Ngoài việc gửi đơn, ông Mừng nhiều lần gọi điện thoại khóc lóc, bức xúc và “kêu cứu” về vấn đề này.
Vợ tố cáo chồng bạo hành
Theo ông Mừng, ông bị tai nạn lao động, là người khuyết tật với số tiền trợ cấp chưa đầy 1 triệu đồng/tháng. Vợ ông không có việc làm ổn định. Con gái út còn đi học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà P được Trung tâm BTXH Hoa Sen (trên địa bàn phường Hương Hồ) nhận vào làm bảo mẫu. Ông Mừng là người làm hồ sơ để bà P ký hợp đồng lao động với trung tâm. Con gái của vợ chồng ông cũng được trung tâm nhận vào nuôi, tiếp tục cho ăn học.
Tuy nhiên, sau đó ông Mừng bức xúc vì vợ mình ở luôn tại trung tâm, không về nhà. Con gái ông cũng rất ít về thăm cha. Ông đến trung tâm thăm vợ con thì bị gây khó dễ. Ông Mừng cho rằng, giám đốc trung tâm đã cản trở không cho vợ con ông về nhà. Sở dĩ xảy ra điều đó là vì Giám đốc Trung tâm BTXH đồng thời cũng là giám đốc một công ty du lịch có “âm mưu” mai mối, tạo điều kiện cho vợ ông lấy chồng người nước ngoài. Nhiều lần ông Mừng viết thư cho giám đốc trung tâm yêu cầu thu xếp để vợ ông có thời gian về nhà thăm nom, chăm sóc gia đình, nhưng không có kết quả.
Theo bà Hồ Thị P, trung tâm vẫn tạo điều kiện cho bà có thời gian về nhà. Nhưng bà không muốn về vì thời gian chung sống với ông Mừng, bà thường xuyên bị chồng bạo hành, đối xử tệ bạc. Đó cũng là lý do khiến bà nhiều lần phải bỏ nhà về quê hoặc đi làm thuê xa. Ngày 7-7-2014, bà vừa từ trung tâm về nhà thì bị ông Mừng đánh thâm tím mặt mũi. Đã vậy, ông Mừng còn giấu thẻ bảo hiểm y tế và chứng minh nhân dân của bà, không cho bà đi bệnh viện. Đến lúc chính quyền địa phương, công an phường can thiệp, ông Mừng mới chịu đưa các loại giấy tờ đó để bà đi khám, điều trị. Cũng vì mâu thuẫn trầm trọng nên bà và ông Mừng đã ly hôn một lần. Vì con cái nên bà quay lại. Ông Mừng vẫn không thay đổi tâm tính. Chịu không nổi nên hiện nay bà đã có đơn xin ly hôn gửi TAND thị xã Hương Trà. Ngược lại, ông Mừng “tố” bà P bạo hành ông.
Không đúng sự thật
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH Hoa Sen cho biết: Trung tâm ký hợp đồng lao động với bà P, mọi thủ tục đều đúng theo quy định. Công việc của bảo mẫu phải chăm sóc thường xuyên cho các cháu, nên hợp đồng ký kết thời gian bà P làm việc tại trung tâm là 24/24 giờ mỗi ngày và 7 ngày trong 1 tuần. “Hợp đồng lao động là vậy, nhưng chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho bà P mỗi ngày về thăm nhà trong khoảng thời gian phù hợp (giờ các cháu nghỉ). Bà P không chịu về, chúng tôi không thể ép bà ấy được”. Cũng theo ông Cường, ngoài giờ học và sinh hoạt theo quy định của trung tâm, con gái ông Mừng được phép về thăm nhà, không ai ngăn cản. Ông Mừng cũng được phép đến trung tâm thăm con. Nhưng mỗi lần đến trung tâm, ông Mừng lại có hành vi gây rối như mạt sát, lăng mạ nhân viên trung tâm khiến họ phải báo việc này với chính quyền và công an phường.
Theo ông Đặng Thành Vương, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ, có việc xô xát giữa vợ chồng ông Mừng vào ngày 7-7-2014 (khi nhận được tin, công an phường vào thì sự việc đã xong rồi) và ông Mừng giấu bảo hiểm y tế không đưa cho vợ đi khám bệnh. Khi công an phường, tổ trưởng dân phố chuẩn bị lập biên bản, phá khóa tủ, ông Mừng mới chịu đưa. Sau sự việc này, bà P có đơn đến công an, UBND phường yêu cầu giải quyết việc bị bạo hành. Ông Mừng cũng có đơn cho rằng, Trung tâm BTXH Hoa Sen ngăn cản tình cảm vợ chồng cha con, “mai mối” cho bà P lấy người nước ngoài.
Phường đã mời ông Mừng, bà P, con gái ông Mừng bà P và đại diện trung tâm đến giải quyết. Tại buổi làm việc, bà P “tố” bị chồng bạo hành suốt mấy chục năm. Lãnh đạo trung tâm động viên bà về thăm nhà nhưng bà không về vì sợ chồng đánh. Con gái ông Mừng (16 tuổi) cũng khẳng định không có ai ngăn cản, cháu ít về nhà là vì ba dữ. Ngược lại, ông Mừng lại cho rằng bị vợ đánh. Ông cũng phủ nhận việc mình mạt sát xúc phạm nhân viên trung tâm. Tuy nhiên, đại diện của trung tâm đã mở ghi âm những lời lẽ xúc phạm của ông Mừng khi ông đến trung tâm “đòi vợ”.
Ông Vương cho biết thêm, nhiều năm qua, Trung tâm BTXH Hoa Sen nuôi dưỡng gần 30 cháu trong độ tuổi đi học, có hoàn cảnh côi cút, gia đình khó khăn Trung tâm do UBND thị xã Hương Trà ra Quyết định thành lập. Mọi hồ sơ thủ tục đều được Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh thẩm định, theo quy định của pháp luật. Quá trình hoạt động của trung tâm cũng do Sở này quản lý. Việc trung tâm nhận bà P vào làm việc và nhận con gái vợ chồng ông Mừng vào nuôi, mọi thủ tục đều đúng theo quy định.
Như vậy, phản ánh của ông Mừng cho rằng trung tâm ngăn cản vợ con ông về thăm chồng, cha và “mai mối” cho bà P lấy người nước ngoài là không đúng sự thật. Vụ việc này cũng cảnh báo về tình trạng bạo hành gia đình phải được giải quyết rốt ráo. Người bị bạo hành (thường là phụ nữ) không nên giấu giếm, cần lên tiếng để các tổ chức và cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc ngăn chặn, tránh những hệ lụy đau lòng.