ClockThứ Ba, 21/05/2024 10:58

Khắc phục cây xanh bị chết

TTH - Chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn, giám sát, nhà thầu tiến hành rà soát, đánh giá tìm nguyên nhân các cây đã trồng bị khô héo và có các giải pháp, quy trình trồng, chăm sóc thích hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số lượng cây phải trồng lại.

Cây xanh dọc Tỉnh lộ 28 chết hàng loạt sau khi trồng lạiKhắc phục cây xanh bị chết tại khu quy hoạch Vịnh Mộc

 Công nhân xử lý cây xanh bị chết, trồng lại cây mới tại đường Tố Hữu

Theo tiến độ, Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh) đến 30/6/2024 sẽ kết thúc. Tuy nhiên, hiện nay một số hạng mục cây xanh thuộc các gói thầu xây lắp bị khô héo, chết khá nhiều. Những ngày qua, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công tiến hành nhổ bỏ, thay thế nhiều cây bị chết trên các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu (TP. Huế).

Theo ghi nhận của PV, sau khi hoàn thành việc đầu tư chỉnh trang nâng cấp mặt đường, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng trên các tuyến Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, chủ đầu tư tiến hành thay thế, trồng mới hệ thống cây xanh tại các trục đường này.

Tuy nhiên, sau một thời gian trồng, nhiều cây xanh bị khô héo, rồi chết. Một số cây đang bị khô, sinh trưởng kém cũng phải thay thế. Cụ thể, tại trục đường Tố Hữu nhiều ngày qua, các công nhân đã vận chuyển số cây mới đến tập kết bên đường và dùng xe cẩu để nhổ bỏ cây cũ trồng mới. Riêng đoạn Tố Hữu từ cống Phát Lát trở đi hơn chục cây xanh bị khô héo được nhổ bỏ và trồng mới.

Ban Quản lý dự án (QLDA) Chương trình Phát triển các đô thị loại II cho biết, đối với toàn bộ DA, hiện nay có gần 2.000 cây xanh đã trồng trên các hạng mục công trình thuộc các gói thầu như kè Đông Ba, kè An Cựu, Khu hành chính tập trung của tỉnh, đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu. Chủng loại cây trồng gồm bằng lăng, phượng vỹ, phượng vàng, dầu rái với tổng giá trị tương đương hơn 2,3 tỷ đồng.

Khảo sát cho thấy, tổng số lượng cây sinh trưởng kém, bị khô phải trồng lại tại trục đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Khu hành chính tập trung là 394 cây (chủ yếu là cây dầu rái) tương đương giá trị khoảng 426 triệu đồng. Hiện tiến độ trồng lại đã được 303 cây, số cây đã di chuyển ra khỏi công trình 64 và 27 cây đang tiến hành di dời và trồng lại.

Ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Ban QLDA cho biết, cây xanh tại một số khu vực thuộc gói thầu khác trồng bình thường, riêng đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu qua kiểm tra có nhiều cây khô, sinh trưởng kém cần được loại bỏ.

Cụ thể, kiểm tra cây xanh các công trình sau đợt giông lốc vừa qua, chủ đầu tư nhận thấy nhiều cây bị yếu, sinh trưởng không tốt. Phía chủ đầu tư có tham vấn các cơ quan nông nghiệp thì họ cho rằng, các loại cây chủ yếu được ươm ở đất đồi, khi trồng trong khu vực DA là đất cát nên cần thời gian để thích nghi.

Tuy nhiên, theo quy trình xây dựng sau khi nhà thầu thi công xong, nghiệm thu, quyết toán thì còn trách nhiệm bảo hành, chăm sóc cây. Công trình chưa nghiệm thu nên cây chết thì nhà thầu phải có trách nhiệm trồng lại. Đến 30/6 DA mới kết thúc nên việc trồng lại cây xanh ở các hạng mục này không ảnh hưởng đến tiến độ chung của DA.

Cũng theo ông Lê Thành Bắc, để hoàn thành DA theo đúng tiến độ (30/6/2024), Ban QLDA đã chỉ đạo đơn vị tư vấn, giám sát, nhà thầu tiến hành rà soát, đánh giá tìm nguyên nhân các cây đã trồng bị khô héo và căn cứ vào tình hình thời tiết hiện nay để có các giải pháp, quy trình trồng, chăm sóc thích hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số lượng cây phải trồng lại.

DA đô thị xanh được triển khai trên địa bàn 3 tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Huế, có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong viêc giải quyết tình trạng ngập lụt, vệ sinh môi trường ảnh hưởng tới đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các công trình được xây dựng nhằm nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy đầu tư sản xuất trên địa bàn các tỉnh.

Ngoài ra, dự án còn cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị, tạo động lực cho phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh doanh thương mại dịch vụ và khai thác tiềm năng du lịch, tạo công ăn việc làm tăng thêm thu nhập cho người dân.

Tại Thừa Thiên Huế, DA đô thị xanh được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016 (điều chỉnh năm 2023) bao gồm 10 gói thầu xây lắp. Đến nay, Ban QLDA đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 10 gói thầu, với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng (chi phí xây lắp).

Trong đó, 2 gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đang triển khai thi công 8 gói thầu, với giá trị thực hiện hơn 597 tỷ đồng (đạt hơn 59% khối lượng xây lắp toàn DA).

Nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của DA Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh), góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Sở KH&ĐT đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất UBND tỉnh và đã được UBND tỉnh thống nhất danh mục các hạng mục đầu tư sử dụng vốn kết dư DA. Ngày 26/3/2024, Ngân hàng Phát triển châu Á đã có công thư thống nhất danh mục công trình sử dụng vốn kết dư và điều chỉnh thời gian đóng khoản vay DA đô thị xanh đến 30/6/2028.


Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
Đua với sóng dữ

Dẫu biết đó là cuộc đua không dễ để cân sức, nhưng các lực lượng ứng phó với tình huống khẩn cấp chống sạt lở bờ biển do ảnh hưởng của cơn bão số 6 (TRAMI) vừa qua đã đua với thời gian, với những con sóng dữ bằng quyết tâm cao nhất giữ cho được bờ biển.

Đua với sóng dữ

TIN MỚI

Cây Muồng hoàng yến sắc vàng tươi
Return to top