ClockThứ Năm, 24/05/2018 06:00

Khai thác cát tại Phong Hiền: Thận trọng trước tác động về môi trường

TTH - Tổ chức lấy ý kiến người dân, báo cáo tác động môi trường khi khai thác mỏ cát trắng tại xã Phong Hiền (Phong Điền) và phương án hoàn thổ, phương án đầu tư nâng cấp đường giao thông trước khi khai thác… là kiến nghị, đề xuất của chính quyền và người dân xã Phong Hiền với Dự án khai thác cát trắng của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.

Phong Hiền đạt chuẩn nông thôn mớiCây mía vững chân ở Phong HiềnNhững cây trồng “chủ lực” ở Phong Hiền

Khu quy hoạch mỏ khai thác đã được VPG cắm bảng cấm

Chưa thực hiện cam kết

Theo Giấy phép số 870/GP-BTNMT ngày 18/6/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) được phép khai thác cát trắng tại xã Phong Hiền trong thời gian 30 năm, trên diện tích 406,3ha. Diện tích trên được chia làm 8 khu mỏ, với tổng trữ lượng trên 33 triệu tấn cát, trong đó trữ lượng khai thác gần 28 triệu tấn.

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-UBND ngày 26/2/2014 về thu hồi 40,5ha diện tích tại thôn Bắc Triều Vịnh (giai đoạn 1) và cho VPG thuê đất. Hiện nay, VPG đã xây dựng trụ sở, nhà quản lý trên phạm vi đã được UBND tỉnh giao. Năm 2016, VPG ký hợp đồng với Công ty TNHH VITTO cung cấp nguyên liệu phục vụ nhà máy sản xuất men FRIT với khối lượng 1.000 đến 2.000 tấn/tháng; đồng thời VPG xin xuất khẩu 200 tấn cát thô sang Đức để thí nghiệm mẫu công nghệ đầu tư dây chuyền chế biến sâu tại Khu công nghiệp Phong Điền.

Giấy phép của BộTN&MT quy định rõ, chỉ được phép tiến hành khai thác công nghiệp cát khi dự án nhà máy chế biến cát trắng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, từ thời điểm cấp phép, thu hồi bồi thường diện tích đã giải phóng mặt bằng đến nay, VPG vẫn chưa có nhà máy chế biến sâu như đã cam kết. Ngày 15/9/2017, Ban quản lý Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh ban hành Quyết định số 206/QĐ-KHTCN về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cát trắng của VPG.

Đầu năm 2018, UBND tỉnh có Thông báo số 17/TB-UBND tiếp tục đồng ý cho VPG và Công ty TNHH Quarzwerke (CHLB Đức) đầu tư xây dựng “Nhà máy chế biến bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao” (Hue Premium Silica) cạnh mỏ cát, trên diện tích 7,43ha. Ngày 10/4/2018, VPG ban hành kế hoạch số 21/VPG-VPH gửi UBND huyện Phong Điền, xã Phong Hiền liên quan đến kế hoạch sử dụng đất khai thác khoáng sản. Theo đó, kế hoạch khai thác cát trắng được phân thành 10 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ được khai thác trên diện tích từ 30-50ha, trong thời gian từ 2 đến 4 năm.

Lo lắng

Ông Hoàng Ngọc Thêm, trú tại thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền (Phong Điền) bức xúc: Lợi dụng được cấp mỏ, DN đã nhiều lần múc cát đi bán. Xe tải trọng lớn “cày” hư hỏng đường, gây bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng đến môi trường, vấn đề này, người dân đã nhiều lần phản ánh. Sau một thời gian im ắng, nay doanh nghiệp này lại được cấp phép xây dựng nhà máy trên khu vực Vĩnh Nảy, sát cạnh mỏ cát, khiến người dân lo lắng hơn. Trong khi trên địa bàn huyện vẫn có Khu công nghiệp Phong Điền vì sao DN không xin đầu tư để thuận tiện cho việc vận chuyển, chế biến cát, giảm gây ô nhiễm ...

