ClockThứ Năm, 16/06/2022 14:15

Cần sự đồng bộ trong quản lý xe vi phạm tải trọng

TTH - Các lực lượng chức năng thường xuyên ra quân kiểm soát, xử lý xe tải vi phạm tải trọng, cơi nới thành, thùng xe. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao do sự vào cuộc thiếu đồng bộ từ nhiều phía.

Mở tháng cao điểm kiểm tra, xử phạt xe quá tảiXử phạt hàng loạt xe quá tải trọng

Kiểm soát cân trọng tải xe có biểu hiện chở quá khổ, quá tải tại TL7, TX. Hương Thủy

Tái diễn phức tạp

Xe tải chở quá tải trọng, vượt thành thùng không còn là chuyện mới. Tại Thừa Thiên Huế, công tác kiểm soát tải trọng xe thường xuyên được các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, vi phạm vẫn  diễn ra phổ biến, nhất là nơi có các tuyến đường tiếp cận mỏ vật liệu đất đá, các dự án xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp...

Hệ lụy của hành vi chở quá tải khiến hệ thống an toàn của phương tiện bị suy giảm, thậm chí mất tác dụng trong điều kiện thời tiết xấu hoặc đường sá bị xuống cấp, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Xe quá tải còn khiến kết cấu của cầu, đường nhanh bị xuống cấp, hư hỏng; từ đó làm giảm tuổi thọ khai thác của công trình đường bộ. Thực tế hiện nay, các tỉnh lộ (TL) 7, TL11B, TL9... xuống cấp, hư hỏng nặng.

Theo quy định tại Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế thực hiện trên cơ sở các thông tin, số liệu của sổ sách, chứng từ, tài liệu quy định; tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải thi công lắp đặt những hạng mục trạm cân, camera... Qua khảo sát thực tế, phần lớn các mỏ đất trên địa bàn tỉnh chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.

Mới đây, tổ công tác thanh tra giao thông (TTGT) kiểm tra tại TL7 qua địa bàn phường Thủy Phương, TX Hương Thủy. Tại hiện trường không khó để tổ công tác nhận ra xe tải chở đất quá khổ, quá tải. Thế nhưng, sau khi tổ này vừa xử lý được 2 trường hợp đã thấy nhiều "chim xanh" cải trang người đi đường dò xét chụp ảnh hoặc điện thoại báo tin cảnh giới. Từ thời điểm đó, quãng đường này vắng bóng xe tải chở đất đá qua lại.

Nhiều lần theo chân lực lượng chức năng lập chốt trạm cân lưu động tại đường Võ Văn Kiệt, TP. Huế và TL11B - đoạn qua xã Phong Sơn (Phong Điền), hầu hết những xe thường xuyên "no hàng" qua lại thì hôm ấy "án binh bất động".

Cần vào cuộc đồng bộ

Gần đây, lực lượng chức năng từ tỉnh đến huyện đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hành vi chở quá tải trọng, cơi nới kích thước thành, thùng xe cho chủ đầu mối nguồn hàng, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải chuyên chở hàng hóa và yêu cầu ký cam kết không vi phạm. Đây là cơ sở để phạt kịch khung nếu đối tượng không tuân thủ cam kết, vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.

Theo ông Phạm Nhật Hoàng, Phụ trách Trạm cân lưu động kiểm tra trọng tải xe, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, muốn giải quyết tận gốc xe quá tải, xe cơi nới kích thước thành, thùng rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các cơ quan chức năng, đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các bến bãi sau khi được cấp phép hoạt động; yêu cầu cam kết thực hiện không cho xuất bến với xe chở hàng hóa vượt quá tải trọng quy định. Nếu đơn vị nào sử dụng xe quá tải, tiếp nhận hàng của xe quá tải sẽ kiến nghị xử lý dừng thi công, thu hồi, chấm dứt hợp đồng. Cơ quan đăng kiểm phải thực hiện chặt chẽ, đúng pháp luật đối với xe đi đăng kiểm lắp kích thước thành, thùng xe sai quy chuẩn...

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, với chỉ đạo từ bộ, ngành GTVT và lãnh đạo địa phương, Thanh tra Sở GTVT đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan; phối hợp cùng các lực lượng chức năng khác kiểm tra, xử lý kiên quyết, nghiêm minh tất cả trường hợp vi phạm tải trọng, tự ý thay đổi kích thước thành, thùng; để rơi vãi xuống đường gây mất ATGT và gây khói bụi làm ô nhiễm môi trường, đảo lộn cuộc sống người dân. Thanh tra Sở GTVT tiếp tục trang bị thiết bị phục vụ kiểm tra phát hiện, xử lý qua hình ảnh, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ...

Từ đầu năm 2022 đến nay, Thanh tra Sở GTVT phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý hàng trăm phương tiện có biểu hiện cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải; trong đó có 61 trường hợp vi phạm tải trọng bị xử phạt gần 1,3 tỷ đồng. Trong số này, 100% đã tước tem kiểm định và có 43 trường hợp bị tước giấy phép lái xe...

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững

Huy động nguồn lực, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển, tận dụng các lợi thế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ giúp Huế khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách, hướng đến giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách trung ương.

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững
Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

TIN MỚI

Return to top