ClockThứ Ba, 05/12/2023 06:58

Cần chế tài mạnh chó thả rông

TTH - Đã đến lúc lực lượng chức năng cũng nên “rắc lại” vấn đề nuôi chó hiện nay, nhất là đối với những trường hợp để chó thả rông, chạy rông ngoài đường mà không có một biện pháp bảo hộ nào. Hệ lụy của việc chó thả rông là không thể tránh khỏi.

Lo ngại bệnh dại, số ca tiêm phòng tăng cao

 Chó thả rông trên địa bàn phường Vỹ Dạ (TP. Huế)

Tối 24/11, trên đoạn Tỉnh lộ 10 thuộc địa bàn thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ (Phú Vang) xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến một người đàn ông tử vong.

Đó là ông N.V.L. (SN 1973), trú ở thôn Phú Khê, xã Phú Dương (TP. Huế). Ông L. điều khiển mô tô BKS 75B1 - 267.24 đi từ hướng xã Phú Mỹ lên phường Phú Thượng (TP. Huế). Khi ông L. đến đoạn Tỉnh lộ 10 (trước xóm 4, thôn Dưỡng Mong) thì va chạm vào một con chó dẫn đến ngã xuống đường.

Một bé trai trú tại TP. Huế đã từng bị chó cắn nghiêm trọng với nhiều vết thương; trong đó, có 5 vết thương sâu. Sau khi bị chó cắn, gia đình bé trai đã tức tốc đưa cháu đến cấp cứu tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế.

Thế nhưng, do vết thương quá nghiêm trọng, gia đình tiếp tục đưa bé trai này đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh để tiêm chủng, phòng dại, uốn ván. Theo người nhà, trước đó, bé bị con chó (giống Phú Quốc) nhà hàng xóm cắn khi ra đường chơi.

Số liệu từ CDC Thừa Thiên Huế cho thấy, nhiều trường hợp trên địa bàn tỉnh đến tiêm vắc-xin phòng bệnh dại vì bị chó cắn. Những tháng cao điểm, có đến 165 người đến tiêm vắc-xin phòng bệnh dại vì bị chó cắn. Bình quân mỗi tháng, CDC Thừa Thiên Huế tiếp nhận 150-200 trường hợp tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Đơn vị từng tiếp nhận một số trường hợp bị chó cắn gây ra vết thương nghiêm trọng.

Gia đình anh T. chị S., trú tại TP. Huế cũng có sở thích nuôi chó. Hiện, gia đình anh chị có 4 đến 5 con chó các loại. Sợ mất chó, nên hằng ngày anh T. đóng cửa, nhốt chúng ở sân nhà. Sáng mỗi ngày, anh T. sau khi đi thể dục về, mở cửa thả đàn chó ra cho chúng chạy ra đường giải quyết vệ sinh cá nhân.

Vì là nuôi nhốt, nên mỗi lần mở cửa thả chó, đàn chó của anh rất hung dữ. Chỉ cần có người đi ngang qua là chúng lao theo gầm gừ, đe dọa. Không chỉ trẻ con mà người lớn sống gần nhà anh T. chị S. cũng nhiều lần hết hồn vì lũ chó.

Không ít người dân cho rằng, nuôi chó không cấm, nhưng làm sao để đảm bảo an toàn cho người dân là vấn đề đặt ra. Chó mà cứ thả ra, không có xích, không trông giữ, không rọ mõm, lại quá dữ nên dẫn đến chó cắn người là điều khó tránh khỏi.

Hiện, trên địa bàn TP. Huế có không ít gia đình nuôi chó. Ngoài chó cảnh, đẹp, dễ thương, còn những chú chó to, rất hung dữ. Nạn “cẩu tặc” hoành hành nên hầu như nhà nào cũng nhốt chó trong nhà, trong sân, nên rất dữ. Trong số đó, có không ít chú chó thoát được ra ngoài đường...

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, sau khi bị súc vật cắn, cào xước da, nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy trong vòng 15 phút với xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn (cồn, cồn i-ốt...). Không nên nặn máu, không khâu kín vết thương, không dùng các biện pháp dân gian… mà nên đến cơ sở y tế để xử lý.

 

Không chỉ nguy cơ cắn người, tình trạng chó thả rông, không rọ mõm chạy ra đường nguy cơ gây TNGT và phóng uế bừa bãi đã được nhiều người dân phản ánh đến lực lượng chức năng. Có những trường hợp người dân phản ánh nhiều lần, nhưng tình trạng chó thả rông, không rọ mõm, phóng uế bừa bãi vẫn chưa được xử lý triệt để.

Đây cũng chỉ là những trường hợp cụ thể nhỏ lẻ; lực lượng chức năng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, cho cam đoan, cam kết là chính chứ chưa xử phạt thật nặng, thật nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài quản lý, tăng cường công tác tiêm phòng bệnh dại, đã đến lúc lực lượng chức năng, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần tiến hành rà soát từng hộ gia đình, số lượng đàn chó nuôi để kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp cố tình làm trái quy định.

Đừng để khi sự cố, sự việc đáng tiếc liên quan đến chó xảy ra, đe dọa đến tính mạng người dân thì mới bắt đầu cho rà soát, kiểm tra, xử lý. TP. Huế có hệ thống camera giám sát dày đặc và những quy định là điều kiện thuận lợi để kiểm soát, xử lý các trường hợp nuôi chó thả rông, không rọ mõm. Đã đến lúc phải mạnh tay bằng chế tài, chứ không đơn thuần là nhắc nhở, tuyên truyền người nuôi chó nữa...

Bài, ảnh: TÂM ANH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việc nhỏ, tránh hậu quả lớn

Việc nuôi chó, mèo của nhiều hộ dân không đúng theo quy định, đã gây ra nhiều hệ lụy cho chính người nuôi và xã hội…

Việc nhỏ, tránh hậu quả lớn
Một trường hợp bị chó cắn nghiêm trọng

Chiều 1/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho biết vừa tiếp nhận tiêm chủng một bệnh nhi bị chó cắn nghiêm trọng với nhiều vết thương, trong đó có 5 vết thương sâu.

Một trường hợp bị chó cắn nghiêm trọng
Lại chuyện chó thả rông

Nói thì mất lòng, không nói thì mất an toàn… Đó là thực trạng không hiếm khi nhiều gia đình nuôi chó và vẫn cứ vô tư thả chó chạy rông ra đường không hề rọ mõm.

Lại chuyện chó thả rông
Return to top