ClockThứ Năm, 31/12/2020 06:30
NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI:

Doanh nghiệp và người lao động cùng khó

TTH - Hậu quả của dịch COVID -19 khiến không ít doanh nghiệp cắt giảm lao động. Thế nên, khi ngành bảo hiểm tăng cường các biện pháp đốc thúc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều doanh nghiệp đã than khó.

Người lao động thắng kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hộiNợ bảo hiểm xã hội: Người lao động khốn đốn

Đảm bảo các chế độ giúp lao động yên tâm làm việc (ảnh minh họa)

Mất việc làm đã khổ, nhưng vất vả hơn khi lao động không được giải quyết chế độ BHTN. Hóa ra, doanh nghiệp nợ BHXH mới ra cơ sự. Nhiều lao động gõ cửa khắp nơi cầu cứu, chỉ mong lúc này nhận được tiền trợ cấp để tạm ổn cuộc sống trong thời gian tìm việc khác. Chị Nguyễn Ngọc N., công nhân Công ty HP buồn rầu, tôi nghỉ làm hơn hai tháng nay nhưng vẫn chưa chốt được sổ BHXH. Vẫn biết doanh nghiệp khó khăn, nhưng chừ tôi không có việc làm, tiền trợ cấp thất nghiệp không có. Lo hơn khi tôi sắp sinh em bé, chế độ thai sản liệu có được đảm bảo?

Thông thường, các doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) vào cuối năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này các đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT là 142.700 triệu đồng, tăng 12.850 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Lê Văn Tâm, Phó Trưởng phòng Quản lý thu BHXH tỉnh cho biết, khá nhiều lao động không được chốt sổ BHXH, trong khi họ đã nghỉ việc tại công ty. Một số DN chấp nhận tính lãi và thường giải quyết tình thế trong trường hợp NLĐ ốm đau, thai sản hoặc đến tuổi về hưu, tuy nhiên, số lượng này không nhiều.

Theo phân tích của cơ quan BHXH, tình trạng nợ đọng BHXH gia tăng trong thời gian qua chủ yếu do dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn đơn vị, gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sản phẩm bị tồn đọng khiến doanh thu sụt giảm; nhiều doanh nghiệp khó cân đối thu - chi, nhất là bảo đảm nguồn trích nộp BHXH, BHYT, BHTN.

Vấn đề khiến doanh nghiệp băn khoăn, trong lúc đơn vị đang hoạt động cầm chừng, BHXH lại mạnh tay thu nợ. Sắp đến, những đơn vị còn nợ đóng khoản tiền BHYT cho NLĐ sẽ bị cắt thẻ. Chưa kể, một số đơn vị đã được tạm dừng đóng chế độ hưu trí và tử tuất trong thời điểm hiện nay, nhưng ngành BHXH vẫn đốc thúc thu nợ. Điều này khiến doanh nghiệp đã khó càng khó hơn.

Ông Nguyễn Đại Nghĩa, đại diện một hãng taxi cho rằng, biết tin có chính sách tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội, đơn vị ông lập tức điện hỏi cơ quan chức năng thì biết doanh nghiệp mình không thuộc diện, vì không đủ 50% lao động bị nghỉ việc. “Đóng bảo hiểm xã hội thì khó khăn, sa thải nhân viên thì không đành. Rõ ràng, có chính sách rất hấp dẫn, nhưng ràng buộc nhiều, người dân khó tiếp cận”, ông Nghĩa thở dài.

Theo ông Tâm, không phải doanh nghiệp nào bị tác động của dịch bệnh cũng được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Bởi lẽ, doanh nghiệp phải có trên 50% số lao động tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra. Toàn tỉnh mới có 12 đơn vị với gần 6.000 lao động ở các ngành nghề dịch vụ, du lịch, nhà hàng... đặc biệt khó khăn do tác động của dịch COVID-19, không bố trí được việc làm cho lao động.

Pháp luật không có quy định về miễn, giảm đóng BHXH, mà chỉ có quy định về tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất 22%; còn 3% quỹ ốm đau và thai sản, 0,5% quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, 4,5% quỹ BHYT và 2% quỹ BHTN, các đơn vị vẫn phải đóng. Kết thúc thời gian tạm dừng đóng, các đơn vị phải thực hiện đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó.

Vấn đề khiến lao động lo lắng mỗi khi doanh nghiệp nợ tiền đóng BHYT sẽ bị đơn vị BHXH cắt thẻ. Thay vào đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ khi họ ốm đau, thai sản. Tuy nhiên, theo đại diện BHXH tỉnh, trước khi cắt thẻ BHYT, ngành BHXH sẽ có thông báo cụ thể trước 15 ngày đến doanh nghiệp để họ có phương án đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Dù DN nợ đóng BHXH, nhưng thời gian qua gần như chưa tiến hành thanh tra. Bởi dịch COVID-19 khiến nhiều DN bị ảnh hưởng. Riêng Thừa Thiên Huế, thanh tra liên ngành về vấn đề nợ BHXH sẽ tiến hành kiểm tra các đơn vị, nhưng cũng phải đến tháng 3 mới tiến hành, ông Tâm cho biết thêm.

Mới đây, một hãng taxi trên địa bàn TP. Huế chốt sổ BHXH cho gần 100 lao động cho thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp và ngành BHXH. Thế nên, trong lúc này cần có sự phối hợp giữa các đơn vị để khó đến đâu, gỡ đến đó nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng cho NLĐ.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top