Theo đơn, tổ dân phố của ông có những người bị bệnh ung thư và người đã mổ tim (phẫu thuật tim có tuần hoàn ngoài cơ thể) được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Có người ung thư và đã hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng hơn 10 năm nay, nhưng vẫn mạnh khỏe, lao động bình thường. Có 2 trường hợp mổ tim, một người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; một người không được (người này sinh năm 1939), nhưng được hưởng chế độ trợ cấp cho người đủ 80 tuổi, thấp hơn mức của người kia…Mặt khác, trong tổ dân phố ông có trường hợp bị tai nạn, ảnh hưởng đến vận động khớp khuỷu tay, hạn chế lao động chút ít cũng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng…Ông mong được giải đáp vì sao những người bị bệnh như nhau, nhưng người được hưởng, người không.
Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Luật Người khuyết tật thì người bị bệnh ung thư, người bệnh tim không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng…
Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, có một số người mắc bệnh ung thư và người phẫu thuật tim được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng là do điều kiện sau:
Do bệnh tật nên một số chức năng cơ thể bị suy giảm được biểu hiện dưới một dạng tật (ví dụ như: người bị bệnh ung thư thanh quản, nói không được có thể xem là khuyết tật nghe, nói; người bị bệnh ung thư não, nằm liệt có thể xem là khuyết tật vận động….), khiến hoạt động lao động, học tập, sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Theo đó, họ làm đơn đề nghị được xác định dạng tật và mức độ khuyết tật. Khi họ được xác định là người khuyết tật nặng/đặc biệt nặng thì thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (khoản 1, Điều 44 Luật Người khuyết tật) với mức trợ cấp thấp nhất là 405.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, có những trường hợp bị bệnh ung thư, bệnh tim... nhưng biến chứng của bệnh chưa biểu hiện dưới một dạng tật, chưa ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh hoạt, lao động, học tập hàng ngày thì không thể xác định là người khuyết tật hoặc được xác định là người khuyết tật, nhưng mức độ khuyết tật nhẹ. Những người này sẽ không được hưởng trợ cấp xã hội. Đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, theo quy định, mức trợ cấp đối với trường hợp này chỉ là 270.000 đồng/tháng nên có sự khác nhau về mức trợ cấp như bạn đọc thắc mắc. Ngoài ra, khi đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng từ trần thì được hỗ trợ chi phí mai táng với mức 5.400.000 đồng.
Với người khuyết tật, mức độ khuyết tật có thể thay đổi theo thời gian, tình trạng khuyết tật, quá trình điều trị và phục hồi chức năng... Theo đó, với những người bị bệnh ung thư, bệnh tim đã được xác định là người khuyết tật nặng/đặc biệt nặng nhưng qua quá trình điều trị, phục hồi chức năng họ thực hiện được các hoạt động lao động, sinh hoạt hàng ngày (có sự thay đổi mức độ khuyết tật) mà không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào thì cần được đánh giá, xác định lại dạng tật và mức độ khuyết tật để có căn cứ thực hiện các chính sách liên quan đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên, khi có sự thay đổi mức độ khuyết tật từ nặng/đặc biệt nặng thành nhẹ thì người khuyết tật không bao giờ làm hồ sơ đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật vì sẽ không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng nữa.
“Để đảm bảo việc xác định lại mức độ khuyết tật theo đúng quy định, đề nghị bạn đọc cung cấp thông tin liên quan (họ tên, năm sinh, nơi cư trú, số tiền hưởng trợ cấp hàng tháng) kèm bằng chứng xác thực về việc khỏe mạnh, lao động được (hình ảnh, video nếu có) của những trường hợp này cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (18 Nguyễn Sinh Sắc, phường Vỹ Dạ, TP Huế) hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, thành phố (nơi người khuyết tật cư trú) để có cơ sở, căn cứ hướng dẫn thực hiện”, bà Nguyệt nói.
Hải Huế (thực hiện)