Bệnh nhân ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tham gia học nghề, lao động phù hợp với sức khỏe
Không chỉ nuôi dưỡng, chữa bệnh
Dịp 20/10 năm nay, 141 nữ bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (thôn Chầm, phường Hương Hồ, TX. Hương Trà) được tham gia buổi lễ kỷ niệm dành riêng cho họ nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam. Không khí náo nức, vui tươi với những tiết mục văn nghệ ca ngợi tình yêu cuộc sống do chính các nữ bệnh nhân, học viên cai nghiện tại trung tâm và các em thiếu nhi ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú thể hiện. Không chỉ đứng trên sân khấu ca hát, các chị còn được nhận hoa, quà do Tổ chức FHF tại Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Ngọc Yến tài trợ.
Mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày dành cho người khuyết tật, người cao tuổi, Trung tâm Bảo trợ xã hội vẫn rộn vang tiếng hát, tiếng cười như thế. Nhìn những gương mặt hân hoan, ánh mắt vui cười của người bệnh đang sống tại đây, ông Ngô Duy Bình không khỏi vui mừng khi tổ chức những cuộc vui này. Mừng vì người bệnh không chỉ được chữa trị, ăn uống đầy đủ mà còn được sống vui vẻ, nhờ đó tâm lý cũng thoải mái hơn.
Dù là nơi sinh sống của trên 500 người khuyết tật thần kinh tâm thần và học viên cai nghiện, nhưng khuôn viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội luôn yên tĩnh, từng lối đi đều sạch sẽ, gọn gàng và xanh mát bóng cây. Khu nhà ở, khu lao động, bếp ăn luôn ngăn nắp, khang trang. Ở các phòng dạy nghề, không khí làm việc khá hăng say. Người học đan lưới, đan lát ghế ngồi, may công nghiệp, người học làm vàng mã, làm hương, thêu nón…
Đa phần các bệnh nhân khi mới vào trung tâm đều bệnh nặng. Trung tâm tổ chức khảo sát, phân loại, phối hợp với Bệnh viện Tâm thần lên phác đồ điều trị cho từng người. Dù trung tâm chưa có bác sĩ, nhưng vận dụng cơ chế phối hợp với Bệnh viện Tâm thần khá tốt, tuần nào cũng có bác sĩ chuyên khoa lên thăm khám và kê thuốc. Người nào bệnh nặng được chuyển về bệnh viện điều trị.
Không chỉ điều trị bằng thuốc, bệnh nhân còn được tham gia vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, lao động trị liệu. Được sống trong không gian yên tĩnh, thoáng đãng, được làm việc, vận động, sinh hoạt văn nghệ, tham gia cắm hoa, chơi bóng chuyền, cầu lông… bệnh tình nhiều người dần ổn định.
Các lớp dạy nghề luôn có khoảng 300 bệnh nhân tham gia học nghề, làm việc, tùy theo sức khỏe và năng khiếu. Nhiều người rất giỏi, có thể làm ra các sản phẩm tinh xảo, như đan rổ, đan ghế, đan lưới, thêu nón, may thảm sàn… Trung tâm còn tranh thủ nguồn tài trợ từ các dự án tổ chức chăn nuôi bò, dê, lợn, gà, vịt, cá, trồng rau sạch... Bệnh nhân được dạy cách chăn nuôi bò, dê, học cách trồng rau, nuôi cá, trồng nấm, làm giá đỗ, khuôn đậu để cung cấp nguồn thức ăn tại chỗ.
Ông Ngô Duy Bình (trái), Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thăm, động viên người bệnh làm việc
Để người bệnh ngồi một chỗ là có tội
Ông Bình có 21 năm gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội. Đi bộ đội từ năm 1981, đến 1985, ông vào làm việc ở ngành lao động, rồi được phân công đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội từ 1998. Hồi ấy, cả trung tâm chỉ có 60 bệnh nhân tâm thần, bây giờ là 547 bệnh nhân và 10 học viên cai nghiện.
Nhiều năm qua, công tác dạy nghề, lao động sản xuất là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi hoạt động trị liệu cho người tâm thần và học viên cai nghiện ma túy, vừa tạo niềm vui vừa tạo việc làm cho hơn 200 người tâm thần, từng bước ổn định sức khỏe để họ tái hòa nhập cộng đồng. Trung tâm còn tổ chức dạy văn hóa và kỹ năng sống cho người tâm thần, học viên cai nghiện ma túy.
