Chưa “an cư” thì không thể... “lạc nghiệp”
Thay mặt các hộ dân có cùng cảnh ngộ ở Thủy Xuân, các ông, bà Trần Thị An (trú 137 Lê Ngô Cát), Trần Minh Hiếu (1/14 kiệt 105 Lê Ngô Cát), Tống Phước Thành (119 Lê Ngô Cát) và Tôn Thất Bình (67 Huyền Trân Công Chúa) bộc bạch: Hàng trăm người dân trải qua bao thế hệ sinh sống nơi đây lâm vào cảnh điêu đứng khi không được hưởng đầy đủ QSDĐ để ổn định cuộc sống. Dù đất đai của họ rất nhiều, nhưng do không được phân thửa, thừa kế, chuyển nhượng và xây dựng nhà, nhiều hộ phải sống chen chúc trong cảnh “nhà dột, cột xiêu” và xuống cấp nghiêm trọng. Không ít hộ đành phải sửa chữa, xây dựng nhà trái phép gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Bản đồ quy hoạch điều chỉnh khu vực KVBV lăng Tự Đức đã công bố từ lâu nhưng Bộ VH, TT&DL vẫn chưa có ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh khu vực KVBV lăng Tự Đức nói riêng và quần thể di tích Cố đô Huế (!?)
Không chỉ người dân sinh sống chung quanh lăng Tự Đức mà hiện hàng trăm trường hợp khác trú ngụ tại các di tích quan trọng trong Quần thể di tích Cố đô Huế cũng chung số phận. Chẳng hạn, Đàn Nam giao thời Nguyễn - đàn tế trời duy nhất ở Việt Nam - hiện còn khá nguyên vẹn nhưng mật độ dân cư khá dày đặc, khiến các di tích bị biến dạng và một số mất hẳn dấu tích. Tọa lạc tại Thủy Biều (Huế), Điện Voi Ré - chứng tích một thời của đội Kinh Tượng nhà Nguyễn và Hổ Quyền cạnh đó - đấu trường hết sức độc đáo, với những cuộc tử chiến giữa voi và hổ, trước đây, hầu hết khu vực này là đất nông lâm nghiệp, mật độ dân cư thưa thớt. Song, đến nay, các hộ dân đến chung sống ngày càng đông đúc. Còn khu lăng Dục Đức (An Cựu, Huế) không chỉ là nơi an nghỉ của ba thế hệ làm vua: Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân mà còn có các lăng mộ của ba người vợ vua Thành Thái, vợ vua Duy Tân, công chúa, hoàng thân anh em với vua Duy Tân... vẫn có nhiều dân cư quần tụ dày đặc.
Đã hoàn thành hồ sơ điều chỉnh khư vực KVBV tỉnh
Đối với thư cầu khẩn của đại diện các hộ dân sinh sống chung quanh khu vực lăng Tự Đức về việc KVBV di tích, cách đây gần 5 năm, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương cắm mốc KVBV di tích; các vấn đề kiến nghị của bà con sẽ được giải quyết ngay sau khi hoàn thành việc cắm mốc.
Tuy nhiên, chờ mãi nhưng vẫn “bặt vô âm tín”, ngày 15/9/2010, một số hộ dân nói trên lại gửi đơn xin được thông báo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về đề án điều chỉnh quy hoạch KVBV của lăng này. Lúc đó, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế Phan Thanh Hải trả lời: Trung tâm BTDTCĐ Huế hoàn thành hồ sơ điều chỉnh khu vực KVBV các di tích lăng Tự Đức, Dục Đức, Đàn Nam Giao, Hổ Quyền và Điện Voi Ré theo tinh thần điều 32 Luật DSVH. Ngày 28/12/2009, hồ sơ điều chỉnh khu vực KVBV các di tích này được lãnh đạo UBND tỉnh cùng các ban, ngành, địa phương thông qua. Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp lý, Trung tâm BTDTCĐ Huế gửi hồ sơ điều chỉnh khu vực KVBV di tích về Cục DSVH kiểm tra trước khi trình lãnh đạo Bộ VH,TT&DL phê chuẩn.
