ClockThứ Bảy, 08/07/2023 09:37

Khắc phục ô nhiễm trên đầm Lập An

TTH - Việc lấn chiếm, cùng nhiều công trình xây dựng dang dở trên đầm Lập An (Lăng Cô, Phú Lộc) gây nên tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị tại khu du lịch nổi tiếng này!

Tập trung khắc phục đường Tây đầm Lập AnSớm khắc phục các công trình giao thông ở đầm Lập An

leftcenterrightdel
 Đổ vỏ hàu ven đầm Lập An thuộc trục đường Nguyễn Văn, thị trấn Lăng Cô

Đầm Lập An thuộc hệ thống đầm lớn nhất ở Thừa Thiên Huế với diện tích khoảng 800ha. Nhiều năm nay, tình trạng nuôi thủy, hải sản trên đầm chưa được sắp xếp, quy hoạch bài bản dẫn đến tình trạng nhếch nhác gây mất mỹ quan. Ngoài ra, người dân đổ vỏ hàu, các vật liệu ven đường Nguyễn Văn (Lăng Cô), cùng những công trình du lịch xây dựng dang dở khiến khu đầm với cảnh quan du lịch nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế trở nên “ô hợp”. Mới đây, UBND thị trấn Lăng Cô đã cho kiểm tra và có phương án xử lý đối với hộ dân xây dựng chòi canh, đổ vỏ hàu số lượng lớn lấn đầm Lập An tại tổ dân phố (TDP) Loan Lý.

Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, bên trục đường Nguyễn Văn, người dân đổ vỏ hàu, các vật dung nuôi trồng thủy sản dọc theo chiều dài hàng chục mét ven đầm phá, làm một góc khu đầm trông nhếch nhác. Đặc biệt, tại khu vực này, một hộ dân đã đổ vỏ hàu nhằm lấn chiếm mặt đầm tạo mặt bằng với số lượng lớn, hàu ùn cao “như núi”. Ngoài ra, gần phía khu vực này, hàng trăm cọc hàu, cọc bê tông cốt thép hoen gỉ theo năm tháng được thi công xây dựng nhiều năm trước đến nay vứt bỏ dang dở cũng tạo nên cảnh nhếch nhác, ảnh hưởng giao thông đường thủy khu đầm.

Ông Hoàng Trọng Huy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, sau khi tiếp nhận phản ánh, UBND thị trấn Lăng Cô đã tiến hành làm việc với các đối tượng liên quan và người dân xung quanh khu vực có chòi canh để xác minh vụ việc dựng chòi canh, đổ vỏ hàu lấn đầm Lập An. Qua xác minh chòi nói trên của ông H.D, thường trú TDP Loan Lý, thị trấn Lăng Cô, đã hình thành từ lâu (trước năm 2018) để giữ cá và hàu khỏi bị mất trộm.

Tuy nhiên, về tình trạng đổ vỏ hàu làm mất vệ sinh môi trường tại trục đường Nguyễn Văn là có thật. Trong thời gian tới, UBND thị trấn sẽ phối hợp với Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực (Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh) xử lý khối lượng vỏ hàu nói trên để đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan khu vực.

Theo ông Hoàng Trọng Huy, hiện trên địa bàn thị trấn Lăng Cô việc thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân đang được Hợp tác xã điện nước Lăng Cô thu gom chở đến đến nơi xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, đối với chất thải rắn như: vỏ hàu, vỏ ốc, vỏ sò... hàng ngày người dân thải ra rất nhiều nhưng không được hợp tác xã thu gom, lý do vì máy nghiền rác thải không xử lý được, nên người dân lén lút đổ rác thải vỏ hàu xuống đầm Lăng Cô, nhất là dọc tuyến đường Nguyễn Văn.

“Thực trạng này diễn ra nhiều năm và đây là vấn đề nên giải của địa phương vì chưa có bãi thải để xử lý loại chất thải rắn này. Địa phương đang họp bàn phương án chọn địa điểm và xin phép các ngành chức năng để tìm bãi đổ nhằm xử lý chất thải rắn về lâu dài”, ông Huy cho biết thêm.

Hiện nay, tuyến đường Nguyễn Văn thuộc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực quản lý. UBND thị trấn Lăng Cô đã nhiều lần phối hợp với Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực ra quân tuyên truyền người dân không vứt rác xuống đầm làm mất cảnh quan đô thị, làm ô nhiễm môi trường và xử lý, thu gom rác thải rắn như vỏ hàu... dọc tuyến đường Nguyễn Văn.

