Người hành nghề chở hàng thường độ lại những chiếc xe rất cũ nát, nhưng vẫn lưu thông trên đường, rất nguy hiểm
Xe ba gác, xe ba bánh, xe tự chế hay còn gọi là xe thô sơ có cấu trúc đơn giản, tiêu chuẩn kỹ thuật không đảm bảo; kích cỡ nhỏ dễ “len lỏi” vào các ngóc ngách, vận chuyển được những chuyến hàng vừa phải với giá vận chuyển thấp hơn nhiều so với ô tô nên được nhiều cơ sở kinh doanh chọn làm phương tiện chuyên chở hàng hóa.
Hầu hết các loại xe này được người dân độ, chế lại bằng những chiếc xe cũ nát, chở các mặt hàng như: tôn, xà gồ, sắt thép… có chiều dài vượt quá quy định.
Những ngày qua, chúng tôi gặp rất nhiều xe thô sơ tự chế chở vật liệu xây dựng cồng kềnh trên đường phố và các con ngõ, hẻm. Nhiều xe chở tôn, sắt thép, xà gồ dài lên đến chục mét, rất nguy hiểm cho người điều khiển và những người tham gia giao thông.
Trước đây, tại TP. Huế cũng đã từng xảy ra việc, người chở tôn cồng kềnh chạy trên đường, khi phanh gấp bị tôn dồn ứ, cắt mạnh vào người tham gia giao thông khác dẫn đến tử vong.
“Biết vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng trước sức ép tiền bạc, trước nhu cầu chở nguyên vật liệu của người dân, nên chúng tôi đành liều”, ông Nguyễn Văn A, trú tại phường Vỹ Dạ (TP. Huế) tâm sự.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, giảm thiểu các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, Công an TP. Huế đã và đang tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý người điều khiển xe tự chế, xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh.
Ngoài tăng cường tuần tra, xử phạt, Đội CSGT – Trật tự Công an TP. Huế phối hợp công an 36 phường, xã trên địa bàn tổ chức rà soát, yêu cầu các chủ xe tự chế phải tháo dỡ, cam đoan, cam kết không chở hàng hóa cồng kềnh, quá tải. Đồng thời, vận động các chủ cửa hàng kinh doanh cam kết sử dụng xe vận tải chuyển hàng hóa an toàn, kiên quyết xử phạt nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm…; qua đó, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
“Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an TP. Huế đã lập biên bản vi phạm hành chính 530 trường hợp, tạm giữ 112 phương tiện xe tự chế, xe 3 bánh chở hàng cồng kềnh. Tuyên truyền là giải pháp, nhưng làm sao để cho người dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm khi sử dụng phương tiện xe ba bánh, xe thô sơ, xe tự chế không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; chở hàng hóa cồng kềnh, quá tải cũng là vấn đề đặt ra. Tạo cơ chế, hỗ trợ vay vốn, chuyển đổi công ăn việc làm phù hợp cho nhóm đối tượng này cũng là điều cần thiết”, Đại úy Lê Tự Hiếu, Đội phó Đội CSGT – Trật tự Công an TP. Huế đề xuất.
Theo Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ, đối với người điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác mang hàng hóa cồng kềnh vi phạm vào điểm k, khoản 3, Điều 6 sẽ bị xử phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng. Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe vi phạm vào điểm c, khoản 5, Điều 3 sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện.
Bài, ảnh: Phong Quang