Một bệnh nhân tâm thần lang thang giữa đường phố
Nhiều lo lắng
Hơn 3 năm trở lại đây, nhiều người dân trong xóm tôi thường xuyên sống trong bất an khi một hộ gia đình có người tâm thần chuyển về sống tại đây. Lúc đầu, mọi người không mấy để ý do anh này chỉ lầm lì, ít nói, đôi khi to tiếng với người trong gia đình và không gây hại đến ai.
Mọi chuyện chỉ dần nghiêm trọng hơn khi anh này hành hung và đập phá dụng cụ của một nhóm thợ đang thi công gần nhà. Chỉ đến khi có sự xuất hiện của lực lượng Công an địa phương mọi chuyện mới tạm chấm dứt.
Sau vụ việc trên, mọi người trong khu phố cũng vận động gia đình đưa anh này lên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để tiện chăm sóc và chữa trị, bởi trong nhà chỉ còn mẹ già ngoài 80. Bẵng một thời gian, thấy gia đình “im hơi lặng tiếng” nên mọi người cũng ngầm hiểu và thông cảm cho tình thương con của người mẹ. Tuy nhiên, ai nấy đều cảnh giác hơn, thường xuyên “cửa đóng then cài” để đảm bảo an toàn.
Nhiều phản ánh về người tâm thần gây rối trật tự xã hội được người dân gửi đến cơ quan chức năng thông qua Hue-S
Tại Thừa Thiên Huế, những trường hợp người bệnh tâm thần sống cùng gia đình và gây ra những vụ việc đáng tiếc không còn là chuyện hiếm. Gần đây nhất là giữa tháng 7 vừa qua khi anh Trần Văn L. mắc bệnh tâm thần trú tại xã Hồng Bắc (huyện A Lưới) đã ra tay sát hại mẹ ruột trong một lần lời qua tiếng lại.
Tìm kiếm trên Hue-S, không khó để bắt gặp nhiều phản ánh của người dân về các trường hợp người tâm thần lang thang đi xin tiền hay nguy hiểm hơn là có những hành vi gây cản trở giao thông, đánh, ném đá, quát tháo… khiến nhiều người xung quanh phải dè chừng, khiếp sợ.
Thực tế cho thấy, số bệnh nhân tâm thần được chăm sóc, quản lý là chưa lớn. Đa phần việc giám sát hành vi của người tâm thần ngoài xã hội hiện chỉ trông vào gia đình người bệnh.
Về mặt tâm lý của cộng đồng xã hội, chúng ta thường tránh xa những người có biểu hiện tâm thần nặng, còn trường hợp những người bị tâm thần dạng nhẹ thì ít khi đề phòng. Nhưng cũng không ít trường hợp bệnh nhân tâm thần có biểu hiện bề ngoài khá bình thường, nhưng lúc lên cơn lại thực hiện nhiều hành vi bạo lực, không thể kiểm soát.
Cần sự chung tay
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh, kết quả điều tra năm 2021 cho thấy, toàn tỉnh có 6.418 người khuyết tật thần kinh - tâm thần. Trong đó, có 5.904 người đang hưởng trợ cấp tại cộng đồng; 514 người đang được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Thời gian qua, việc quản lý người khuyết tật thần kinh - tâm thần trên địa bàn được thực hiện qua các kênh: Tại gia đình người khuyết tật thần kinh - tâm thần; tại các cơ sở y tế trên địa bàn đối với các trường hợp đang điều trị và tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập (đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội).
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh cho biết, để hạn chế những hệ lụy xấu do người khuyết tật thần kinh - tâm thần gây ra trong cộng đồng cần sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội.
Trong đó, đối với gia đình khi phát hiện người thân có biểu hiện bị tâm thần nên sớm đưa đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám, theo dõi nhằm sớm phát hiện bệnh và điều trị. Sau đó, phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá mức độ khuyết tật để có chính sách phù hợp. Đảm bảo cho uống thuốc đúng giờ, đủ liều theo hướng dẫn của cơ sở y tế và tạo môi trường sống an toàn, ổn định. Quan trọng nhất là phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh để phối hợp kịp thời với cơ sở y tế nếu xảy ra hiện tượng bất thường.
Đối với địa phương, cần chỉ đạo trạm y tế thường xuyên phối hợp gia đình trong việc uống thuốc định kỳ (đối với những trường hợp được cấp phát thuốc điều trị thường xuyên tại cộng đồng) và theo dõi chặt chẽ để tư vấn cho gia đình người khuyết tật có lựa chọn thích hợp trong việc trợ giúp, chăm sóc người khuyết tật thần kinh. Thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Y tế hướng dẫn trong triển khai các kế hoạch về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí, kế hoạch trợ giúp người khuyết tật do UBND tỉnh ban hành.
Về phía ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị sẽ nghiên cứu, đề xuất tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng các cơ sở, trung tâm bảo trợ xã hội cho người bị bệnh tâm thần đặc biệt nặng không đủ điều kiện chăm sóc tại cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức lao động, trị liệu và phục hồi chức năng cho người tâm thần đặc biệt nặng, người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng.
Bên cạnh đó, hằng năm tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí, kế hoạch trợ giúp người khuyết tật, theo đó Sở sẽ hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ mà kế hoạch đã đề ra.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đề xuất ngành Y tế cần tăng cường năng lực khám, chữa bệnh; phối hợp cùng các địa phương và các ngành liên quan rà soát, thống kê số người bị bệnh tâm thần; phân loại và phối hợp với gia đình người bệnh để quản lý, theo dõi chặt chẽ, đưa người tâm thần hoặc có dấu hiệu tâm thần đi điều trị, sử dụng thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời, phối hợp ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ ở cở sở, cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc người khuyết tật tại cộng đồng, cho gia đình người khuyết tật để trợ giúp người khuyết tật nói chung và người khuyết tật tâm thần - thần kinh nói riêng, qua đó đã góp phần nâng cao kỹ năng, nhận thức, trách nhiệm trong việc trợ giúp người khuyết tật, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhà.
Bài, ảnh: Minh nguyên