Kiện một đằng, xử một nẻo
Như Báo Thừa Thiên Huế (số 4838 ra ngày 23/6/2010) phản ánh, diện tích đất tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn, nguồn gốc là của ông Nguyễn Tiến (được cấp trích lục địa bộ năm 1936 với ký hiệu A98, diện tích 4 sào 8 thước 4 tấc) và ông này bán đoạn mãi cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Trác - bà Nguyễn Thị Thường vào ngày 11/11/1957. Bảy năm sau, vợ chồng ông, bà này bán lại cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Vận (bà Nguyễn Thị Thảo nay đã qua đời) và kể từ đó, gia đình làm nhà ở và ổn định cuộc sống đến nay.
Theo lời khai của ông Nguyễn Văn Vận, thửa đất nói trên có diện tích 2.628m2. Năm 1989, thấy hoàn cảnh bà Nguyễn Thị Tuần (cháu bên vợ) quá khó khăn, gia đình ông cho bà Tuần làm nhà tạm để ở trong góc vườn. Sáu năm sau, khi bà này chuyển đi ở nơi khác, ông Nguyễn Văn Trang đến xin cho vợ chồng con gái là Nguyễn Ngọc Đạo (anh em với bà Nguyễn Thị Tuần) - Nguyễn Thị Mỹ Hòaở nhờ. Năm 2006, UBND huyện Phú Lộc cấp giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ cho bà Nguyễn Thị Thảo với diện tích 2.389m2 và cấp GCN QSDĐ cho ông, bà Nguyễn Ngọc Đạo 760m2 trên diện tích đất của vợ chồng ông cho ở nhờ. Còn theo lời khai của các bị đơn, họ đến ở trên đất tranh chấp, do năm 1989, ông Nguyễn Văn Trang mua của ông Lê Đình Tứ Hải và sau đó cho họ để làm nhà ở. Việc UBND huyện cấp GCN QSDĐ cho họ có chữ ký xác nhận của bà Nguyễn Thị Thảo (chủ sử dụng đất liền kề).
Hiện trạng mặt sau ngôi nhà ông Nguyễn Ngọc Đạo. Ảnh: TL
Lúc việc tranh chấp đất ở xảy ra, gia đình ông Nguyễn Văn Vận ra sức ngăn cản và nhiều lần kêu cứu chính quyền địa phương, nhưng bất thành. Ngày 20/10/2007, vợ chồng ông khởi kiện yêu cầu TAND huyện, buộc các bị đơn tháo dỡ nhà trả lại diện tích đất chiếm đoạt, nhưng phải gần ba năm sau, vụ án mới được TAND huyện đưa ra xét xử. Tuy nhiên, với kết quả của phiên tòa này, ông Nguyễn Văn Vận quá thất vọng, đã kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm 09/2010/DS-ST ngày 26/8/2010 của TAND huyện. Trước hết, ông đề nghị tòa án cấp phúc thẩm giải quyết dứt điểm việc trưng cầu giám định chữ viết và chữ ký của bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa tại đơn xin cấp GCN QSDĐ của ông Nguyễn Ngọc Đạo và biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất ngày 15/2/2006. Theo ông, TAND huyện không thể nghe lời tự nhận của bà này để cho rằng: Đó là chữ ký của đương sự khi chưa được giám định, vì không có căn cứ pháp luật. Sau nữa, việc nguyên đơn đòi lại đất cho ở nhờ và quá trình hòa giải, một số bị đơn cũng thừa nhận đất đang tranh chấp là của nguyên đơn, nên đủ cơ sở để kết luận: Thửa đất của vợ chồng ông Nguyễn Văn Vận cho bà Nguyễn Thị Tuần và vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đạo ở nhờ là có thật. Song, bản án sơ thẩm lại không xem xét nguồn gốc đất của ông Nguyễn Ngọc Đạo đang sử dụng do đâu mà có. Trong khi, tất cả những giấy tờ do bị đơn nộp, TAND huyện đều không công nhận hợp pháp.
