Đó là thông điệp được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ tiếp tục lan tỏa sau 5 năm Thừa Thiên Huế thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU, ngày 13/3/2018 về việc mở Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải và hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 07-CT/TU, ngày 05/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh các phong trào xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, sáng.
Dịp này, Thừa Thiên Huế Online xin giới thiệu bài viết của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ về vấn đề này.
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Liên tục từ năm 2018 đến nay, cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra; các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục diễn ra sôi động, nhiều sự kiện lớn mang ý nghĩa được tổ chức chu đáo, trang trọng; quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân được tăng cường.
|
Các bạn trẻ ra quân Ngày Chủ nhật xanh |
Đặc biệt, xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp thiết, là cơ sở thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU, ngày 13/3/2018 về việc mở Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải; Chỉ thị 07-CT/TU, ngày 05/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh các phong trào xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, sáng. Trên tinh thần đó, đã chỉ đạo UBND tỉnh cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chỉ thị thông qua việc ban hành Đề án tổ chức Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”; chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; tích cực triển khai Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải; phong trào Ngày Chủ nhật xanh với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Qua 5 năm triển khai Chỉ thị 24, hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 07, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung sức đồng lòng, tích cực tham gia hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh, Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, được xã hội đánh giá cao, được các tầng lớp nhân dân đồng thuận, hưởng ứng; nhiều phong trào, mô hình, công trình, phần việc,... được phát động, triển khai, thực hiện hiệu quả có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với các địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, giữ gìn môi trường của Thừa Thiên Huế.
|
Người dân thu dọn rác làm sạch sông Hương |
Nổi bật, trên địa bàn tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động toàn dân chung tay bảo vệ môi trường thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng như: Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”; các phong trào: “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”, “Giữ gìn cảnh quan đô thị, thân thiện với môi trường”, “Công viên không rác”, “Công sở văn minh, sạch đẹp”, “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng, bản không rác”, “Góc phố sạch, vỉa hè sạch”.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại các địa phương, đơn vị và tổ chức các hoạt động gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động mang dấu ấn riêng, nổi bật của từng đơn vị, tiêu biểu như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh với phong trào “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Các địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện các mô hình như: “Huế - Thành phố 4 mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”; phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”... với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi tổ dân phố, làng, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường; nhiều mô hình hay, gương điển hình tiêu biểu được nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng.
Đặc biệt, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư chúc mừng và biểu dương sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 22 tập thể, 36 cá nhân và tặng giấy chứng nhận cho 20 cá nhân “Đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh”; các ban, ngành, đoàn thể cũng đã kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tiêu biểu; phê bình, nhắc nhở đối với các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phong trào kém hiệu quả.
|
Trang trí tranh trên lu với thông điệp thân thiện môi trường |
Đến nay, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và duy trì đều đặn hàng tuần, trở thành một hoạt động thường xuyên, nền nếp, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và toàn xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt của đô thị, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng sạch đẹp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU, Chỉ thị 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít hạn chế, cần được khắc phục như: Việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị gắn với Đề án “Ngày Chủ nhật xanh” tại một số cơ quan, đơn vị, trường học và địa phương đôi khi còn thiếu thường xuyên; nhận thức và hành động của một số bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về việc bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế; ý thức sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, mang tính bền vững thay thế túi ni lông chưa nhiều. Công tác phối hợp giữa các địa phương và cơ quan chuyên trách trong thu gom và xử lý rác thải chưa thật sự nhịp nhàng, lúng túng trong việc phân loại rác tại nguồn. Việc xây dựng các mô hình “Không xả rác” ở các nhà hàng, quán ăn, điểm tham quan, du lịch, công viên, điểm xanh, điểm công cộng và các chợ, siêu thị,… chưa được triển khai đồng bộ, thiếu hiệu quả; các quy chế, quy định chế tài để xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường, trật tự mỹ quan đô thị, nông thôn có nơi, có lúc chưa nghiêm.
|
Phong trào Ngày Chủ nhật xanh lan tỏa đến rộng rãi người dân |
Những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh nhà trong 5 năm qua là rất đáng ghi nhận. Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 24-CT/TU; Chỉ thị 07-CT/TU của Ban Thường vụ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt phương châm "Quyết liệt - Kiên trì - Đồng bộ"; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với quan điểm “chỉ làm gương, không làm thay” nhằm đưa phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" đi vào cuộc sống, trở thành hành động, nếp sống thường nhật của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội. Đồng thời, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường; triển khai sâu rộng Chỉ thị 24-CT/TU và Chỉ thị 07-CT/TU gắn với Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Chú trọng xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh, nhân văn trong ứng xử với thiên nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội.
Xác định rõ quan điểm xây dựng môi trường, cảnh quan đô thị, nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, không rác thải, xây dựng Thừa Thiên Huế theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh” là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Mỗi cán bộ, đoàn viên, hội viên phải là một tuyên truyền viên tích cực, vận động toàn dân tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường, hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động do Trung ương, địa phương phát động; duy trì và nhân rộng các tổ tự quản cộng đồng góp phần thực hiện tốt phong trào bảo vệ môi trường tại địa phương.
Thứ hai, các địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể tổ chức Ngày Chủ nhật xanh phù hợp với từng điều kiện của mỗi địa phương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị về “Ngày Chủ nhật xanh” với tinh thần “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn”, để mỗi người dân thật sự là chủ nhân của phong trào "hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng".
Thứ ba, trong triển khai thực hiện, các địa phương, đơn vị phải duy trì thường xuyên các phong trào, hoạt động, đồng thời vận động, tập hợp đông đảo người dân tham gia; lấy phong trào “Chủ nhật xanh” làm nòng cốt, mỗi địa phương, đơn vị chọn xây dựng mô hình triển khai cụ thể, phù hợp với thực tiễn nhằm đưa phong trào đi vào chiều sâu, thực chất. Chú trọng triển khai thực hiện các phong trào, mô hình đảm bảo tính bền vững, hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức các chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường, làm sạch nhà, đẹp phố, cơ quan, công sở; duy trì các mô hình “Không xả rác” ở các nhà hàng, quán ăn, điểm tham quan, du lịch sinh thái, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, bến xe, các chợ, điểm công cộng,… Tích cực vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, thói quen phân loại rác thải, sử dụng các sản phẩm bao, bì thân thiện với môi trường; trồng cây xanh tạo cảnh quan ...
Khuyến khích phát triển , nhân rộng mô hình Mỗi tuần một tuyến đường xanh của huyện Nam đông, mô hình Phân loại rác tại nguồn của thành phố Huế, vận động nông dân thực hiện phong trào Nói không với bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đổnguộng, Ngư dân Nói không với rác thải nhự ở đại dương...
|
Thành phố Huế xanh - sạch - sáng và thân thiện |
Toàn hệ thống chính trị, toàn dân nêu cao ý thức, trách nhiệm, tích cực triển khai sâu rộng, thiết thực, lan tỏa mạnh mẽ phong trào “Ngày chủ nhật Xanh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”..., tạo khí thế mới, động lực mới, sẵn sàng tâm thế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ tư, đổi mới phương thức quản lý trong công tác bảo vệ môi trường. Huy động mọi nguồn lực xã hội xây dựng các điểm xanh công cộng, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên các tuyến đường du lịch. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thu gom, tái chế túi ni lông và các cơ sở sản xuất túi giấy hoặc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông.
Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý, điều hành và giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Phát huy hiệu quả của ứng dụng mạng lưới Ngày Chủ nhật xanh với mục đích xây dựng hệ thống chính quyền gần dân, năng động - sáng tạo - thân thiện; đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể nhân rộng mô hình mạng lưới Chủ nhật xanh từ tỉnh đến cơ sở.
Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các tiêu chí đánh giá phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn hóa khu dân cư, tiêu chí đánh giá doanh nghiệp thân thiện với môi trường. Chính quyền các cấp nghiên cứu, thể chế hóa các chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, đảm bảo đủ mạnh để xử lý những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, những đối tượng vi phạm pháp luật, quy định, quy chế sinh hoạt nơi công cộng, công sở. Các cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường.
Ảnh: LÊ THỌ - THIÊN HƯƠNG - THANH THẢO
Trình bày: QUANG THIỀU