ClockThứ Ba, 21/12/2010 19:46

UBND cấp xã phải tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai

TTH - Trước khi qua đời, cha tôi có nguyện vọng để lại đất của ông làm nơi thờ phụng gia tiên. Năm 2002, anh trai tôi ở và quản lý nhà vườn; đồng thời, được chị em đồng thừa kế ủy quyền nhận 50 triệu đồng của Nhà nước để tu sửa nhà thờ theo chính sách đền ơn đáp nghĩa. Từ đó, nhà thờ có thêm chức năng nhà lưu niệm cố lão thành cách mạng Trần Gia Hội (tức cha tôi). Thế nhưng, năm 2007, anh tôi làm thủ tục sang tên và đứng tên duy nhất trên giấy tờ nhà đất. Điều đó trái với nguyện vọng của cha tôi, nên anh chị em chúng tôi không chấp nhận.

Tôi viết đơn nhờ chính quyền xã, huyện can thiệp, nhưng không có văn bản trả lời và không giải quyết. Khi tôi viết đơn khởi kiện lên Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Hương Trà, cán bộ không nhận đơn kiện với lý do chưa có biên bản hòa giải của xã. Vậy, tôi xin hỏi TAND huyện trả lời như vậy đúng không? Trách nhiệm của UBND xã như thế nào trong trường hợp này? (Trần Thị Thôi, ở 134/1/B Tô Hiến Thành (hẻm Nguyễn Giản Thanh), phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh).

ThS. LS Nguyễn Văn Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Huế: Theo quy định tại điều 135, Luật Đất đai 2003 được hướng dẫn tại điều 159 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 về thi hành Luật Đất đai 2003 thì các tranh chấp đất đai bắt buộc phải thực hiện việc hòa giải tại UBND cấp xã trước khi TAND thụ lý giải quyết. Vì vậy, việc TAND huyện trả lại đơn khởi kiện cho bà, vì thiếu điều kiện này là đúng với quy định của pháp luật.

Để được UBND xã tổ chức hòa giải, bà phải có đơn yêu cầu, nếu xã không tổ chức hòa giải cho bà theo quy định, bà có thể khiếu nại để quyền và lợi ích hợp pháp của bà được bảo đảm.
 
Căn cứ Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1490/2007/QĐ-UBND ngày 29-6-2007 quy định về thẩm quyền, trình tự giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh quy định rõ trách nhiệm hòa giải của UBND cấp xã tại điều 8 như sau:
 
“1. UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nhận được đơn về tranh chấp đất đai phải tổ chức hoà giải giữa các bên tranh chấp.
 
a) Việc hoà giải được thực hiện trong thời hạn ba mươi ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tranh chấp.
 
b) Việc hoà giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và có xác nhận hòa giải thành hoặc hoà giải không thành của UBND cấp xã.
 
c) Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai được gửi cho các bên đương sự và lưu vào hồ sơ vụ việc tại UBND cấp xã.
 
d) Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày tổ chức hoà giải, căn cứ vào kết quả hoà giải, Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản báo cáo UBND cấp huyện hoặc hướng dẫn các bên tranh chấp khởi kiện ra TAND”.
 
 Bùi Vĩnh (ghi)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đừng để "cái khó bó cái khôn"

Ở Huế có khá nhiều cây cầu được xây dựng từ khá lâu, đang xuống cấp, hư hỏng, chỉ được duy tu, sửa chữa hàng năm - Việc làm mà theo cơ quan, đơn vị quản lý - chỉ mang tính tạm thời, bởi nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao.

Đừng để cái khó bó cái khôn
Hãy dừng ngay trò quay trúng thưởng

Hiện nay, nhiều người bán hàng tại Huế sử dụng mạng xã hội Facebook để tổ chức trò chơi quay số trúng thưởng nhằm thu lợi. Đây là trò chơi trúng thưởng sử dụng nền tảng Internet và là sự biến tướng của trò quay xổ số để trúng thú nhồi bông Labubu, rầm rộ trên mạng xã hội mà công an nhiều tỉnh, thành cảnh báo có dấu hiệu phạm pháp.

Hãy dừng ngay trò quay trúng thưởng
Người dân tha thiết xây dựng mới cầu Phú Lưu

Hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo giao thông… đó là thực tế hiện nay tại cầu Phú Lưu, phường Vỹ Dạ (TP. Huế). Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân khu vực Cồn Hến tha thiết được ngành chức năng sớm đầu tư, xây dựng mới cầu Phú Lưu.

Người dân tha thiết xây dựng mới cầu Phú Lưu
Return to top