Chế độ chính sách: nơi thực hiện, nơi chưa
Đến nay, CBTV trường học các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Sở) và ở các huyện: Hương Trà, Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông đã được hưởng 0,2 PCĐH. Nhưng CBTV các trường THCS và tiểu học trên địa bàn thị xã Hương Thuỷ, Phú Vang, A Lưới, Quảng Điền, TP Huế vẫn chưa được hưởng.
Về nguyên nhân chưa thực hiện chế độ này, ông Phạm Văn Hoà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Huế lý giải, vì chưa đủ cơ sở pháp lý. Nếu lấy các văn bản như nêu trên để thực hiện là chưa thoả đáng. Ví dụ: theo Quyết định số 01 của Bộ GD&ĐT thì chỉ những thư viện đạt chuẩn, CBTV mới được hưởng chế độ PCĐH, như ngành văn hoá thông tin quy định.
Học sinh Trường Đặng Văn Ngữ say mê đọc tại thư viện
Hiện Phòng GD&ĐT TP Huế có 59 đơn vị trực thuộc, gồm 35 trường tiểu học và 24 trường THCS. Trong đó, đã có 53 đơn vị có thư viện đạt chuẩn. Liệu lý do để chưa thực hiện chế độ PCĐH mà lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Huế đưa ra có xác đáng? Ông Phạm Văn Hoà cho biết thêm, phòng sẽ chỉ đạo lập danh sách các trường có thư viện chuẩn để giải quyết vấn đề này trong quý 4 năm 2011, sau đó sẽ thực hiện cho các đơn vị còn lại.
Ngày 6/10/2011, Sở cũng có công văn đề nghị UBND các huyện (chưa thực hiện), TP Huế, thị xã Hương Thủy chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với phòng tài chính, chi trả đầy đủ chế độ PCĐH đối với CBTV...
Bồi dưỡng bằng hiện vật (BDBHV) có giá trị 4.000đ/ngày: áp dụng chưa hợp lý
Điều 9 Quyết định 01 ngày 2/1/2003 của Bộ GD& Đào tạo quy định: Nếu là giáo viên kiêm nhiệm làm công tác thư viện thì phải được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về thư viện trường học, được hưởng lương và các tiêu chuẩn khác như giáo viên đứng lớp. Cán bộ thư viện trường học không phải là giáo viên, nhưng được đào tạo nghiệp vụ thư viện thì được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành văn hoá thông tin quy định.
Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21/2/2006 quy định mức phụ cấp hệ số 0,20 so với lương tối thiểu áp dụng đối với những người trực tiếp làm các nghề, công việc sau: kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của bảo tàng, thư viện và viện lưu trữ…
Thông tư 07/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 và Công văn số 2939 ngày 4/10/2005 của Bộ Nội vụ quy định: công chức, viên chức trực tiếp làm các công việc lựa chọn, phân loại, bảo quản tài liệu và tổ chức sử dụng tài liệu trong kho lưu trữ được hưởng hệ số 0,2 tính theo lương tối thiểu.
Công văn 3915/HD-BVHTT quy định mức bồi dương bằng hiện vật có giá trị 4.000đ cho 1 ca hoặc 1 ngày làm việc áp dụng đối với người lao động (kể cả học sinh, sinh viên thực tập hay học nghề, tập nghề) trực tiếp làm các nghề, công việc sau: kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của bảo tàng, thư viện...
|
Thực tế, hầu hết CBTV các trường THCS và tiểu học trực thuộc các Phòng GD&ĐT đều chưa được hưởng chế độ này. Riêng các đơn vị trực thuộc sở đã áp dụng cho CBTV. Tuy nhiên, việc áp dụng thực hiện chưa hợp lý. Ví dụ, CBTV chỉ được tính để cho hưởng chế độ này 4 ngày/ 1 quý (như vậy, số tiền là 16.000đ/ quý). Nhiều CBTV cho biết, họ cũng không nhận số tiền đó vì quá ít ỏi và “vô lý”. Bởi, đặc thù công việc của CBTV, ngày nào cũng phải tiếp xúc bảo quản sách, báo. Chỉ cần tiêu chí đó cũng thỏa mãn điều kiện để được tính 22 ngày trong 1 tháng (trừ những ngày nghỉ) hưởng bồi dưỡng quy định tại Công văn 3915.
Trong buổi làm việc với phóng viên, các ông Đặng Phước Mỹ, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT và Hoàng Ngọc Quân, Phó Trưởng phòng cũng thừa nhận việc chi BDBHV, chỉ áp dụng cho 4 ngày/quý là chưa hợp lý. Ông Đặng Phước Mỹ và ông Hoàng Ngọc Quân nhấn mạnh, cứ bám theo văn bản để thực hiện. Như vậy thì, con số 22 ngày/1tháng mà CBTV được hưởng chế độ BDBHV cần được áp dụng, không còn là vấn đề phải bàn cãi!