Gần đây, nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân ở Thủy Xuân xin khẩn trương cắm mốc vùng II bảo vệ lăng Tự Đức theo đúng quy hoạch đã điều chỉnh, ngày 21/3/2012, Phó Giám đốc phụ trách (nay là Giám đốc) Trung tâm BTDTCĐ Huế Phan Thanh Hải cho hay: Việc xác định khu vực KVBV lăng này được thực hiện từ năm 1991 (không phải sau khi Luật DSVH ra đời như đơn kiến nghị đề cập) là căn cứ điều 35 Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh năm 1984. Theo đó, vào thời điểm lúc bấy giờ, dân cư trong khu vực lăng Tự Đức còn thưa thớt nên cơ quan chủ quản và các ban, ngành liên quan thống nhất khu vực KVBV của di tích nói trên được giới hạn: Khu vực I tính đến hết con đường bao bọc xung quanh La Thành. Khu vực II gồm các lô thửa bao quanh khu vực I (riêng các phía bắc và tây lấy ra đến đường Lê Ngô Cát, Huyền Trân Công Chúa và dùng các con đường này làm ranh giới bảo vệ. Khu vực III tính từ khu vực II, lấy ra bình quân 200m mỗi mặt.
Cần sớm phê chuẩn việc điều chỉnh khu vực KVBV các di tích
Theo ông Phan Thanh Hải, nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển (đặc biệt là sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ở khu Tây Nam Kinh thành Huế), UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành, địa phương thống nhất đề nghị Bộ VH,TT&DL, Cục DSVH điều chỉnh khu vực KVBV lăng Tự Đức chỉ còn khu vực I với diện tích hơn 160 ngàn m2 và khu vực II hơn 110 ngàn m2 (khu vực III đưa ra khỏi khu vực KVBV). Hiện, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về KVBV lăng Tự Đức là hồ sơ KVBV được phê duyệt năm 1991. Do vậy, việc cắm mốc khu vực II theo quy hoạch KVBV lăng này đã công bố vẫn chưa thể thực hiện.
Tương tự, để không gian lễ hội tại Đàn Nam Giao được phục dựng hoàn chỉnh, phục vụ du khách trong các dịp Festival, UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành, địa phương thống nhất đề nghị Bộ VH,TT&DL, Cục DSVH điều chỉnh khu di tích này, gồm: khu vực I với diện tích hơn 163 ngàn m2 và khu vực II hơn 47 ngàn m2.
Khu vực I KVBV khu di tích Hổ Quyền - Điện Voi Ré được phê duyệt trước đó chỉ giới hạn trong phạm vi thành bao quanh nên chưa đầy đủ và chưa bảo đảm các yếu tố gốc cấu thành di tích. Hơn nữa, để bảo đảm an toàn cho di tích trong tương lai, UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành, địa phương thống nhất đề nghị Bộ VH,TT&DL, Cục DSVH điều chỉnh khu di tích này theo hướng mở rộng phạm vi khu vực I và thu hẹp khu vực II KVBV: Hổ Quyền với khu vực I diện tích gần 4 ngàn m2 và khu vực II gần 9 ngàn m2; Điện Voi Ré với khu vực I diện tích gần 18 ngàn m2 và khu vực II gần 5 ngàn m2.
Nhằm ổn định đời sống của khu dân cư đang gia tăng tại lăng Dục Đức, UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành, địa phương thống nhất đề nghị Bộ VH,TT&DL, Cục DSVH điều chỉnh khu vực KVBV khu di tích này chỉ còn khu vực I (không có khu vực II) với diện tích gần 82 ngàn m2. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm sự an toàn và phát triển bền vững của khu di tích trong giai đoạn hiện nay, phạm vi khu vực I vẫn giữ nguyên như trước.
Để bộ hồ sơ điều chỉnh khu vực KVBV quần thể di tích Cố đô Huế được hoàn thiện, đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định của Luật DSVH, làm cơ sở cho việc công bố chính thức bản đồ quy hoạch các khu vực KVBV tại các điểm di tích và góp phần nâng cao ý thức bảo vệ di tích của cộng đồng (nhất là các di tích nằm trong các khu đô thị), đề nghị Bộ VH,TT&DL, Cục DSVH nhanh chóng thỏa thuận điều chỉnh khu vực KVBV các di tích nói trên.
Bài và ảnh: Vĩnh Cự
NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI GÌ?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành:
Giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc sử dụng đất, xây dựng, sửa chữa nhà và công trình
Việc điều chỉnh KVBV quần thể di tích Cố đô Huế vừa qua là hợp lý, được lòng dân, nhưng đến nay, Bộ VH,TT&DL vẫn chưa xem xét kịp thời dẫn đến tình trạng bất cập trong việc quản lý Nhà nước. Đối với những trường hợp quá bức xúc trong việc cấp giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ, cấp giấy phép xây dựng (GPXD), sửa chữa nhà và các công trình trên các khu vực có dự án quy hoạch chi tiết thì có thể điều chỉnh ngay mà không cần chờ đợi.
