ClockThứ Sáu, 29/10/2021 16:25

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Ngày 27/10, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm nhiều khoản thuế nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, khôi phục và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần vào việc khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội.

Các đợt dịch COVID-19 liên tiếp bùng phát, kéo dài từ năm 2020 đến nay khiến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân của nước ta nói riêng và toàn cầu nói chung bị đình trệ, thậm chí một số thành quả đạt được trong nhiều năm qua bị kéo lùi. Đặc biệt, các doanh nghiệp là đối tượng bị tác động nghiêm trọng, không chỉ đình đốn sản xuất, kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng mà nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” bởi cú sốc mang tên COVID-19. Hệ lụy, hàng triệu công nhân lao động phải tạm ngừng hoặc mất việc làm, ảnh hưởng rất lớn đời sống người lao động và an sinh xã hội.

Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã có nhiều chính sách, triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, như gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, cho vay không lãi để trả lương; miễn, giảm thuế các loại...

Với Nghị định 92 vừa được ban hành, nhiều chính sách thuế tiếp tục miễn, giảm cho các doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 như: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng, miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh,… Đây là liều thuốc trợ lực nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhìn lại các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế, trong đợt dịch lần thứ nhất, đầu năm 2020, một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguyên phụ liệu để sản xuất, nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may. Với đợt dịch lần thứ tư năm 2021 này, trong khi các doanh nghiệp ở hai đầu đất nước bị tác động nặng nề, không ít doanh nghiệp phải đóng cửa thì các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế cơ bản vẫn duy trì được sản xuất. Ngoại trừ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ phải ngừng hoạt động do việc thực hiện giãn cách xã hội thì các doanh nghiệp giữ được nhịp độ sản xuất, thậm chí một số doanh nghiệp còn tăng tốc nhờ tranh thủ được nguồn lao động và các đơn hàng dịch chuyển phía nam về miền Trung như hàng dệt may, đồ gỗ xuất khẩu...

Để có thành quả này, trước hết là nỗ lực chống dịch hiệu quả của các cấp chính quyền, các lực lượng, đoàn thể và sự đồng lòng hưởng ứng của người dân, với mục tiêu sức khỏe của người dân là trước hết, là trên hết.  Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện cho việc duy trì, khôi phục sản xuất ở các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là sự chủ động, nhanh nhạy của doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, thích ứng nhanh với tình hình dịch bệnh.

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội nhiều vấn đề đặt ra. Trước hết, với việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh lưu thông hàng hóa sẽ đi kèm là nguy cơ dịch bệnh xâm nhập địa bàn. Vì vậy, việc xác định đúng mức độ dịch bệnh ở địa phương trên phạm vi xã/phường, thậm chí quy mô nhỏ hơn và thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là vấn đề quan trọng.

Cùng với các “liều thuốc trợ lực” của Nhà nước, điều các doanh nghiệp cần nhất lúc này là sớm được dỡ bỏ các biện pháp chống dịch không còn phù hợp để vận hành trở lại, nhất là việc khôi phục giao thông, tránh đứt gãy sản xuất và lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống. Hỗ trợ doanh nghiệp nối lại sản xuất phải là ưu tiên hàng đầu trong lúc này. Chỉ khi doanh nghiệp phục hồi thì các bài toán việc làm, an sinh xã hội mới được giải quyết căn cơ.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè
Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top