ClockThứ Năm, 28/03/2019 06:45

Doanh nghiệp đi, lo lắng để lại

TTH - Hơn 3 tháng sau khi hết hạn khai thác mỏ cát Bãi Trằm ở thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến (Phú Lộc), doanh nghiệp (DN) khai thác vẫn chưa hoàn thổ, tạo thành hai hồ nước lớn và sâu, rất nguy hiểm.

Giám sát chặt hoạt động khai thác có phép cũng như trái phépHố “tử thần” từ khai thác cát

Nhà dân ở xung quanh 2 hồ nước không rào chắn, biển báo

Nguy hiểm

Những ngày vừa qua, người dân thôn Thủy Dương liên tiếp phản ánh, họ vô cùng lo lắng bởi sau khi Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng 368 chấm dứt việc khai thác cát ở Bãi Trằm đã tạo thành hai hồ nước rất lớn, với độ sâu từ 8 - 10m, rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em và động vật nuôi trong thôn.

Một hộ dân gần đó cho biết, vừa qua, người dân trong thôn chèo ghe ra giữa hai hồ nước, cột đá vào một sợi dây để kiểm tra độ sâu, kết quả điểm sâu nhất là 12m, còn các điểm khác từ 7 - 8m. Hai hồ nước chỉ cách nhà dân 15m và cách con đường liên thôn khoảng 25m. Ở trên hai hồ nước là đồi núi, nếu có mưa lớn thì đất đá rất dễ sập xuống. Điều lo lắng hơn là xung quanh 2 hồ nước không có hàng rào và biển cảnh báo nguy hiểm. Mọi người trong thôn đều dặn con cháu trong nhà không được đến gần 2 hồ nước, nhưng chỉ sợ người vùng khác tới, hoặc học sinh đi ngang qua không biết lại xuống hồ chơi.

Ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, lo lắng nhất là các hộ nằm ở xung quanh hồ nước, bởi sạt lở núi là rất dễ xảy ra. Nếu không sớm hoàn thổ thì sẽ xảy ra cảnh tương tự như các hộ ở chân núi Phú Gia trước đó. Khu vực đó cũng lấy đất ở dưới chân núi, do chậm hoàn thổ nên núi sạt lở làm sập nhiều nhà dân, đến hiện tại vẫn còn nguy cơ sạt lở núi mà chưa có giải pháp.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc thông tin, từ phản ảnh của người dân, phòng đã tiến hành kiểm tra hiện trường; đồng thời, phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiến hành đo đạc địa hình, hiện trạng tại khu vực mỏ khai thác cát. Về độ sâu khai thác, có 2 điểm trong toàn bộ các điểm đã đo đạc vượt quá độ sâu cho phép: điểm thứ nhất vượt quá 1,978m; điểm thứ hai vượt quá 1,845 mét.

Qua tìm hiểu, giấy phép số 31/GP-UBND ngày 18/6/2015 mà UBND tỉnh cấp cho Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng 368 thì đến ngày 24/12/2018 đã hết hạn khai thác cát tại Bãi Trằm. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh, trong giấy phép khai thác cát, sau khi hết thời hạn, DN phải phục hồi môi trường (hoàn thổ). Phương án phục hồi môi trường được quy định rất cụ thể, khu vực khai thác sẽ được san lấp mặt bằng, cải tạo bờ, thửa, trồng cây để phục hồi môi trường. Về đất dùng để san lấp là loại đất thải (nằm ở lớp dưới), chứ không được đá hoặc đất lẫn đá; lớp trên là loại đất có thể trồng cây được.

Cần sớm xử lý

Ông Phan Văn Trọng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc cho biết, việc khai thác cát của Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng 368 vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 1m đến dưới 2m, được quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 36 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó, mức phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh cho biết, thời hạn mà DN thực hiện hoàn thổ theo quy định là 7 tháng từ khi hết giấy phép khai thác. Ngoài ra, DN phải theo dõi chăm sóc cây trồng thêm 36 tháng. “Trước đó, vào ngày 11/1/2019, Ban Quản lý đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng 368 yêu cầu tiến hành cải thiện môi trường theo đúng quy định, nhưng đã qua 3 tháng mà DN vẫn chưa thực hiện. Trong tuần này, Ban sẽ gửi văn bản lần 2 đề nghị DN hoàn thổ”, ông Dũng khẳng định.

Trao đổi qua điện thoại, ông Phạm Thế Phượng, Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng 368 cho rằng, DN chắc chắn sẽ hoàn thổ theo quy định. Tuy nhiên, phía DN đã đền bù cho người dân tổng cộng 3ha, nhưng người dân chỉ bàn giao hơn ½ diện tích. Phía DN đã có văn bản gửi Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh và UBND huyện Phú Lộc đề nghị hỗ trợ bàn giao mặt bằng còn lại cho DN để thuận lợi trong việc hoàn thổ, hoặc người dân trả lại số tiền tương ứng với diện tích chưa bàn giao. Ngoài ra, DN đã đóng tiền cấp quyền khai thác cho toàn bộ 3ha, nhưng thực tế khai thác chỉ hơn ½, do đó, các cơ quan chức năng cần hoàn lại một phần để DN có kinh phí hoàn thổ.

Ông Nguyễn Quang Dũng cho biết, đúng là phía Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng 368 đã nộp tiền cấp quyền cho toàn bộ diện tích đất, nhưng không khai thác toàn bộ diện tích. Đây là một vướng mắc, phía Ban sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để có hướng xử lý phù hợp. Riêng việc đền bù đất giữa DN và người dân thuộc về tranh chấp dân sự giữa hai bên. Nếu quá trình thương lượng không đạt kết quả, DN có thể khởi kiện ra tòa.

Riêng việc hoàn thổ thì DN bắt buộc phải thực hiện, chứ không thể kéo dài. Trường hợp quá thời hạn 7 tháng mà DN chưa hoàn thổ thì cơ quan chức năng sẽ lấy tiền ký quỹ môi trường của DN để thực hiện. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ, DN mới nộp hơn 200 triệu đồng trong tổng số 850 triệu đồng phải ký quỹ, ông Nguyễn Quang Dũng cho hay.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top