Người thu nhập thấp sẽ có thêm cơ hội sở hữu nhà ở nếu các dự án nhà ở xã hội được đầu tư nhiều hơn. Ảnh: T. Huệ
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 29/10/2018 về phê duyệt bổ sung thêm 7 dự án NOXH vào chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trước đó, ngày 13/1/2016, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-UBND phê duyệt NOXH của tỉnh. Điều này cho thấy, tỉnh đã khẩn trương triển khai chương trình nhằm tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng chưa có nhà ở, như: người có công cách mạng, hộ nghèo, công nhân tại các khu công nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập thấp. Đến nay, một số dự án về NOXH đã hoàn thành và đang tiếp tục triển khai.
Anh Nguyễn Văn Dư, một viên chức ở Huế, hiện đang định cư tại một căn hộ tại chung cư Xuân Phú, thuộc chương trình NOXH cho biết: “Với đồng lương viên chức ít ỏi của hai vợ chồng làm sao ước mơ có một ngôi nhà ở Huế, bao nhiêu năm qua, hai vợ chồng tôi đều thuê nhà trọ. May mà có dự án NOXH, hai vợ chồng mới sở hữu được căn hộ chung cư”.
Chị Nguyễn Thị Dung, một công chức ở huyện, được điều động lên tỉnh công tác, rất vất vả bởi không có nhà để ở. Nhân có chương trình NOXH, chị đăng ký và được mua một căn hộ, nhờ vậy cuộc sống gia đình ổn định. Chị Dung tâm sự: “Nếu không có NOXH, suốt cả đời, chẳng dám mơ có một ngôi nhà ở thành phố”.
Dù chương trình NOXH của tỉnh có rất nhiều dự án, song đến nay, chỉ mới có 3 dự án triển khai được đưa vào sử dụng, gồm chung cư Xuân Phú, chung cư Vicoland và chung cư Aranya. Tuy nhiên, các chung cư này đều thấp tầng, phòng ít, trong lúc nhu cầu về NOXH với người dân ở Huế còn quá lớn.
Anh Trần Bá Huy, công nhân dệt may Huế nói: “Gia đình tôi đông anh chị em, nên đến khi mọi người đều lập gia đình không có chỗ ở đành phải ra ngoài thuê phòng trọ, giá 1 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền điện, nước), trong lúc hai vợ chồng công nhân với mức lương thấp, nuôi hai con nhỏ nên quá khó khăn. Biết có NOXH, song do mình đăng ký chậm nên hiện nay không có nhà để mua”.
Anh Nguyễn Văn Huy, quê ở Quảng Bình, giảng viên một trường đại học ở Huế chưa có nhà ở nói: “Hai vợ chồng tôi được giữ lại trường để giảng dạy. Mới ra trường, lương thấp, trong khi gia đình nội ngoại hai bên đều khó khăn không thể giúp gì cho mình được nên hai vợ chồng vẫn phải thuê nhà. Cưới nhau cũng gần hai năm nhưng chưa dám sinh con vì đang ở nhà trọ”.
“Khát” nhà ở xã hội đang rất nóng hiện nay. Việc phát triển mạnh NOXH là một chủ trương đúng đắn và đầy nhân văn, hiện thực hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu xây dựng xã hội vì con người. Với quyết tâm chính trị cao của tỉnh trong việc đảm bảo an sinh xã hội, nhất là về nhà ở, mới đây Thừa Thiên Huế tiếp tục bổ sung thêm 7 dự án về NOXH. Hy vọng mục tiêu trên sẽ sớm được hiện thực hóa, giúp người nghèo, người có thu nhập thấp hưởng được chính sách, ổn định cuộc sống.
Khôi Nguyên