Lành mạnh hóa thị trường trang thiết bị y tế giúp đảm bảo quyền lợi cho người bệnh (Ảnh minh họa)
COVID-19 đợt 1 đang lúc “nước sôi lửa bỏng” thì xảy ra chuyện động trời ở CDC Hà Nội về “thổi giá” máy xét nghiệm. Và sau Hà Nội, chuyện “thổi giá” đối với thiết bị này còn vỡ ra ở một số tỉnh thành khác. Dư luận lắc đầu ngán ngẩm. Trong lúc cả xã hội đang chung lưng đấu cật để chiến đấu chống lại dịch bệnh; đến cả những bà mẹ lưng còng chân run vẫn gom từng trái bầu, mớ rau, từng đồng tiền trợ cấp để ủng hộ chống dịch, vậy mà… Đúng là không còn gì để nói!
Vụ việc còn chưa kịp lắng thì dư luận lại tiếp tục sốc với thông tin robot Rosa, robot Mako, những thiết bị được sử dụng trong một số phẫu thuật được Công ty BMS cung cấp cho Bệnh viện Bạch Mai với danh nghĩa “xã hội hóa”. Tỷ lệ ăn chia sau lợi nhuận là 50-50. Đáng nói là cả 2 con robot này, chú nào cũng được thổi giá lên tận trời xanh. Thông tin công khai trên báo chí cho hay, giá robot Rosa bị nâng khống gấp 4 lần (39 tỷ đồng) so với giá khai báo hải quan; còn robot Mako thì có giá vượt 20 tỷ so với giá nhập. Với giá thiết bị như vậy, các ca bệnh phải chịu chi phí phẫu thuật đến mức không tưởng tượng: gấp 5 lần so với chi phí thực, cụ thể chi phí phẫu thuật lẽ ra chỉ 4 triệu đồng thì họ bị buộc phải nộp đến 23 triệu đồng! Thế mới kịp cho nhà đầu tư “kịp thu hồi vốn” trong khung thời gian ký kết. Đau ốm đã khổ, người nghèo, người khó khăn không may đau ốm lại càng tận cùng khổ. Tìm đến “nhà thương” mong được cứu giúp lại bị kéo cổ ra “chém” thế ấy, hỏi còn ngôn từ nào để diễn tả?!! Nhiều người cho rằng, nếu bây giờ rà soát một vòng các bệnh viện có làm “xã hội hóa”, thì tình trạng như robot Rosa, Mako chắc không chỉ là đơn lẻ.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận, Bộ Y tế đã đi đến một quyết định: Bấm nút khai trương Cổng thông tin Công khai giá Trang thiết bị y tế. Theo đó, chủ thể thực hiện công khai giá là các đại diện của chủ sở hữu thiết bị y tế (hãng, văn phòng đại diện, công ty được chủ sở hữu ủy quyền). Bộ Y tế sẽ xây dựng hệ thống phần mềm, cấp tài khoản để doanh nghiệp tự thực hiện việc công khai, cập nhật giá trên cổng thông tin. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham khảo thông tin về giá thiết bị y tế đều có thể tra cứu. Việc làm này, theo Bộ Y tế là nhằm giúp cho thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam ngày càng lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Động thái trên của Bộ Y tế đã ít nhiều xoa dịu dư luận. Điều người ta quan tâm là hệ thống phần mềm cần phải được xây dựng hoàn thiện sớm, các chủ thể khai báo sau khi được cấp tài khoản phải nghiêm túc thực hiện việc công khai, cập nhật giá các trang thiết bị để các đơn vị y tế trong cả nước có cơ sở tham khảo khi có nhu cầu trang cấp, mua sắm; đồng thời cũng là cơ sở giúp cơ quan chức năng cùng người dân giám sát hiệu quả…
Về việc khai báo giá các trang thiết bị y tế, để khỏi bị động đồng thời cũng khỏi “thêm việc” phiền phức, tốn kém cho doanh nghiệp, có chuyên gia đã hiến kế, Bộ Y tế nên làm việc với Tổng cục Hải quan là có thể có dữ liệu để đăng tải công khai, bởi lẽ hiện nay, trang thiết bị y tế trên thị trường Việt Nam chủ yếu đều là nhập khẩu, và một khi nhập khẩu, các doanh nghiệp đều đã phải khai báo giá cả với Hải quan cho nên không nhất thiết phải làm thêm một lần khai báo với y tế nữa. Đó là một ý kiến hay, vừa có ý nghĩa cải cách thủ tục hành chính, đồng thời cũng có thêm sự ràng buộc giám sát lẫn nhau, tránh kẽ hở có thể bị lợi dụng để “làm giá”, rất cần tham khảo. Vấn đề quan trọng còn lại là Bộ Y tế cũng cần có quy định kèm chế tài cụ thể đối với những trường hợp không tham khảo, không căn cứ giá các thiết bị đã công bố trên cổng để thực hiện các hồ sơ trang cấp, mua sắm. Phải làm nghiêm và làm ráo riết việc này thì mục tiêu lành mạnh hóa thị trường trang thiết bị y tế mới có thể đạt được; Quỹ BHYT đỡ bị trục lợi và người dân cũng sẽ bớt khổ nếu không may bị ốm đau phải thăm khám, nhập viện.
Bài, ảnh: Huy Khánh