ClockThứ Ba, 12/01/2021 10:50

Thắng kiện nhưng vẫn khó đòi nợ bảo hiểm xã hội

TTH - Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng tăng, quyền lợi người lao động (NLĐ) bị vi phạm, ngay cả khi tòa án xử thắng kiện thì việc trả nợ cũng khó thực thi. Trong khi, thủ tục kiện các đơn vị nợ BHXH ra tòa vẫn lắm nhiêu khê.

Doanh nghiệp và người lao động cùng khóNgười lao động thắng kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hộiNợ bảo hiểm xã hội: Người lao động khốn đốn

Khó có khả năng trả nợ

Công đoàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh vừa thắng kiện trong vụ án tranh chấp về tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN đối với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Giao thông – thủy lợi Thừa Thiên Huế. Trong số 3 lần tòa án mời hai bên lên thương lượng, công ty đã không đến nên buộc tòa phải xử vắng mặt.

Theo tuyên bố của tòa án, công ty phải trả toàn bộ tiền lương và tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền gần 2,7 tỷ đồng cho NLĐ, tuy nhiên, đã chuyển qua giai đoạn thi hành án nhưng đơn vị vẫn khó có khả năng trả nợ. Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Theo Luật Lao động, khi doanh nghiệp chia tách, sáp nhập hay tuyên bố phá sản quyền lợi của NLĐ luôn được ưu tiên hàng đầu. Nhưng theo luật phá sản, khi doanh nghiệp phá sản sẽ giải quyết cho nợ có đảm bảo, nghĩa là nợ có thế chấp. Còn nợ BHXH lại là nợ không được đảm bảo nên rất khó đòi. Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gửi văn bản đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Giao thông – Thủy lợi Thừa Thiên Huế ưu tiên trả nợ một phần tiền lương và BHXH cho NLĐ.

Thủ tục khởi kiện nhiêu khê

Theo BHXH tỉnh, tính đến tháng 12/2020, các đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT là 142.700 triệu đồng, tăng 12.850 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng các DN nợ BHXH chủ yếu do sản xuất của các đơn vị đang gặp khó khăn. Một số đơn vị có ý thức chấp hành chưa tốt quy định về đóng BHXH, BHYT. Số lượng đơn vị phá sản, giải thể hiện khá nhiều. Một số đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác... Đáng chú ý, có nhiều DN lớn có số tiền nợ BHXH lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai khởi kiện DN nợ BHXH vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, theo thủ tục Bộ Luật dân sự, khi BHXH khởi kiện chỉ cần chứng minh nợ qua hồ sơ là thông báo kết quả nợ BHXH và bản đối chiếu thu nộp BHXH. Nhưng từ khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực, tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đối với người sử dụng lao động. Thay vào đó, muốn khởi kiện, phải cung cấp văn bản ủy quyền của tập thể lao động hoặc công đoàn cơ sở. Phải chứng minh có tranh chấp về BHXH giữa NLĐ với người sử dụng lao động, giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.

Ngay yêu cầu đầu tiên đã không khả thi vì đòi hỏi NLĐ ủy quyền là rất khó khăn. Thực tế có hàng trăm người, người đồng ý, người không. Mặt khác, NLĐ bị lệ thuộc nên có tâm lý rất ngại khi đụng chạm với người sử dụng lao động. Nếu ký tên để ủy quyền kiện, họ sợ bị mất việc hoặc bị người sử dụng lao động trù dập. “Không thể hy vọng tất cả người lao động bị nợ BHXH sẽ ký ủy quyền cho LĐLĐ khởi kiện, chỉ cần một người không đồng ý là rắc rối ngay. Trong khi luật chưa quy định công đoàn khởi kiện cho tập thể đó hay là chỉ khởi kiện cho những người có ủy quyền”, ông Vinh cho hay.

Yêu cầu ủy quyền đã quá phức tạp, yêu cầu chứng minh có tranh chấp lại càng nhiêu khê hơn. DN nợ BHXH rõ ràng cơ quan chức năng đã xử phạt, hồ sơ đầy đủ nhưng phải chứng minh DN đó đã bị người lao động kiện hay xảy ra đình công do không đóng BHXH. Chưa hết, sau khi chứng minh có tranh chấp, muốn khởi kiện thì tranh chấp này phải qua giải quyết của UBND cấp huyện. Chỉ sau khi chính quyền giải quyết rồi nhưng người lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý hay quá thời hạn mà UBND huyện không giải quyết thì tổ chức công đoàn mới được khởi kiện. Trong khi, kinh phí công đoàn không có để sử dụng trong việc khởi kiện nên gặp nhiều khó khăn. Thế nên, dù các cấp công đoàn có nhiều nỗ lực nhưng nhiều vụ việc cho đến nay chưa được chính thức thụ lý. Từ trước đến nay, toàn tỉnh chỉ mới có 2 đơn vị nợ BHXH bị khởi kiện ra tòa.

Theo các cơ quan chức năng, sẽ không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, năm 2021, các đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch giám sát, phối hợp thanh tra các doanh nghiệp về tình trạng nợ BHXH nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top