Liên quan đến nhiều cọc bê tông cốt thép xây dựng dang dở trên đầm Lập An, ông Hoàng Trọng Huy cho biết, đây là công trình thi công nhà nổi trước đây phục vụ du lịch của Công ty CP Du lịch Đảo Ngọc thuê đất để thực hiện dự án Khu du lịch - Bến thuyền - Thể thao dươi nước Lăng Cô. Dự án ngưng thi công và bỏ hoang công trình từ nhiều năm nay.

Cuối năm 2020, Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh đã có quyết định thu hồi đất thực hiện dự án do công ty này bị chấm dứt hoạt động dự án đầu tư từ năm 2018. Đối với những cọc bê tông này hiện nay địa phương vẫn chưa có phương án xử lý.

Nhằm quản lý và phát triển sản xuất thủy sản gắn với du lịch sinh thái, bảo tồn mặt nước đầm Lập An hài hòa, bền vững và đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân, UBND huyện Phú Lộc đã có quyết định phê duyệt Đề án khai thác mặt nước đầm Lập An qua 2 giai đoạn: 2020-2025 đến 2026-2030 với tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.

Theo đó, giai đoạn 1 sẽ bố trí, sắp xếp lại nghề nuôi hàu truyền thống theo hướng giảm số lượng cọc hàu và chia sẻ hợp lý diện tích mặt nước giữa các hộ nuôi hàu, hỗ trợ cho người dân di chuyển vào vùng quy hoạch nuôi. Di dời, bố trí, sắp xếp các lồng nuôi nhốt thủy sản ra khỏi vùng nước đã được quy hoạch cho du lịch. Hình thức nuôi trong lồng bè nổi, đối tượng nuôi là cá nước lợ, nguồn giống thu từ đánh bắt tự nhiên và sinh sản nhân tạo. Quy mô, diện tích, số lượng giàn cọc nuôi hàu, lồng bè nuôi được tính toán dựa trên chất lượng nước, lộ trình di dời và hỗ trợ sinh kế cho ngư dân, tích hợp và hài hòa với các hoạt động khác trong đầm.

Giai đoạn 2 chuyển đổi dần theo lộ trình thích hợp từ nghề nuôi hàu truyền thống sang nuôi công nghiệp (nuôi treo giá thể trong lồng bè di động). Chuyển đổi dần theo lộ trình thích hợp một số hộ có năng lực về vốn, kỹ thuật, từ nghề nuôi nhốt thủy sản trong lồng bè nổi trong đầm sang nghề nuôi biển. Quy mô, diện tích, số lượng các hộ chuyển đổi nghề nuôi được tính toán dựa trên chất lượng nước, nguyện vọng và nguồn lực của các hộ ngư dân, tích hợp và hài hòa với các hoạt động khác trong đầm.

Theo ông Hoàng Trọng Huy, mặc dù đề án được phê duyệt cách đây 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được, do nguồn kinh phí quá lớn vượt ra khỏi khả năng tài chính của địa phương. Do vậy, trong thời gian tới, UBND thị trấn sẽ tiếp tục phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm trên, đổ rác thải trên đầm Lập An nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan trong khu vực.

Theo UBND huyện Phú Lộc, nguồn vốn để triển khai đề án khai thác mặt nước đầm Lập An sẽ được lồng ghép từ các nguồn vốn chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển và chương trình khai thác hải sản xa bờ đến 2025, do Nhà nước đầu tư và cho vay ưu đãi với lãi suất thấp; vốn từ chương trình dự án thực hiện theo các quyết định đã phê duyệt của Chính phủ và UBND tỉnh về Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; vốn giải quyết việc làm, vốn vay từ nguồn vốn phục vụ người nghèo…

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm
Khắc phục nhà tốc mái do giông lốc

Sáng 31/3, chính quyền địa phương các huyện A Lưới, Phong Điền đã huy động lực lượng dân quân địa phương, các ban ngành hỗ trợ người dân khắc phục nhà bị tốc mái.

Khắc phục nhà tốc mái do giông lốc
Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

Trong một báo cáo ngày 28/2, Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới đã tạo ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị vào năm ngoái và lượng rác thải này ước tính sẽ tăng thêm 2/3 vào năm 2050, đồng thời cảnh báo về những tổn thất nặng nề đối với sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

TIN MỚI

Return to top