Tại công trình thoát lũ hói Ngã Tư
Trước đó, dư luận quan tâm đến việc quá trình thi công công trình hệ thống thoát lũ hói Ngã Tư đã xảy ra sự cố rạn nứt tường, nền nhà, sụt lún nhà… của nhiều hộ dân ở thôn Đông Xuyên, Mỹ Xá thuộc xã Quảng An.
10 nhà bị ảnh hưởng
Công trình hệ thống thoát lũ hói Ngã Tư, xã Quảng An (huyện Quảng Điền) có tổng mức đầu tư hơn 49 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Công trình do Công ty TNHH MTV Rồng Việt đảm nhận thi công, thời gian hoàn thành là 1.095 ngày. Công trình được triển khai thi công vào cuối năm 2021.
Theo đó, công trình sẽ nạo vét hói Ngã Tư có chiều dài 1.586m, chiều rộng đáy hói 10,5-12,5m. Gia cố bờ hói Ngã Tư đoạn từ cống Hạ Lang đến giáp cầu Đông Hồ được chia ra làm 2 đoạn. Theo đó, đoạn 1, từ cống Hạ Lang đến cầu Hợp có chiều dài 536,5m dạng kè tường đứng kết hợp mái lát đá hộc và đoạn 2, từ cầu Hợp đến cầu Đông Hồ dạng kè tường đứng có tổng chiều dài hai bờ 1.969m. Ngoài ra, sẽ xây dựng 21 bến nước sinh hoạt có chiều rộng 4,2m, riêng bến nước tại đình làng Mỹ Xá có chiều rộng 8m…
Trước tình trạng nhiều hộ dân bị nứt nẻ, sụt lún nhà cửa do ảnh hưởng bởi thi công hệ thoát lũ hói Ngã Tư, các hộ dân đã gửi đơn lên chính quyền xã Quảng An. Điều khiến người dân lo sợ nhất là mùa mưa bão đang cận kề, trong khi đó, họ phải sống kéo dài trong những ngôi nhà bị hư hỏng nên tính mạng rất nguy hiểm.
Theo ông Hoàng Văn Minh Châu, Chủ tịch UBND xã Quảng An, ngay sau khi nhận được đơn của người dân, UBND xã đã phối hợp với đơn vị thi công và chủ đầu tư đến hiện trường để kiểm tra thực tế. Qua kết quả kiểm tra ban đầu, một số nhà dân ở cạnh công trình có bị ảnh hưởng. UBND xã đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn thi công trực tiếp đến từng hộ dân để thống kê thiệt hại, tiến hành lập biên bản và phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân.
Người dân bị ảnh hưởng đồng thuận
Ông Phan Đình Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Quảng Điền thông tin, khi công trình triển khai thi công, chủ đầu tư, nhà thầu và UBND xã Quảng An đã cho thống kê những hộ nằm sát hai bên tuyến kè có khả năng ảnh hưởng đến quá trình thi công. Qua thống kê trên dọc tuyến kè có 48 hộ dân sinh sống, trong đó thôn Đông Xuyên có 33 hộ, thôn Mỹ Xá có 15 hộ. Quá trình đào móng thi công tường kè đã xảy ra sự cố rạn nứt tường và nền nhà, công trình phụ của 10 hộ dân.
“Nguyên nhân nứt một số nhà gần hố móng theo đánh giá sơ bộ khả năng do khi đắp đê quai bơm khô lòng hói, nước trong nền móng các nhà rút xuống tạo lỗ rỗng, một số vị trí có hiện tượng xuất hiện mạch đùn từ trong nhà dân ra và ngược từ dưới đáy móng lên. Ngoài ra, khi đào hố móng đã có sự chuyển vị, đặc biệt các nhà sát kè nên xảy ra hiện tượng sụt lún, rạn nứt nhà” - ông Dũng cho biết.
Đối với phương án khắc phục, theo ông Phan Đình Dũng, UBND xã Quảng An đã mời đơn vị thi công và đại diện các chủ hộ có nhà bị ảnh hưởng tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường và lập biên bản hiện trạng. Qua đó, yêu cầu đơn vị thi công tăng cường gia cố móng bảo vệ, giảm tối đa hiện tượng rạn nứt, sụt lún… Thường xuyên theo dõi, nếu hiện tượng rạn nứt ngày càng tăng thì đơn vị thi công phải có giải pháp đắp lại bảo vệ cho nhà và công nhân đang thi công, đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ để sớm đắp đất trả lại mặt bằng, đảm bảo an toàn nhà cửa cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Khi thi công hoàn thiện các hạng mục công trình, các bên liên quan sẽ tiến hành thống kê, tính toán hạng mục hư hỏng thiệt hại để đơn vị thi công hỗ trợ sửa chữa, khắc phục đối với các nhà dân bị hư hỏng. Chủ đầu tư cũng yêu cầu đơn vị thi công khi thi công đào móng qua đoạn có nhà dân xây dựng sát tuyến kè cần phải có biện pháp gia cố hố móng đảm bảo ổn định để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến nhà dân. Đồng thời, cử người theo dõi nếu xảy ra hiện tượng sụt lún hố móng, gây rạn nứt tường nhà dân phải có giải pháp gia cố tăng cường hố móng. Nếu vẫn không đảm bảo an toàn thì phải đắp hoàn trả lại mặt bằng để bảo vệ đảm bảo an toàn cho các hộ dân.
“Tất cả 10 hộ dân bị rạn nứt tường, nền nhà, công trình phụ đã được lập biên bản hiện trạng. Theo biên bản làm việc, người dân rất đồng tình với ý kiến của chủ đầu tư, nhà thầu và UBND xã Quảng An đưa ra. Phía địa phương cũng mong chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để sớm đắp đất trả lại mặt bằng và đền bù, hỗ trợ cho người dân sửa chữa, khắc phục lại nhà cửa trước mùa mưa bão” - Chủ tịch UBND xã Quảng An, ông Hoàng Văn Minh Châu khẳng định.
Bài, ảnh: Thái Bình