chỉ các bãi này. Và, sau một thời gian thì “đâu lại vào đấy”.

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho rằng, liên quan đến bãi tập kết cát trái phép tại khe Lụ, đã chỉ đạo các ban ngành kiểm tra và đề xuất phương án xử lý từ hơn 1 tháng trước nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông Tập khẳng định sẽ cho xử lý sớm.

“Dù là nằm trong vùng quy hoạch nhưng các bãi này chưa hoàn thiện các thủ tục, hoạt động trái phép thì phải đình chỉ. Trách nhiệm hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục cho các hộ kinh doanh là của chính quyền, nhưng trong trường hợp các chủ bãi này chưa có giấy phép, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà vẫn hoạt động thì phải xử lý ngay”, ông Tập nêu quan điểm.

Liên quan đến bãi tập kết cát trái phép ở đường Nguyễn Sinh Cung, ông Lê Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ khẳng định, bãi này không nằm trong quy hoạch bãi tập kết cát sỏi trên địa bàn và thành phố đã giao UBND phường giám sát. Nhiều lần phường đã phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra, lập biên bản, xử lý hành chính và yêu cầu chấm dứt hoạt động tập kết cát, sỏi nhưng vẫn không xử lý triệt để được.

Theo UBND TP. Huế, quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định 936/QĐ-UBND tháng 5/2012 của UBND tỉnh, trên địa bàn TP. Huế có 2 bãi tập kết cát, sỏi tại phường Phú Hậu và phường An Hòa. Qua rà soát hiện có nhiều bãi cát phát sinh ngoài quy hoạch đang tồn tại ở các phường; trong đó có bãi cát tại đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ.

UBND TP. Huế từng đề xuất Sở Xây dựng phương án xử lý đối với các bãi cát sỏi của các hộ kinh doanh đã được UBND TP cấp giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng tại các vị trí không thuộc quy hoạch bãi tập kết cát sỏi của tỉnh. Thành phố sẽ chỉ đạo Phòng Tài chính kế hoạch rà soát, thu hồi giấy phép kinh doanh đã cấp; các bãi do tổ chức cho thuê để làm bãi tập kết trái phép đề nghị chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay bãi cát tại đường Nguyễn Sinh Cung vẫn “mặc nhiên” tồn tại.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10 - 18/11/2024) là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để mỗi cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, chia sẻ, giúp đỡ đối với người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, bà Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ:

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top