Xét xử chưa đủ cơ sở pháp lý
Theo Quyết định 1031/QĐ/KNPT-VKS-P5 ngày 6/10/2010 của Viện trưởng Viện KSND tỉnh kháng nghị bản án nói trên, về thủ tục tố tụng, từ đơn khởi kiện và lời khai của ông Nguyễn Văn Vận cho thấy: Ông Nguyễn Văn Trang xin ông này cho vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đạo ở nhờ. Còn lời khai các bị đơn thể hiện việc ông Nguyễn Văn Trang mua mảnh đất có tranh chấp của ông Lê Đình Tứ Hải và cho vợ chồng con gái quyền sử dụng mảnh đất này, nên trong đơn khởi kiện, nguyên đơn đưa ông Nguyễn Văn Trang vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là có căn cứ. Do đó, TAND huyện không đưa ông này vào tham gia tố tụng là vi phạm khoản 4, điều 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Tại biên bản phiên tòa sơ thẩm cũng cho hay: Lời khai của các ông Nguyễn Văn Trang, Nguyễn Ngọc Đạo và Nguyễn Văn Duy Nhiên (em vợ ông Nguyễn Ngọc Đạo) mâu thuẫn với lời khai như đã nêu trên, nhưng TAND huyện không công bố lời khai có mâu thuẫn trước đó là vi phạm điểm b, khoản 1, điều 227 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Cũng theo quyết định kháng nghị nói trên, về nội dung, hiện trạng thửa đất A98 đo đạc thực tế theo trích lục địa bộ mà ông Nguyễn Văn Vận yêu cầu xem xét có diện tích 2.279m2. Còn hiện trạng thửa đất của vợ chồng ông này được UBND huyện cấp GCN QSDĐ với diện tích 2.398m2 có ghi: “Diện tích thửa đất chưa đo đạc chính xác”. Ngược lại, qua đo đạc thực tế theo biên bản xem xét tại chỗ, diện tích là 2.227m2.
Thửa đất của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đạo được UBND huyện cấp GCN QSDĐ với diện tích 760m2 có ghi: “Diện tích thửa đất chưa đo đạc chính xác”. Tuy nhiên, tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 30/11/2007 lại xác định diện tích đất tranh chấp đứng tên vợ chồng ông này chỉ hơn 718m2 và theo biên bản xem xét, đo đạc, xác định giá trị tài sản đối với thửa đất vào ngày 18/5/2010, diện tích 760m2; nhưng ở bản vẽ hiện trạng thửa đất ghi: “Số thửa, diện tích ghi chép lại theo GCN đã cấp số H.3114 QDD/310/QĐ-UB ngày 28/2/2006”.
Mặt khác, trong đơn xin cấp GCN QSDĐ, ở mục nguồn gốc sử dụng đất của hộ bà Nguyễn Thị Thảo ghi: “Ổn định năm 1978”, còn hộ ông Nguyễn Ngọc Đạo ghi: “Ổn định năm 1990” và theo danh sách hộ gia đình, cá nhân được cấp GCN QSDĐ kèm theo Quyết định 310/QĐ-UB ngày 28/2/2006 của UBND huyện, ở mục giấy tờ gốc của cả hai hộ đều ghi: “Không có”. Trong thực tế, vợ chồng ông Nguyễn Văn Vận mua của vợ chồng ông Nguyễn Văn Trác như đã nêu trên. Do đó, quyết định kháng nghị cho rằng: Cần phải xem xét việc kê khai cấp GCN QSDĐ của các hộ nói trên cũng như sự thay đổi về diện tích, tứ cận của thửa đất A98 và hiện trạng thửa đất tranh chấp. Bởi lẽ, TAND huyện chưa làm rõ các vấn đề nêu trên mà xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Nguyễn Văn Vận là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Vĩnh Cự