ClockThứ Ba, 29/03/2016 09:47

Văn hóa trách nhiệm

TTH - Trách nhiệm phải làm và chịu trách nhiệm việc mình làm là một phần thước đo đạo đức của cán bộ công chức nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng. Chúng ta thường nói: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nói thì dễ nhưng thực hiện cho được thì lại là vấn đề khác.

Cơ chế của chúng ta lâu nay là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Có thể nói cơ chế này đã phát huy được sức mạnh, trí tuệ của số đông, hạn chế được độc đoán, bảo thủ và “cái tôi” của cá nhân. Thế nhưng, cũng xuất hiện tình trạng có thành tích thì thủ trưởng (người đứng đầu) được hưởng, làm sai thì trách nhiệm đổ cho tập thể. Trong thi đua khen thưởng cũng vậy, nó thường gắn với người đứng đầu. Khen thưởng danh hiệu nào đó cho tập thể thì thủ trưởng cũng được hưởng một danh hiệu cá nhân tương ứng. Trong kinh doanh, lương của thủ trưởng cũng cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần người lao động. Điều đó hoàn toàn hợp lý và đúng với giá trị sức lao động bằng chất xám của người đứng đầu. Nhưng vấn đề ở đây là khi làm sai, thất bại, thua lỗ thì tập thể phải hứng chịu (Kể cả tập thể lãnh đạo và tập thể công chức, người lao động). Khi đưa ra phân tích đúng sai thì thủ trưởng chỉ chịu một phần, còn lại là do tập thể. Dễ dàng nhận thấy khi lấy biểu quyết thì tập thể thường nể (sợ) thủ trưởng mà giơ tay đồng ý. Điều cần nói ở đây đó là tính dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Trong Bộ luật Hình sự có điều luật chế tài xử lý người chịu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong xử lý công chức có quy định quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xẩy ra sai phạm trong đơn vị. Thế nên, thủ trưởng thường tìm mọi cách đổ lỗi cho người này người nọ, biện luận cho mình là do khách quan, do cơ chế, do tập thể vv... Có khi biết là sai nhưng bề ngoài vẫn ra sức chống chế, bao biện mọi khuyết điểm của mình. Dân gian nói nôm na là “tranh công đổ tội”. Đến lúc này thì “cái tôi” bất chấp tất cả và nó chính là nguyên nhân của mất đoàn kết nội bộ. Nói như vậy cũng chưa chính xác hoàn toàn. Đã có không ít cán bộ lãnh đạo các cấp dám đứng ra nhận khuyết điểm, dám nhận kỷ luật. Ngoài ý thức với trách nhiệm của mình, họ còn tự trọng với lương tâm, bản lĩnh, nhân cách trước tập thể, trước cấp trên. Đây cũng là vấn đề đạo đức tự chịu trách nhiệm của từng cá nhân được đánh giá khách quan, chính xác nhất. Dám chịu trách nhiệm cũng là nét văn hóa đạo đức của cán bộ viên chức, của cán bộ quản lý.

Lâu nay, chúng ta hay nói về “văn hóa từ chức”, nhưng “văn hóa chịu trách nhiệm” ít ai đề cập đến. Ở các nước, người đứng đầu chịu trách nhiệm về cái sai của mình và của tập thể do mình phụ trách nên đã từ chức. Đó được gọi là văn hóa từ chức. Chúng ta chưa có thông lệ từ chức nhưng cũng nên tạo thông lệ và ủng hộ cho phẩm chất “văn hóa trách nhiệm”. Đây cũng chính là nội dung cần thiết để thực hiện có hiệu quả phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4.

NGUYỄN TRƯỜNG ĐÁ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trách nhiệm với công tác tuyển quân

Gần 30 năm đảm nhiệm công tác tuyển quân, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Trần Xuân Toản, nhân viên Quân lực, Ban Tham mưu, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Nam Đông luôn khắc phục khó khăn, trách nhiệm với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trách nhiệm với công tác tuyển quân
Đảm bảo tiến độ công trình Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh

Công trình Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh được đầu tư xây dựng nhằm từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao công cộng và định hướng phát triển không gian đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện công trình đang được đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo kế hoạch đề ra.

Đảm bảo tiến độ công trình Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh
Nâng cao hiệu quả tuyên giáo ở lĩnh vực văn hóa và khoa giáo

Thừa Thiên Huế xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên các lĩnh vực chính: Văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục và khoa học - công nghệ. Để người dân hiểu và chung sức phát huy các giá trị, thế mạnh ở bốn lĩnh vực này, công tác tuyên giáo đòi hỏi tiếp tục triển khai hiệu quả hơn.

Nâng cao hiệu quả tuyên giáo ở lĩnh vực văn hóa và khoa giáo
Trách nhiệm trước xã hội

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Trần Thị Kim Loan đánh giá: Ban Phụ nữ (PN) Công an tỉnh là một trong những đơn vị mạnh, có nhiều mô hình, chương trình cụ thể, thiết thực hướng về cơ sở, vì cộng đồng, trách nhiệm với người dân.

Trách nhiệm trước xã hội
Return to top