ClockThứ Hai, 10/01/2022 06:36

Gia đình chị Sáu mong được sẻ chia, hỗ trợ

TTH - Trong căn phòng ẩm thấp chỉ vẻn vẹn 8m2 (ở số 14 ngõ 91, kiệt 131 đường Trần Phú, TP. Huế) là nơi sống của một gia đình 3 thế hệ. Với 7 người, lao động chính chỉ có một người mẹ đơn thân là chị Võ Thị Sáu, mẹ của 4 người con và là bà của hai đứa cháu ngoại.

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuấtLan tỏa yêu thươngLiên kết và chia sẻ nguồn hàng

Chị Sáu ôm đứa cháu ngoại ốm đau ngay từ khi mới chào đời

Chị Võ Thị Sáu lập gia đình sớm, năm 20 tuổi chị đã sinh con đầu, 7 năm sau là con gái thứ hai, rồi khi 36 tuổi chị lại sinh một cặp hai con trai. Những khó khăn chồng chất cùng sự ra đời của những đứa con liên tiếp khiến người cha thiếu trách nhiệm bỏ vợ con. Đôi trẻ út không được sự chăm sóc của cha ngay khi chào đời.

Một mình chị Sáu gồng gánh, kiếm tiền để nuôi nấng các con. Làm ngày không đủ, mỗi tối, chị lại đi bán hàng rong, cố gắng tích cóp từng chút ít một, tưởng mong nuôi con lớn rồi con sẽ ghé vai giúp mẹ nuôi em…

Nhưng người con gái đầu của chị, mới hơn 20 tuổi đã có hai con cách nhau hơn 1 năm mà không biết cha là ai. “Con dại cái mang”, hơn năm nay chị nuôi thêm cháu ngoại. Nhưng rồi cách nay 1 tháng, cô con gái lại sinh một bé gái, không may là ngay khi ra đời (tại bệnh viện Kim Long) bác sĩ đã báo hung tin, cháu bé sơ sinh bị một khối u gần hậu môn. Theo lời của bác sĩ, bé cần được phẫu thuật gấp mới có thể tiếp tục sống, thế nhưng với hoàn cảnh gia đình chị thì lấy đâu ra tiền để chữa cho bé? Không có tiền chữa bệnh cho con, do quá lo sợ, con gái chị bỏ nhà, bỏ con lại cho mẹ…, đi đến nay đã tròn 10 ngày.

Khi chúng tôi đến, chị Sáu đang thẫn thờ ôm cháu ngoại. Chị Sáu cho biết, bản thân chị cũng mang trong người nhiều bệnh tật nhưng đau lắm mới đi khám chứ không dám nghĩ đến chuyện chữa trị. Bởi vì ngoài không có tiền trị bệnh, chị nghỉ làm ngày nào thì con, cháu lấy gì ăn. Chị Sáu rưng rưng nói: “Hôm qua (6/1), tôi mới đưa bé đi khám, bác sĩ bảo trong khối u của bé có một lỗ khiến dịch bị chảy ra, phải phẫu thuật cắt bỏ khối u và đóng lỗ lại bé mới sống được, nhưng mà lấy đâu ra tiền? Thế là lại đem bé về. Khối u dày vò con bé, nó cứ khóc suốt đêm…”.

Hôm chúng tôi đến (7/1/2022) là ngày bé đầy tháng nhưng ngay cả tên của cháu cũng chưa được đặt. Chị Sáu ôm cháu, mong mẹ của bé sẽ về, sẽ tự đặt tên cho con, sẽ cùng chị cố gắng giành giật bé khỏi bàn tay của tử thần nhưng người mẹ trẻ vẫn bặt tin.

Trước hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Sáu, chúng tôi mong các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Võ Thị Sáu, địa chỉ 14/91/131 Trần Phú, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế; số điện thoại 0931984382. Hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế; điện thoại: 0914.078 282; số tài khoản Báo Thừa Thiên Huế: 4011201000840 Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Trường An, Thừa Thiên Huế (hỗ trợ gia đình chị Võ Thị Sáu).

Bài, ảnh: PHƯỚC CHÂU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Return to top