Ông Trần Thái Hòa, ở thôn Vĩnh Nảy cho biết thêm, việc thu hồi 40,5ha (giai đoạn 1) giao cho VPG đã lấy mất của gia đình ông 3ha rừng trồng. Đây là diện tích đất đã nuôi sống gia đình ông mấy chục năm qua. Hơn nữa, việc VPG xây dựng nhà máy trên diện tích đất là 7,43ha (trong đó có 3,39 ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân) tại thôn Vĩnh Nảy (cũ) sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của các hộ gia đình...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Sum, Chủ tịch Hội CCB xã Phong Hiền đã có văn bản đề đạt nguyện vọng của người dân đến các cấp lãnh đạo. Theo ông Sum, việc xây dựng nhà máy tại thôn Vĩnh Nảy (cũ) sẽ có một số bất cập, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường, đời sống cũng như việc chôn cất, mồ mả của người dân. Người dân lo lắng, theo thiết kế, khu mỏ 40,5ha lấy cát ở độ sâu 3 đến 4m sẽ làm mạch nước ngầm thiếu hụt vào mùa khô, ảnh hưởng 150 ha lúa, hoa màu, rừng trồng của người dân và hàng ngàn ngôi mộ đã có từ bao đời nay. Vùng đất cát (nơi khai thác mỏ) có địa hình cao. Nếu khai thác mỏ với diện tích trên 400ha, độ sâu từ 3 đến 4m sát với hồ Bàu Niên, Bàu Lầy, Bàu Do sẽ tạo liên kết hồ, khi mưa lớn có nguy cơ làm vỡ hồ, đe dọa nhà cửa, ruộng vườn, đặc biệt là vấn đề an toàn tính mạng người dân…

Công khai phương án trước, trong và sau khai thác

Theo báo cáo của VPG về một số thông tin dự án gửi UBND huyện Phong Điền mới đây, VPG sẽ đầu tư nhà máy sát khu mỏ với tổng số vốn 588 tỷ đồng. Ngoài ra, VPG đã thông tin đảm bảo an toàn khu mỏ như gia cố bờ mỏ, trồng cây keo lai trên toàn bộ diện tích… nhằm chống xói lở; đồng thời xây dựng hệ thống cống thoát nước liên thông với trằm, bàu nhằm ổn định mực nước giữa các hồ, giảm sự cố quá tải trong mùa mưa lũ… Để thực hiện tốt các vấn đề về môi trường, VPG phải nộp số tiền trên 6 tỷ đồng vào quỹ bảo vệ môi trường tỉnh. Nếu VPG không thực hiện Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt thì VPG sẽ không được Nhà nước hoàn trả lại số tiền trên và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, VPG không đề cập gì đến việc hoàn thổ sau khai thác.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết, dự án Nhà máy chế biến bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao tại thôn Vĩnh Nảy không nằm trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của xã. Vị trí doanh nghiệp đề nghị đầu tư nhà máy nằm trên tuyến đường dân sinh, phục vụ sản xuất, đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Khu mỏ khai thác cát của VPG sẽ thu hồi đất, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.000 hộ dân của 3 thôn. Hiện nay, UBND xã đã có báo cáo với huyện về vấn đề này. Trong đó, đề xuất tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về việc xây dựng nhà máy cũng như việc khai thác mỏ cát.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: Trên cơ sở chủ trương của UBND tỉnh, huyện đang chỉ đạo các ban, ngành liên quan ở huyện cùng với xã Phong Hiền và nhà đầu tư để giải thích cho người dân hiểu về chủ trương này. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị nhà đầu tư xem xét, giải quyết thỏa đáng những kiến nghị của cán bộ, người dân xã Phong Hiền liên quan đến vấn đề môi trường, hạ tầng, vấn đề sản xuất của người dân trong khu vực… khi nhà máy và khu mỏ đi vào hoạt động.

Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường. Giải pháp, chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường phải được xác định trong dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định (Điều 30).

Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải có đủ các điều kiện sau đây: Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản… (Điều 53).

Thanh Hải (lược ghi)

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chung tay gìn giữ môi trường”

Được triển khai vào cuối tháng 9 vừa qua, mô hình “Chung tay gìn giữ môi trường” giai đoạn 2024 – 2025 do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) phối hợp cùng Ban Dân vận Thành ủy Huế thực hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

“Chung tay gìn giữ môi trường”
HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số

Có bề dày gần 50 năm kinh nghiệm hoạt động chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đang triển khai các giải pháp để thích nghi với thời kỳ chuyển đổi số, một bước đi cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của ngành và sự phát triển không ngừng của xã hội.

HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số
Thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường

Ngày 11/10, Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Ngày hội thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường năm 2024 tại Trường THCS Nguyễn Khánh Toàn (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà).

Thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường

TIN MỚI

Return to top