Từ năm 2009, UBND TP Huế đề xuất UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan: Đối với các khu vực đã có quy hoạch chi tiết trên 10 năm, nhưng vẫn chưa thực hiện dự án quy hoạch, UBND TP Huế được cấp GCN QSDĐ, tách thửa đất và cấp GPXD cho các công trình, nhà ở của các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trên địa bàn. Các khu vực đã có quy hoạch chi tiết trên 5 năm, nhưng chưa thực hiện dự án quy hoạch, các hộ gia đình có nhu cầu xin xây dựng các công trình và nhà ở được cấp GPXD (nếu sau 5 năm, kể từ ngày cấp GPXD nhà ở và công trình mà có dự án chỉnh trang theo quy hoạch thì được đền bù công trình xây dựng theo quy định).
Chánh Thanh tra Sở VH,TT&DL Nguyễn Văn Thắng:
Cần xem xét nhiều góc độ cả về pháp lý và thực tiễn
Thời gian qua, một số địa phương phát sinh tình trạng công dân bức xúc liên quan đến khu vực KVBV di tích. Theo tôi, vấn đề này cần xem xét ở nhiều góc độ cả về pháp lý và thực tiễn:
Thứ nhất, gần 10 năm sau khi Luật DSVH có hiệu lực mà nay vẫn giữ ba khu vực KVBV là quá muộn và không đúng quy định.
Thứ hai, biên bản và bản đồ KVBV di tích theo Luật DSVH được các cấp, các ngành liên quan của tỉnh thông qua cách đây gần 3 năm và gửi Bộ VH,TT&DL, Cục DSVH ngay sau đó. Thông thường, khi văn bản gửi đi, nếu cơ quan quản lý cấp trên không đồng tình một điểm nào đó của văn bản này thì sẽ phản hồi ngay để điều chỉnh (trường hợp không hồi âm thì được hiểu là chấp thuận).
Thứ ba, hiện bản đồ KVBV di tích với đầy đủ chữ ký và con dấu của các cấp, các ngành được công khai tại các điểm di tích từ năm 2010 thì lẽ đương nhiên, người dân sẽ hiểu bản đồ đó có giá trị pháp lý và đề nghị thực hiện.
Thứ tư, di tích ở Thừa Thiên Huế có dân cư sinh sống trong khu vực KVBV khá nhiều. Do vậy, rất cần sự quan tâm của các cơ quan quản lý và chính quyền các cấp với cơ chế phù hợp, kịp thời để tạo thuận lợi cho người dân an cư cũng như giúp cho công tác bảo vệ di tích tốt hơn, Bởi, vấn đề này để càng lâu càng bất lợi.
Trưởng phòng Quản lý - Bảo vệ, Trung tâm BTDTCĐ Huế Nguyễn Thành Nam:
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chung sống hài hoà trong vùng đệm di tích
Năm qua và bốn tháng đầu năm nay, Phòng Quản lý - Bảo vệ (QL-BV) phối hợp với Tổ KVBV khảo sát và trả lời đơn thư cho hơn 50 trường hợp xin cải tạo, sửa chữa nhà trong khu vực KVBV nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân chung sống hài hoà trong vùng đệm di tích. Bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng và các ban, ngành liên quan đình chỉ 35 trường hợp không có GPXD và xây dựng, sửa chữa không đúng giấy phép, Phòng QL-BV kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tổ chức tháo dỡ nhiều trường hợp xây dựng không có GPXD, cơi nới, lấn chiếm phạm vi KVBV di tích. Phòng QL-BV cũng đã phối hợp với các ban, ngành hữu quan và chính quyền địa phương có di tích tổ chức cắm mốc vành đai KVBV cho các điểm di tích để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý và bảo vệ di tích theo quy định của Luật DSVH.
Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân Nguyễn Văn Hòa:
Vẫn còn bất cập trong việc giải quyết những trường hợp xin xây dựng, sửa chữa nhà ở
Hiện, hồ sơ điều chỉnh KVBV các di tích lăng Tự Đức, Đàn Nam Giao được UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan thông qua vẫn chưa được Bộ VH,TT&DL có ý kiến nên việc giải quyết đơn xin xây dựng, sửa chữa nhà ở vẫn còn bất cập.
Mong UBND tỉnh đề nghị Bộ VH,TT&DL sớm chuẩn y hồ sơ điều chỉnh KVBV lăng Tự Đức đã được tỉnh thông qua để người dân ổn định cuộc sống; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai và xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Cự Vĩnh (thực hiện)
|