Từ đường Cổ nhạc biến thành nhà kho chứa đồ rất lộn xộn
Đến Từ đường Cổ nhạc, thắc mắc trước khung cảnh nhếch nhác tại đây, chị Vũ Thị Thảo – một người dân sống sát từ đường vội vàng gom những túi chai bao, đồ đạc bỏ trong từ đường đem đi cất.
Chị Thảo lấy chồng là anh Lê Trần Bảo, cháu ngoại ông Trần Kết - người trong đội trống của Từ đường Cổ nhạc. Theo chị Thảo, do nhà sát từ đường, nên gia đình chị đảm trách việc hương khói trên các bàn thờ mỗi dịp rằm, ba mươi, mồng một...
Không chỉ đồ đạc của gia đình chị Thảo, hiện có rất nhiều bộ bàn ghế, cửa gỗ cùng rất nhiều loại vật dụng gia đình khác cũng được để ngổn ngang trong từ đường. Chị Thảo cho rằng, đó là số cửa của một gia đình ở gần từ đường đang làm nhà xin để nhờ. Một số người dân khi biết chúng tôi đến tìm hiểu còn khẳng định, từ đường không chỉ biến thành nhà kho, mà là nơi để nhốt chó. Khi chúng tôi đến, phía trước từ đường có xích một con chó...
Là người yêu và nghiên cứu Ca Huế, khi trực tiếp chứng kiến cảnh này, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, trú tại phường Thủy Xuân (TP. Huế) khá bức xúc: “Tôi muốn đến đây để chụp vài bức ảnh của từ đường để bổ sung vào tập nghiên cứu Ca Huế của mình nhưng đã không tài nào lấy được một bức ảnh. Từ đường quá bừa bộn và lộn xộn với những vật dụng. Thật buồn khi đây là nơi thờ tự những bậc tiền nhân đối với nền âm nhạc quê nhà”.
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Từ đường được khởi công vào ngày 11/8 năm Bính Ngọ (26/9/1966). Công việc tổ chức xây dựng do ông Nguyễn Ngọc Cung làm trưởng ban với sự đóng góp của nhiều người”.
Ông Trần Huy Thanh, nguyên cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin TP. Huế và nay là Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Huế khẳng định: “Cổ nhạc từ là địa điểm duy nhất thờ tổ ngành ca nhạc truyền thống Huế trên đất Cố đô. Nơi đây gắn bó sâu sắc với đời sống tâm linh, nghề nghiệp của các nghệ sĩ đàn hát ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên; thể hiện tình cảm, đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của những người hoạt động trên lĩnh vực ca vũ nhạc kịch truyền thống Huế. Cổ nhạc từ là một di tích tiêu biểu, đặc sắc về mặt lịch sử và văn hóa”.
Trao đổi với lãnh đạo UBND phường Thuận Hòa, bà Cao Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Do xây dựng đã lâu, nên từ đường đã xuống cấp. Trước đó, Nhà nước có hỗ trợ một ít kinh phí để sửa chữa nhưng cũng không giải quyết dứt điểm tình trạng xuống cấp. Chúng tôi cũng đã lập tờ trình báo cáo hiện trạng di tích để xin được cấp kinh phí sửa chữa, nhưng vẫn chưa thấy phản hồi. Về vấn đề nhếch nhác trong từ đường, chúng tôi sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh, không để tình trạng này tiếp diễn".
Khi chưa có kinh phí để nâng cấp, Từ đường Cổ nhạc cần thường xuyên được quét dọn, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, tôn nghiêm. Đừng để một nơi thiêng liêng, vốn là niềm tự hào của nhiều thế hệ nghệ sĩ dòng nhạc cổ truyền lại trở nên nhếch nhác kéo dài như hiện nay.
Bài, ảnh: Anh Phong