Sự việc
Theo nội dung đơn của ông Tý, gia đình ông hiện có một số diện tích ruộng đất tại khe nước khu vực ngã tư Chín Hầm thuộc phường An Tây, nguồn gốc do cha mẹ khai hoang để lại. Gia đình ông nhiều năm canh tác, sử dụng ổn định, trồng lúa, sao đen và bạch đàn, không có ai tranh chấp, khiếu nại. Ngày 4/4/2015, gia đình ông cùng hai người làm thuê đang vét mương trổ nước, trồng cây sau thu hoạch, thì bị ông Lê Quang Tuấn, Đội phó Đội bảo vệ của công ty (cùng một bảo vệ khác) cản trở với lý do đất của công ty. Trong lúc lời qua tiếng lại, ông Tuấn lao vào xỉ vả, chửi tục, dọa giết ông Tý. Nhờ có hai người làm thuê can ngăn, nên chưa xảy ra sự việc nghiêm trọng. Hai ngày sau, ông Tuấn đem một số người lạ mặt đến xô xát với vợ ông Tý là bà Châu Thị Thảo (đang sản xuất tại thửa đất nêu trên), khiến gia đình ông rất bức xúc. Điều đáng nói, ông Tuấn là cán bộ của công ty lại có những lời nói, hành vi không đúng mực, đe dọa người dân là sai trái, vi phạm, cần bị xử lý nghiêm khắc. Vậy nhưng giám đốc công ty làm việc chưa khách quan, bao biện cho nhân viên.
Ngày 27/4/2015, ông Tôn Thất Ái Tín, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Lâm nghiệp Tiền Phong cho biết: “Sự việc thực chất không như tố cáo của ông Tý. Cụ thể, đất mà ông Tý đang canh tác là của Nhà nước giao công ty quản lý. Trên diện tích đất này (9.800m2), năm 2007, ông Hoàng Chí Linh, nguyên Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng xin công ty trồng rừng, chống lấn chiếm. Sau khi được công ty đồng ý, ông Linh hợp đồng với ông Tý trồng rừng theo phương thức ăn chia. Vừa qua, ông Linh có đơn xin khai thác và trả lại đất. Công ty cũng đã có quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất nói trên để trồng lại rừng cảnh quan trong khu vực. Tuy nhiên, ông Tý đã tự ý khai thác, vi phạm hợp đồng với ông Linh. UBND phường An Tây đang giải quyết khiếu nại của ông Linh đối với ông Tý về việc này.
Sau khi ông Tý có đơn, công ty đã yêu cầu ông Tuấn viết tường trình. Theo bản tường trình của ông Tuấn, trong lúc đi kiểm tra, ông và một bảo vệ khác phát hiện ông Tý cùng hai người làm thuê đang đào hố trồng cây trên diện tích đất ông Linh mượn của công ty (nay công ty đã thu hồi). Ông Tuấn giải thích vận động, nên những người làm thuê rời khỏi hiện trường. Chiều cùng ngày, ông Tý và những người làm thuê tiếp tục đào hố trồng rừng trên diện tích đất nói trên. Ông Tuấn lại vận động, giải thích hành vi trên là vi phạm, nhưng ông Tý cho rằng đất là của phường An Tây quản lý, đồng thời có lời lẽ thô tục, thách thức. Trong lúc ông Tuấn tiếp cận ông Tý và số người làm thuê để ngăn chặn, hai bên có xô đẩy nhau, lời qua tiếng lại. Theo ông Tín, công ty đã nhiều lần mời ông Tý đến để giải quyết sự việc theo trình tự, nhưng ông Tý không đến. Hoàn toàn không có việc công ty bao che cho nhân viên. Công ty đã tiếp tục mời ông Tý đến giải quyết theo quy định.
Cần sớm xác minh, giải quyết rốt ráo
Ngày 2/5/2015, chúng tôi có cuộc gặp với ông Tý để xác minh một số thông tin liên quan đến sự việc. Ông cho biết, không có giấy tờ gì đối với thửa đất (khoảng 500m2, ông đang sản xuất nhưng bị ông Tuấn cản trở) và bản đồ địa chính của UBND phường An Tây cũng không thể hiện thửa đất đó do ông sử dụng. Tuy nhiên, ông Tý cho rằng diện tích đất này nguồn gốc do cha mẹ ông khai hoang, đồng thời xuất trình 1 thông báo nộp thuế đất (đối với diện tích hơn 24.000m2 (bao gồm đất thổ cư 300m2 và đất nông nghiệp), 1 biên lai nộp thuế (nộp gộp từ năm 2002 đến 2006) và cho rằng số tiền nộp thuế bao gồm diện tích đất đang có tranh chấp. Ông Tý cũng xuất trình giấy làm chứng của 3 người sinh sống tại địa phương, xác nhận trước đây cha của ông Tý khai hoang diện tích đất khoảng 2 sào ruộng ở ngã tư Chín Hầm đi vào khe Trèn, trong đó ở đầu nguồn khoảng 1 sào (mà nay ông Tuấn cản trở sản xuất, vì cho rằng đất của công ty).
Tuy nhiên, theo bản hợp đồng kinh tế ký kết ngày 1/1/2008 (có giá trị đến hết ngày 31/12/2015) giữa đại diện Phòng Quản lý bảo vệ rừng (bên A) ông Hoàng Chí Linh, ông Tống Phước Cần và đại diện bên nhận khoán - ông Võ Văn Tý (bên B) lại thể hiện nội dung: “Bên A giao khoán cho bên B thi công công trình trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng tại khoảnh 3 - tiểu khu 91, diện tích ước chừng 1ha. Bên B chịu trách nhiệm thực hiện công tác bảo vệ rừng… và không để xảy ra hiện tượng lấn chiếm đất rừng để chôn cất hay xây dựng mồ mả trên diện tích do bên A giao…”. Về sự mâu thuẫn này, ông Tý lý giải, diện tích đất thể hiện tại hợp đồng kinh tế chỉ ước chừng 1 ha (10.000m2) và không phân định rạch ròi ranh giới giữa đất rừng do công ty quản lý và đất ruộng (khoảng 500m2) do gia đình ông khai hoang. Vậy nên, việc ông Tuấn ngăn cản khi ông đang sản xuất trên đất gia đình khai hoang và việc công ty cho rằng diện tích đất đó do công ty quản lý là không đúng.
Ông Tý xuất trình “biên bản làm việc” ngày 29/4/2015 do ông Tôn Thất Ái Tín chủ trì. Biên bản này xác định: “Người làm chứng trình bày sự việc cơ bản giống đơn tố cáo (của ông Tý). Công ty tiến hành thụ lý đơn tố cáo, xác minh và giải quyết đơn tố cáo theo quy định pháp luật. Về đất đai, công ty yêu cầu các bên liên quan không được tác động vào hiện trường tại thửa đất 9.800m2 thuộc tiểu khu 91 (phường An Tây). Ông Tý cung cấp các giấy tờ liên quan đến thửa đất (mà ông cho rằng do gia đình khai hoang- pv), nếu giấy tờ phù hợp với quy định của pháp luật, công ty sẽ tiến hành kiến nghị điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất nêu trên.