ClockThứ Ba, 01/10/2024 06:28

Thận trọng kẻo tiền mất mà đất… không có

TTH - Với thủ đoạn nhận tiền đặt cọc, bán các thửa đất không thuộc quyền sử dụng của mình, đặt cọc một số tiền nhỏ để mua lại các thửa đất rồi bán cho người khác, nhiều người đã sập bẫy lừa đảo, để rồi mất tiền tỷ mà đất… không có.

Cảnh báo lừa đảo mua bán đất, nhà ở

 Đối tượng Nguyễn Chí Tâm dùng thủ đoạn tách thửa để lừa đảo

Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vừa được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh xét xử đối với hai bị cáo Nguyễn Thanh Toàn (SN 1988) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1978), cùng trú tại phường An Đông, TP. Huế là minh chứng điển hình.

Toàn bàn với Quỳnh cùng mua đất trồng cây lâu năm có diện tích lớn để tự phân lô, tách thửa bán lại kiếm lời. Toàn biết rõ mình không phải là chủ có quyền sử dụng đất và đất chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, phân lô, tách thửa. Để chiếm đoạt tiền của các bị hại, Toàn và Quỳnh thuê người tự vẽ sơ đồ phân lô, tách nhiều thửa đất để lừa đảo.

Bộ đôi này đưa ra thông tin gian dối là đất đang làm thủ tục cấp đổi, đất chuyển mục đích thành đất ở; thuê người làm san lấp, phát quang mặt bằng… rồi đăng ảnh lên mạng xã hội làm cho nhiều người tin tưởng đặt cọc tiền cho Toàn và Quỳnh để mua các lô đất đã được tách thửa và chuyển đổi mục đích sử dụng.

Với thủ đoạn nêu trên, hai bị cáo đã thực hiện 5 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền là 5,75 tỷ đồng. TAND tỉnh xét thấy, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện nhiều lần, các bị cáo cần phải cách ly khỏi xã hội một thời gian dài để giáo dục và răn đe. Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Toàn 7 năm 3 tháng tù; bị cáo Nguyễn Như Quỳnh 7 năm tù.

Tương tự, mới đây, TAND tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1988, trú tại phường An Đông, TP. Huế).

Nghĩa làm nghề kinh doanh môi giới và buôn bán bất động sản. Do làm ăn kinh doanh không có hiệu quả dẫn đến thua lỗ và mất khả năng chi trả cho người khác. Nghĩa nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người khác thông qua các hình thức gian dối: Đưa ra thông tin rằng, Nghĩa là chủ thửa đất rồi tự vẽ ra các bản vẽ phân lô, tách thửa đất có diện tích nhỏ hơn, sau đó rao bán các thửa đất này để nhằm chiếm đoạt tiền cọc của những người mua đất.

Ngoài các thủ đoạn trên, Nghĩa còn đưa ra các thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của người khác như: Kêu gọi người khác cùng góp vốn với mình để mua các thửa đất lớn sau đó tách thửa để bán rồi cùng nhau chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn mà Nghĩa đã hứa hẹn; nhận tiền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm thủ tục tách thửa để chiếm đoạt tiền của người khác.

Nghĩa đã lợi dụng sự tin tưởng của người khác để chiếm đoạt tiền và tài sản của 20 người bị hại gần 5 tỷ đồng.

Trường hợp Lê Văn Hiền (SN 1991, trú xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy) - Giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản với tội danh “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” cũng là lời cảnh báo cho mọi người. Hiền đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối là tự vẽ bản đồ tách thửa các thửa đất không thuộc quyền sử dụng của mình, rồi đem bán cho nhiều người mua đất để nhận tiền đặt cọc; mượn tiền để đầu tư kinh doanh đất. Tin tưởng những thông tin Hiền đưa ra là thật, các bị hại đã đưa tiền, tài sản cho Hiền và Hiền chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân. Với các thủ đoạn đó, Hiền đã chiếm đoạt của nhiều người số tiền hơn 9,3 tỷ đồng.

Luật sư Võ Công Hạnh, Văn phòng Luật sư Công Khánh cho biết: Theo quy định của pháp luật, người sử dụng đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Luật Đất đai 2024.

Trường hợp thỏa thuận giao kết hợp đồng đặt cọc với một người không phải là chủ sử dụng đất thì người đó không có quyền thực hiện việc hứa chuyển nhượng quyền sử dụng và quyền sở hữu mảnh đất đó (trừ trường hợp đã nhận được sự ủy quyền từ phía chủ sử dụng đất). Nếu người nhận đặt cọc không phải chủ đất mà sử dụng hành vi hoặc thủ đoạn gian dối để làm cho người đặt cọc lầm tưởng người đó là chủ đất để chiếm đoạt tài sản của người đặt cọc thì có thể cấu thành tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Hợp đồng đặt cọc trong trường hợp này giữa người nhận cọc không phải chủ đất và người đặt cọc sẽ bị vô hiệu do lừa dối theo Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 thì hai bên trong giao dịch có nghĩa vụ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Để tránh bị lừa đảo, trước khi giao dịch, người mua nên yêu cầu bên bán xuất trình bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) và kiểm tra thông tin nhân thân của chủ sử dụng đất trên giấy chứng nhận. Người mua cần chú ý điều khoản thời gian chuyển nhượng trong hợp đồng đặt cọc.

“Trường hợp bị lừa đảo, hay phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến bất động sản, người mua hãy tìm đến văn phòng luật sư để được hỗ trợ pháp lý và nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an để giải quyết theo quy định của pháp luật” - Luật sư Võ Công Hạnh chia sẻ.

Bài, ảnh: THÁI SƠN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thận trọng và chủ động ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 14/8/2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) nhằm huy động các nguồn lực y tế công cộng toàn cầu và khu vực để giám sát, ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa đang đặt ra.

Thận trọng và chủ động ứng phó bệnh đậu mùa khỉ
Thận trọng nơi công cộng

Đã có nhiều vụ cướp giật tài sản, trộm cắp ở công viên, nơi công cộng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Song, để tình trạng này không tiếp diễn, bản thân mỗi người dân cần chủ động tự bảo vệ tài sản của mình.

Thận trọng nơi công cộng
Thận trọng khi đưa thông tin trẻ em lên mạng xã hội

Trên không gian mạng, nhiều phụ huynh lại vô tư trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của con. Thế nên, cũng cần phải cảnh giác trước các trường hợp tội phạm công nghệ cao lợi dụng hình ảnh này nhằm mục đích xấu, dẫn đến hệ lụy vô cùng khó lường.

Thận trọng khi đưa thông tin trẻ em lên mạng xã hội
Thận trọng khi chọn trung tâm tư vấn du học

Du học ngày càng được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm, xem đây là cơ hội học tập, trải nghiệm ở môi trường giáo dục ưu việt. Tuy nhiên, thị trường du học vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi người có nhu cầu phải tỉnh táo để “chọn mặt, gửi vàng”.

Thận trọng khi chọn trung tâm tư vấn du học
Gần tết, thận trọng với tiền giả

Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân càng tăng, đây là thời điểm tội phạm liên quan đến tiền giả gia tăng. Vì thế bên cạnh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần cảnh giác trong thanh toán bằng tiền mặt.

Gần tết, thận trọng với tiền giả
Return to top