ClockThứ Bảy, 11/02/2023 16:43

Đường chưa thông tuyến, dự án đã kết thúc

TTH - Đường sản xuất A Rom - Pa Ring - Cân Sâm (xã Hồng Hạ, huyện A Lưới) được đầu tư xây dựng từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thông tuyến được. Trong khi đó, việc đi lại, vào rừng sản xuất của người dân gặp khó khăn do công trình thi công dang dở.

Đường liên thôn A Rom và Pa Ring - Cân Sâm thi công dang dở gây khó khăn đi lại cho người dân

Được đầu tư xây dựng từ năm 2013 với chiều dài khoảng 500m, nền đường 3,5m, dẫn vào rừng sản xuất của các hộ dân thôn A Rom và Pa Ring - Cân Sâm, nhưng đến nay tuyến đường này lại hoang hóa, cây cối mọc um tùm, nằm khuất lấp trong cánh rừng tràm, không được người dân sử dụng. Nguyên nhân, chủ đầu tư chỉ triển khai dự án từ đầu tuyến (giao với Quốc lộ 49) vào đến rừng sản xuất, khi gặp đoạn khe suối với vực khá sâu, còn 200m nữa thì ngưng thi công từ đó cho đến nay.

Ông Đ.V.K (thôn A Rom, xã Hồng Hạ), một hộ dân trồng rừng khu vực này cho biết, tuyến đường khi xây dựng được đổ bê tông khá dày, bà con vui mừng vì có đường đi vô nơi sản xuất, vận chuyển keo tràm. Tuy nhiên, đơn vị thi công thời điểm đó chỉ làm từng đoạn vài chục mét, các đoạn qua khe suối thì không đổ nền. Đặc biệt, đoạn cuối tuyến còn 200m nữa nhưng không thi công do gặp đoạn suối sâu. Từ đó đến nay tuyến đường này không ai đi lại nên dần bị hoang hóa. Trong khi đó, người dân rất cần đường vào khu sản xuất.

Được biết, công trình giao thông đường liên thôn A Rom và Pa Ring - Cân Sâm được UBND tỉnh phê duyệt danh sách ngắn các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại Quyết định số 1379/QĐ-UBND ngày 16/7/2015, thuộc dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2, tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Dự án BCC). Công trình này, do Ban quản lý Dự án BCC tỉnh là chủ đầu tư và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Huy Hoàng là đơn vị trúng thầu thi công.

Ông Lê Văn Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ thông tin, tại khu vực thôn A Rom và Pa Ring - Cân Sâm có 135 hộ dân chủ yếu làm rừng sản xuất, nên đường chưa thông tuyến rất khó khăn cho người dân. Mặt khác, khu vực này đã được đấu nối với đường sản xuất thuộc Chương trình 135 đầu tư trên địa bàn xã với tổng chiều dài (cả 2 tuyến nối nhau) khoảng 1km. Đây là khu vực có địa hình khá bằng phẳng, ổn định, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã đã bố trí tái định cư 6 hộ dân ở khu vực này, trong tương lai sẽ tiến hành di, giãn dân đến khu vực này. Do vậy, tuyến đường thi công dang dở, chưa thông tuyến vừa gây lãng phí, khó khăn đi lại sản xuất của người dân. “Trong các kỳ tiếp xúc cử tri, xã đã đề xuất tiếp tục thi công công trình nhằm phục vụ sản xuất và yêu cầu các đơn vị liên quan, khi tiến hành khảo sát các công trình xây dựng trên địa bàn xã phải có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, tránh sự lãng phí, thất thoát, công trình thi công dang dở như tuyến đường này”, ông Lê Văn Hợi, cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của PV, công trình đường liên thôn A Rom và Pa Ring - Cân Sâm đến nay chỉ hoàn thành được 80% khối lượng công việc so với toàn tuyến. Phần còn lại khoảng 200m không thể tiếp tục triển khai thi công được.

Ban quản lý Dự án BCC tỉnh cho rằng, trong quá trình thi công, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan để đẩy nhanh tiến độ công trình, tuy nhiên đến nay không thể thông tuyến được là do hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo về an toàn và kỹ thuật. Cụ thể, hiện trạng đoạn đường này băng qua một khe suối, vực sâu từ 4-5m, về mùa mưa, ở khu vực này nước chảy xiết, tràn qua đường, dẫn đến tình trạng gây xói lở và hư hỏng đường. Tuy nhiên, trong hồ sơ thiết kế thời điểm xây dựng năm 2013 ở khu vực này lại không có cống thoát nước.

Để khắc phục dự án này, tại thời điểm thi công năm 2013, Ban quản lý Dự án BCC tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan, thiết kế lại bản vẽ và đã bổ sung thêm cống thoát nước vào trong hồ sơ thiết kế, đồng thời gửi cơ quan có thẩm quyền để thẩm tra làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm cống thoát nước đã làm thay đổi báo cáo kinh tế kỹ thuật và làm tăng tổng mức vốn đầu tư đã được UBND tỉnh và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phê duyệt ban đầu, nên phía ADB không chấp thuận, dẫn đến đơn vị gặp khó khăn trong việc triển khai thi công phần còn lại của tuyến đường. Đến cuối năm 2020, Dự án BCC đã kết thúc.

Để hoàn thiện phần còn lại của tuyến đường đường liên thôn A Rom và Pa Ring - Cân Sâm, đưa công trình vào phục vụ sản xuất, vừa qua UBND tỉnh đã giao UBND huyện A Lưới rà soát, bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn cơ sở hạ tầng thuộc Dự án 4, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, khi bổ sung danh mục đầu tư sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến còn lại, đưa vào sử dụng, đảm bảo giao thông thuận lợi cho người dân.

Dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2 được thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2019, tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với 4 hợp phần chính: Tăng cường năng lực thể chế và cộng đồng về quản lý hành lang đa dạng sinh học; Phục hồi hành lang đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái và quản lý bền vững nguồn tài nguyên; Hỗ trợ cải thiện sinh kế và cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ; Quản lý dự án và dịch vụ hỗ trợ. Tại Thừa Thiên Huế, dự án triển khai tại 10 xã của 2 huyện Nam Đông và A Lưới (Thượng Quảng, Thượng Long, Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Kim, Hồng Hạ, Hương Phong, Hương Nguyên, A Roàng, Hương Lâm).

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Chiều tối 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top