Người dân cần thận trọng với các giao dịch tiền mặt
Rao mời tiền giả tràn lan trên mạng xã hội
Cuối tháng 10 vừa qua, Công an huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã bắt giữ 2 đối tượng dùng tiền giả để mua hàng hóa và nhận thối tiền thật. Cụ thể, 2 đối tượng đã sử dụng tờ tiền polymer giả, mệnh giá 500.000 đồng đến cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp để mua hàng hóa, nhận tiền thật thối lại. Đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật khi đưa tiền giả lưu thông.
Trên địa bàn Thừa Thiên Huế từ đầu năm đến nay, ngành Ngân hàng đã thu giữ 10 tờ tiền giả nhưng chưa phát hiện các vụ án tiêu thụ tiền giả. Tuy nhiên, với tình trạng rao bán tiền giả tràn lan trên mạng xã hội như hiện nay, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro liên quan đến việc lưu thông tiền giả.
Bằng chứng là chỉ cần gõ từ khóa "đổi tiền giả" trên thanh tìm kiếm của Facebook sẽ xuất hiện hàng loạt trang cá nhân, hội nhóm với những tên gọi như “đổi tiền giả”; đổi tiền (tiền giả không cọc)”; đổi tiền giả không cọc giống thật 98%”… với nhiều lời mời gọi hấp dẫn.
Vào trang “Polymer giống thật 90%”, người này tự tin rao “Shop bán polymer giống thật 99%. Giao hàng trực tiếp nhận hàng rồi thanh toán. Hàng chất liệu polymer, có máy soi mới nhận ra được, còn mắt thường không nhìn thấy được nhé. Loại polymer hiện có gồm: 50K (là 50 ngàn đồng - PV), 100K, 200K. Hàng giống thật đến 99%, có độ đàn hồi”… Phí đổi mà trang này công khai là 500 ngàn đồng tiền thật là đổi được 4,5 triệu tiền giả đủ mệnh giá.
Nhiều trang khác còn có mức đổi như: 1 triệu tiền thật đổi 15 triệu tiền giả… Kèm theo lưu ý “không dùng gửi ngân hàng và tiệm vàng”.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, luật pháp hiện nay quy định rất rõ về việc cả người bán và người mua tiền giả đều vi phạm pháp luật và bị phạt rất nặng. Cụ thể, theo Điều 207 Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13, đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì tùy theo mức độ phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 20 năm tù hoặc chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tăng cường công tác quản lý
Với chức năng quản lý trong lĩnh vực tiền tệ, những năm gần đây, NHNN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống các hoạt động tội phạm về tiền giả. Trong đó, năm 2018, đơn vị đã thực hiện ký kết quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng. NHNN tỉnh cũng phối hợp Công an tỉnh thực hiện tuyên tuyền bằng cách dán áp phích tiền Việt Nam và cách nhận biết tại các xã, phường, chợ… điểm đông người trên địa bàn. Phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền phòng chống tiền giả tại các xã cửa khẩu giáp biên giới Việt Nam và Lào.
Ông Châu Khắc Thái, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thông tin, hiện tại các tổ chức tín dụng (TCTD), các cán bộ làm công tác kiểm ngân, thủ quỹ và giao dịch viên đều được được đào tạo, tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, giả đảm bảo phát hiện, xử lý tiền giả trong quá trình giao dịch tiền mặt với khách hàng. Tháng 5/2022 vừa qua, NHNN tỉnh đã phối hợp Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng tổ chức khóa bồi dưỡng “Kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả” cho các giao dịch viên, kiểm ngân, thủ quỹ trên địa bàn.
Ngoài ra, khi NHNN Việt Nam có thông báo về các đặc điểm nhận biết tiền giả loại mới thì NHNN tỉnh sẽ gửi đến TCTD và cơ quan chức năng để nắm bắt và phối hợp phòng, chống tiền giả trên địa bàn. Và khi có đề nghị giám định tiền nghi giả của cơ quan chức năng, NHNN tỉnh sẽ phối hợp phục vụ yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cũng theo ông Thái, ngoài sự vào cuộc của các ban ngành liên quan, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi thực hiện mua, bán hoặc các giao dịch thương mại nhất là vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tránh để các đối tượng lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác hoạt động phạm tội. Tốt nhất, người dân cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về nhận biết tiền Việt Nam thật.
Trong đó cần lưu ý, đồng tiền thật được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao. Vì vậy, người dân có thể kiểm tra độ đàn hồi bằng cách nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; kiểm tra độ bền bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền (lưu ý không kéo, xé đồng tiền ở vị trí đã bị rách) sẽ khó rách, khó bai giãn. Trong khi đó, tiền giả chủ yếu được in trên nilon nên không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật. Khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm. Khi kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị bai giãn hoặc rách.
Người dân cũng có thể soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm và hình định vị; vuốt nhẹ mặt trước tờ tiền, kiểm tra các yếu tố in nổi; chao nghiêng tờ tiền, kiểm tra mực đổi màu (OVI), dải iriodin (dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng); kiểm tra yếu tố hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ để nhận diện tiền thật, giả.
Ngoài ra, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cũng được xem là giải pháp hạn chế được tình trạng lừa đảo tiền giả, ông Thái nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Anh - Nhân