Áp dụng chậm và chưa thống nhất
Đến nay, hầu hết CBTV các trường THCS và tiểu học trong toàn tỉnh vẫn chưa được hưởng chế độ BDBHV. Cùng với việc chậm thực hiện chế độ chính sách, là sự chưa thống nhất trong áp dụng, làm thiệt hại quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Ngay tại các địa bàn đã thực hiện chế độ 0,2 PCĐH, vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Ví dụ, theo ông Lê Đăng Thái, Trưởng phòng GD&ĐT Phong Điền, cán bộ làm công tác thư viện nhưng phải có mã ngạch thư viện mới được hưởng PCĐH. Còn những cán bộ làm công việc này nhưng không có mã ngạch thì vẫn không được hưởng. Tương tự, ông Hồ Ngọc Hoài, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn 1 (Phú Lộc) cho biết: CBTV của trường chưa có bằng cấp về nghiệp vụ thư viện (cán bộ này được cử đi học bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện 2 đợt, đã hoàn thành đợt 1 và được cấp bằng), nên không được hưởng PCĐH như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, các ông Đặng Phước Mỹ và Hoàng Ngọc Quân cho biết, sở đã chỉ đạo cán bộ không có mã ngạch thư viện nhưng thực tế đang làm công việc này thì vẫn áp dụng Thông tư 07 của Bộ Nội vụ, cho họ được hưởng 0,2 PCĐH. Riêng với chế độ BDBHV, Phòng Tổ chức cán bộ sẽ phối hợp, thống nhất với Phòng Tài chính- Kế hoạch, xin ý kiến của lãnh đạo Sở, bám vào văn bản, chỉ đạo chung trong toàn ngành, cho cán bộ làm công tác thư viện có được 1 chế độ chính sách như nhau (22ngày/1 tháng) chứ không chỉ với CBTV ở các đơn vị trực thuộc Sở.
Quỳnh Anh
Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC:
Chế độ chính sách cho cán bộ thư viện
Ông Đặng Phước Mỹ, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT:
Chế độ chính sách cán bộ được hưởng theo quy định, thì họ phải có quyền được hưởng
Tất cả mọi chế độ chính sách mà cán bộ được hưởng theo quy định, thì họ phải có quyền được hưởng. Vấn đề là, làm thế nào để mọi đơn vị đều thực hiện như nhau. Không phải chúng tôi không biết đến bây giờ vẫn còn hơn nửa số lượng các trường THCS, tiểu học trong toàn tỉnh chưa thực hiện chế độ 0,2 phụ cấp độc hại cho CBTV. Từ năm 2009, chúng tôi đã có văn bản đề nghị các đơn vị, các Phòng GD&ĐT thực hiện chế độ này. Nhưng do phân cấp quản lý, UBND huyện quản lý toàn diện các trường THCS, tiểu học, mầm non từ lương đến chế độ chính sách...
Các Phòng GD&ĐT phải đề nghị để UBND giải quyết chế độ chính sách cho các đơn vị trực thuộc mình. Do đó, về phía ngành, hiện nay, chúng tôi tiếp tục có công văn nhắc nhở các Phòng GD&ĐT. Nếu họ vẫn không thực hiện, chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh, để tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã Hương Thủy, TP Huế.
Quỳnh Anh (thực hiện)
Chị L.T.T, cán bộ thư viện:
Nếu được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chúng tôi càng dành tâm huyết nhiều hơn cho công việc
Chúng tôi là những người âm thầm, lặng lẽ đóng góp công sức vào thành quả chung của ngành. Kết quả của học sinh trong các kỳ thi tốt nghiệp, đại học cũng có công sức đóng góp của chúng tôi. Vậy nhưng, lãnh đạo ngành chỉ quan tâm việc dạy và học mà không quan tâm đến chúng tôi, những cán bộ làm công tác thư viện. Đồng lương đã thấp, chúng tôi lại không được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách về phụ cấp độc hại hay bồi dưỡng bằng hiện vật như quy định. Các khoản chế độ này cũng chẳng đáng là bao (0,2 phụ cấp độc hại là 160.000đ/tháng, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật nếu tính 22 ngày/tháng thì được 88.000đ), nhưng nếu được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chúng tôi được động viên vì thấy rằng mình được lãnh đạo ngành quan tâm. Chúng tôi càng dành tâm huyết nhiều hơn cho công việc.
Duy Trí (thực hiện)
Chị T. K. A, cán bộ thư viện:
Mong được hưởng các chế độ, chính sách như quy định thôi mà sao lại khó quá
Lãnh đạo ngành chưa thực sự quan tâm trong việc thực hiện chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật cho cán bộ thư viện. Quy định này có từ năm 2003 nhưng đến nay, 1 số các huyện, thị xã Hương Thủy, TP Huế vẫn chưa thực hiện. Các trường PTTH thuộc Sở GD&ĐT và một số trường THCS, tiểu học trên địa bàn vài huyện đã thực hiện thì cũng chỉ mới cách đây 2 năm. Điều đáng nói nữa là, lẽ ra, chúng tôi phải được truy lĩnh khoản tiền này kể từ thời điểm văn bản có hiệu lực thi hành. Thực tế, chúng tôi không được truy lĩnh, là thiệt hại quyền lợi hợp pháp. Mong được hưởng các chế độ, chính sách như quy định thôi mà sao lại khó quá.
Có những cán bộ lúc mới tuyển vào không phải mã ngạch thư viện, nhưng sau đó họ làm công việc này, quá trình làm cũng được đào tạo nghiệp vụ thư viện, nhưng lại không được hưởng các chế độ phụ cấp, là quá thiệt thòi cho họ.
Phạm Thùy Chi (thực hiện)
|