|
Thường xuyên quan tâm, kiểm tra sức khỏe- một cách để đề phòng đột quỵ (Ảnh minh họa) |
Trịnh Công Sơn có biệt tài nói cứ tưởng như vu vơ nhưng mà thành triết lí của cuộc đời. Tôi rất thích những câu: Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông/Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng/Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh…". Tôi thì có lời khuyên nhủ với mọi người rằng: Cố giữ gìn để “Đừng đột quỵ, ai ơi đừng đột quỵ”.
Không hiểu vì sao mà bây giờ có rất lắm người bị đột quỵ? Bạn bè tôi có vài người. Tôi cũng không thoát. Tháng trước vừa đi thăm bạn, tháng này đã vào viện. Ngày trước trong bệnh viện không có khoa Đột quỵ. Ai bị đột quỵ thì vào Khoa Cấp cứu hồi sức, tạm ổn thì chuyển về các khoa chức năng. Giờ thì ở bệnh viện trung ương Huế có hẳn một Trung tâm Đột quỵ, bệnh nhân lúc nào cũng nằm kín các phòng điều trị. Tôi cũng vừa trải qua gần hai tuần “hành xác” tại đây, rồi được chuyển sang khoa Phục hồi chức năng.
Khoa Đột quỵ có qui chế rất nghiêm ngặt. Người nhà không được vào thăm nuôi. Chỉ ngồi đợi ngoài hành lang, chờ gọi tên mới được vào, chủ yếu làm bốn việc sau đây: 1: Nộp thêm tiền. 2: Mua thuốc ngoài danh mục Bảo hiểm Y tế. 3: Mua các vật dụng cá nhân cho người bệnh. 4: Làm thủ tục ra viện hoặc chuyển người nhà sang khoa khác.
Việc chăm sóc người bệnh do đội ngũ điều dưỡng và hộ lí đảm nhiệm, nhưng công việc này ngày nào họ cũng bị quá tải, làm không xuể. Rốt cuộc khổ nhất vẫn là người bệnh. Một số bệnh nhân bị loét da do nhiều ngày nằm một tư thế. Ăn cháo, uống nước trong tư thế nằm nên hay bị nghẹn, sặc. Đại tiện, tiểu tiện có khi một đến hai giờ sau mới có hộ lí thay bỉm, bệnh nhân phải chung sống với mùi xú uế. Rất khó ngủ vì ánh sáng đèn làm việc và có khi có cả tiếng rên la của những bệnh nhân cùng phòng…
Như đã nói ở trên, công việc của điều dưỡng và hộ lí luôn luôn bị quá tải. Vì thế bệnh nhân cần có người thân ở bên cạnh để hỗ trợ. Có thân nhân ở bên cạnh không chỉ có lợi cho bệnh nhân mà còn chia sẻ bớt công việc cho đội ngũ điều dưỡng viên và hộ lí.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội về địa phương công tác, đi đến đâu họ cũng có lời dặn dò: "Cái gì lợi cho dân thì làm".
Tôi chân thành cảm ơn các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên, hộ lí các khoa Cấp cứu, Đột quỵ, Phục hồi chức năng của Bệnh viện Trung ương Huế đã tận tình cứu chữa và chăm sóc tôi rất chu đáo trong gần 20 ngày bạo bệnh.
Nhưng tôi cũng rất mong lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế điều chỉnh lại qui chế thăm nuôi ở khoa Đột quỵ với tinh thần “cái gì có lợi cho bệnh nhân và nhân viên thì nên làm”. Tất cả đều nhằm vào mục đích vì sức khỏe bệnh nhân và nâng cao chất lượng điều trị, nâng cao thương hiệu của bệnh viện. Thời đi học tôi nhớ mãi hai câu thơ viết ở bệnh viện của nhà thơ Chế Lan Viên: "Đây tôi sống những ngày nhân hậu nhất/Mỗi mai hồng áo trắng đến thăm tôi".
Tôi mong rằng, chiếc áo blouse màu trắng là một hình ảnh mãi mãi sáng đẹp và vô cùng nhân hậu trong lòng mỗi một bệnh nhân.