Chị Tuyết đang được chữa trị tại Bệnh viện Trung ương Huế
Trên giường bệnh tại phòng số 1, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Huế, chị Tuyết gầy ốm, yếu ớt đến nỗi nhấc cánh tay lên cũng khó. Người chồng bệnh tật lâu năm cũng gầy ốm tong teo, liên tục ấn hai bàn tay xuống chiếc nệm nước lót dưới lưng vợ. Anh bảo bác sĩ dặn phải thường xuyên làm vậy để tránh tình trạng người bệnh bị lở loét vì nằm một chỗ lâu ngày. Mặt chị Tuyết đờ đẫn. Đã 23 ngày trôi qua, nhưng người phụ nữ xấu số vẫn còn nguyên nỗi bàng hoàng sợ hãi, khi nhớ lại tai nạn kinh hoàng. Vừa mới chân ướt chân ráo vào Gia Lai làm phụ hồ, ngày thứ hai chị Tuyết ra công trường, đang đứng phía dưới thì giàn giáo bất ngờ sập xuống, đè lên người... Tỉnh dậy, chị Tuyết thấy mình nằm trong bệnh viện, sau đó cứ lúc tỉnh lúc mê. Sau 3 ngày cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Gia Lai, chị Tuyết được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế. 12 ngày chữa trị tại Khoa hồi sức cấp cứu, tình trạng chị Tuyết ổn định hơn nên được chuyển xuống Khoa Chấn thương chỉnh hình.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Đàm Thị Tuyết (trú tại thôn Tiền Tiến, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hiện đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Huế) số điện thoại 0162.848.2955 (anh Hòa, chồng chị Tuyết) hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế.
|
Trên giường bệnh, chị ứa nước mắt, kể chồng chị bệnh thận từ lâu nên sức khỏe rất yếu. Đã vậy, năm 2002, anh Đặng Châu Hòa (chồng chị Tuyết) không may bị tai nạn giao thông, chấn thương thần kinh vùng thái dương và mặt, sức khỏe càng giảm sút, mỗi lần trở trời, mặt lại đau nhức, phải đi châm cứu. Chồng không làm được việc nặng, chỉ giúp những việc nhẹ trong nhà, hai con còn đi học nên người phụ nữ có dáng vóc mảnh dẻ trở thành trụ cột của gia đình thuộc diện hộ cận nghèo ở địa phương. Nhà có 2 sào ruộng. Sau khi cấy cày hoặc gặt hái xong, chị Tuyết khăn gói bôn ba khắp các tỉnh làm thuê. Giọng chị đứt quãng: “Tui “lòng vòng” đi hái cà phê ở tỉnh Đắc Nông, hái hạt điều ở tỉnh Bình Phước, “làm” tôm ở Đà Nẵng, làm phụ hồ tại nhiều tỉnh và “làm” sắn ở Gia Lai..., tùy thời vụ”. Chuyến vừa rồi hết sắn, tui vừa quay qua đi làm phụ hồ được 2 ngày thì tai họa giáng xuống” - Chị Tuyết nghẹn ngào.
Khi nghe tin “sét đánh”, gia đình chị Tuyết hoảng hốt vay mượn tiền, vào ngay Gia Lai. Bố mẹ chồng và bố chị Tuyết đã mất, chỉ còn mẹ già yếu gần 80 tuổi. Người thôn Tiền Tiến nghèo, nhưng thấy tình cảnh gia đình chị Tuyết như vậy, người góp 5 nghìn, người cho 10 nghìn đồng. Anh chị em hai bên, người nào cũng khó khăn nên gom góp chẳng đáng là bao. Chồng con chị Tuyết phải đi “cắm” nhà, nhưng nhà đất ở quê, vay không được bao nhiêu. Vậy mà, trong 3 ngày ở bệnh viện Gia Lai, việc điều trị “ngốn” hết 30 triệu đồng. Có bảo hiểm y tế diện hộ cận nghèo, nhưng 20 ngày nay ở Bệnh viện Trung ương Huế, gia đình cũng phải đóng khoảng 20 triệu đồng. Chồng con và người thân thay nhau từ quê vào ra túc trực tại bệnh viện, tốn kém bao nhiêu thứ tiền. Quay qua quay lại đã “bay” mất số tiền “cầm cố” nhà. “Hoàn cảnh gia đình tui như vậy nên trong thời gian qua, tui được bệnh viện phát phiếu cơm miễn phí. Nhưng bác sĩ nói vợ tui còn chữa trị lâu dài. Thời gian tới gia đình tui không biết phải xoay mô cho ra tiền. Nếu vợ tui không có điều kiện tiếp tục chữa trị, e...” Chồng chị Tuyết bỏ nửa chừng câu nói, buồn bã cúi mặt thở dài thườn thượt.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh