ClockThứ Ba, 24/10/2017 13:16
ĐI LẠI TRÊN CẦU PHAO HƯ HỎNG:

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

TTH - Cầu phao dân sinh nối xã Hương Thọ (TX. Hương Trà) với Thủy Bằng (TX. Hương Thủy) sau thời gian hoạt động đến nay đã bộc lộ nhiều dấu hiệu mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy khảo sát thực tế tại cầu phao

Trước năm 2012, do chưa có cầu nối liền hai bờ nhánh Tả Trạch (sông Hương), người dân thuộc xã Hương Thọ và xã Thủy Bằng phải sử dụng đò ngang tại bến đò thôn La Khê Trẹm để qua sông.

Từ năm 2012, chính quyền địa phương đã chủ trì phối hợp với một nhà đầu tư xây dựng, đầu tư theo hình thức BCC (Hợp đồng hợp tác kinh doanh), lắp đặt một cây cầu phao thay cho những chuyến đò, để người dân sử dụng xe thô sơ, xe máy qua lại hai bờ thuận tiện, an toàn hơn.

Năm 2013, cây cầu phao được đưa vào sử dụng, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về giao thông đi lại cho hàng trăm người dân trong khu vực, giúp rút ngắn thời gian và đảm bảo an toàn hơn so với đi đò.

Đến năm 2014, khi cầu bê tông Hương Thọ chính thức được đưa vào sử dụng (cách cầu phao khoảng 2km) thì cầu phao đã không còn tính cấp thiết như ban đầu nữa. Tuy nhiên, do thuận tiện và gần hơn nên người dân trong khu vực vẫn sẵn sàng bỏ chi phí với giá 5.000 đồng/ 1 lượt xe máy và 2000 đồng/1 lượt xe đạp, xe thô sơ để đi qua cầu phao. Theo ông Võ Đức Hải, người trực tiếp vận hành hoạt động cầu phao, hiện nay, mỗi ngày vẫn có khoảng 300 lượt xe máy, xe đạp, xe thô sơ qua cầu phao.

Sau thời gian hoạt động, cây cầu phao đã có nhiều dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp; đồng thời ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường thủy nội địa. Qua quan sát nhận thấy: dây cáp, ốc vít, các tấm sắt trên mặt cầu và lan can đã rỉ sét, rất nhiều ốc vít không còn tác dụng. Nhiều phao nhựa đã mục, vỡ. Bên cạnh đó, theo thiết kế, để các phương tiện giao thông đường thủy vẫn có thể lưu thông, hoạt động, cầu phao có  một ô trống với chiều cao 3 mét, rộng 10 mét. Nhưng thực tế, với kích thước này, rất nhiều loại phương tiện đường thủy nội địa rất khó khăn hoặc không thể di chuyển qua cầu phao. Trong đó có cả loại thuyền rồng đôi phục vụ du lịch, di chuyển đến các hướng lăng Gia Long và phía thượng nguồn sông Hương.

Sau khi tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đã ghi nhận thực trạng. Theo Trung tá Dương Chí Hiếu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy- Công an tỉnh: Phòng Cảnh sát đường thủy đã tổ chức tuyên truyền và buộc ký cam kết khi có thông tin về việc mưa, bão, lũ xảy ra tại địa bàn, cầu phao phải dừng hoạt động, tuyệt đối cấm người và các phương tiện qua lại. Ngoài ra đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh kiến nghị đến UBND tỉnh có những giải pháp phù hợp đối với cầu phao này nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường thủy nội địa, nhất là trong mùa mưa bão.

Bài, ảnh: Hà Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ mất an toàn tại các "điểm đen" giao thông

Gần đây, hệ thống giao thông ở Phong Điền không ngừng được đầu tư, nâng cấp, kết nối thông suốt. Tuy nhiên, hiện tại các ngã ba, ngã tư ở các quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL)… qua địa bàn Phong Điền có nguy cơ thành “điểm đen”, mất an toàn giao thông (ATGT).

Nguy cơ mất an toàn tại các điểm đen giao thông
Đừng chủ quan với mưa bão

Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn có người chủ quan với mưa bão, nhất là sau những trận mưa bão đi qua. Ở đâu đó, vẫn có những hậu quả đau lòng, những thiệt hại không đáng có.

Đừng chủ quan với mưa bão
Phong Điền cần 18 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các vị trí qua đường sắt Bắc-Nam

Ngày 23/10, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền thông tin, thực hiện Công văn số 10669/UBND-GT ngày 7/10/2024 của UBND tỉnh về phối hợp hoàn thành các thủ tục điều chuyển vị trí, kinh phí để triển khai xây dựng hầm chui, đường ngang trên đường sắt Bắc-Nam theo Quyết định 1149/QĐ-BGTVT, sau khi tiến hành khảo sát thực tế tại địa phương có 6 vị trí tạo lối tự mở băng qua đường sắt có nguy cơ mất ATGT.

Phong Điền cần 18 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các vị trí qua đường sắt Bắc-Nam
Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

Việc cắt tỉa cây, mé cành là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão. Vì vậy, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão
Return to top