|
Khi về cơ sở mới ở phường Hương Hồ, tập thể cán bộ và người lao động Trung tâm Bảo trợ xã hội rất vất vả để xây dựng cơ sở vật chất khang trang, ổn định hoạt động vào nề nếp như hiện nay. Từ người tâm thần không thể tự mặc quần áo, nhiều bệnh nhân đã biết tự chăm sóc bản thân, ai cũng sạch sẽ, tham gia học nghề, lao động, sản xuất. Ở trung tâm, dần hình thành các nhóm bệnh nhân giúp nhau. Người khỏe mạnh giúp đỡ, chăm sóc những người yếu hơn, nhất là lúc ốm đau; người thạo nghề hướng dẫn cho người chưa biết…
Những thành quả về chăn nuôi, trồng trọt, tổ chức các lớp nghề cho người tâm thần nghe đơn giản nhưng là cả một quá trình gầy dựng không hề dễ dàng. Ông Bình tâm sự: “Cũng như người bình thường, bệnh nhân tâm thần khi khỏe cũng muốn lao động, đi lại, hội họp, tham gia các hoạt động. Không ai muốn ăn rồi ngồi không, nếu để họ ngồi một chỗ là mình có tội. Việc phân công lao động trong các khu vực rất rõ ràng, được thực hiện theo cơ chế mở. Tất cả các bệnh nhân đều được tham gia các hoạt động, trừ trường hợp đau ốm, bệnh tật”.
Mỗi ngày, ông Bình đều quan tâm, lo lắng cuộc sống sinh hoạt, tiến triển bệnh tình của trên 500 bệnh nhân; lắng nghe tâm tư của hơn 70 cán bộ, người lao động để tháo gỡ khó khăn, chia sẻ kịp thời. Mỗi người bệnh ở đây ông Bình đều quen thân và trò chuyện thân thiết. Trên đường dẫn chúng tôi tham quan trung tâm, gặp một bệnh nhân tâm thần lớn tuổi vẫn hay đứng ở cổng ra vào, ông Bình trêu: “Mệ gác cổng mà có người lạ vào trung tâm, sao không thấy báo cáo?”. “Dạ không thầy ạ. Không có người lạ vào đâu”, nghe bà vội vàng thanh minh, ông Bình cười vang rồi kể: “Nhiều người bệnh lang thang được đưa vào trung tâm, không biết nhân thân, chúng tôi đặt tên và tìm người thân cho họ. Họ có còn ai đâu, chúng tôi chính là người thân”.
Gắn bó đã lâu, ông Bình có quá nhiều kỷ niệm vui buồn ở trung tâm này. Vui nhất là trên 30 người tâm thần đã tái hòa nhập cộng đồng. Với người trở về, trung tâm phối hợp với Quỹ Trái tim Huế hỗ trợ nguồn sinh kế ban đầu nhằm mang lại công ăn việc làm, tạo thêm nguồn thu nhập và tâm lý phấn khởi cho họ. Có những bệnh nhân khỏe rồi nhưng không nơi nương tựa vẫn xin ở lại trung tâm. Với những phận đời mãi mãi nằm lại nơi này, trung tâm đứng ra lo liệu mai táng, đưa họ về nơi yên nghỉ. Hằng năm, ông Bình vẫn cùng đoàn thanh niên, các đoàn thể của trung tâm đến tảo mộ, lo hương khói, xây vỏ mộ như những người thân trong gia đình.
Đến giờ, ông vẫn luôn trăn trở, tranh thủ các nguồn lực để cuộc sống người bệnh được tốt hơn, cơ sở vật chất khang trang, đàng hoàng, sạch sẽ hơn. “Làm việc ở đây, thuận lợi ít nhưng khó khăn rất nhiều. Nhiều mảnh đời bất hạnh không còn ai thân thích, nếu cán bộ trung tâm không làm hết lòng thì ai lo cho họ từng miếng ăn, giấc ngủ. Nơi này đòi hỏi những người làm việc phải có tâm, có đức, coi bệnh nhân như người thân trong gia đình để thương yêu, đùm bọc, nuôi dưỡng, nếu không thì không làm được. Âu cũng là duyên gắn bó, tôi luôn tâm huyết với công việc và tự thấy mình có trách nhiệm phải làm hết lương tâm để lo cho những phận đời bất hạnh. Cố gắng tìm nguồn hỗ trợ để đời sống mọi người được nâng cao, cơ sở vật chất được nâng cấp, mở rộng diện tích trung tâm để các bệnh nhân có thêm nhiều hoạt động vui chơi, thậm chí là có công viên, cây xanh, ghế đá để thư giãn”, ông Bình trải lòng.
Đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là mô hình được Cục Bảo trợ xã hội đánh giá cao, nhiều năm liền được tỉnh công nhận là tập thể lao động xuất sắc. Năm nay, ông Ngô Duy Bình trở thành tấm gương điển hình tiêu biểu cấp tỉnh, vinh dự được nhận bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Làm được nhiều việc cho những mảnh đời không may mắn, nhưng suốt buổi trò chuyện, ông Bình luôn nhấn mạnh đây là thành quả của 74 cán bộ, viên chức, người lao động.
Bài, ảnh: Minh Hiền