ClockThứ Hai, 10/08/2015 14:48

Bất cập trong dạy nghề cho lao động miền núi

TTH - Từng bước nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi, tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề huyện Nam Đông để đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Mở lớp may lưu động tại xã Thượng Nhật

 

Vắng học viên

Chúng tôi đến Trung tâm Dạy nghề Nam Đông vào một ngày trung tuần tháng 6, không có học viên nào học nghề tại đây mà chỉ có vài cán bộ. Danh sách đào tạo nghề của trung tâm treo ở bức tường chỉ lèo tèo vài học viên học nghề may. Cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ nhưng không có học viên.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề huyện Nam Đông cho biết: “Mặc dù, thời gian qua trung tâm nỗ lực kêu gọi, vận động bà con học nghề nhưng kết quả thấp. Học xong, muốn có việc làm các học viên phải đi làm xa, nhưng phần lớn bà con đều có gia đình nên họ không mặn mà để học. Trước đây, có một công ty may công nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện khoảng 2 năm, tạo công ăn việc làm cho khá nhiều người dân ở địa phương. Do vận chuyển hàng đường xa, kinh doanh không lãi, công ty đã chuyển về vùng đồng bằng, bà con được đào tạo nghề quay lại sản xuất nông nghiệp”.
Với kinh phí hơn 7 tỷ đồng, Trung tâm Dạy nghề huyện Nam Đông được đầu tư xây dựng từ năm 2012. Đến nay, trung tâm hoạt động không hiệu quả, mỗi năm chỉ tổ chức vỏn vẹn 1 đến 2 lớp dạy nghề may là chính. Trang thiết bị đào tạo tại trung tâm cũng dần xuống cấp theo thời gian, rất lãng phí nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước. Để phát huy hiệu quả công tác dạy nghề cho đồng bào, cán bộ trung tâm phải trực tiếp xuống tận cơ sở để mở lớp dạy nghề lưu động tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Thượng Nhật. Học viên Trần Thị Hành ở xã Thượng Nhật cho biết: “Cán bộ về vận động mãi em mới đi học nghề may, học nghề xong phải về dưới phố mới có việc. Chúng em không bỏ chồng, bỏ con để đi được”.
Chị Nguyễn Thị Hoàng, giáo viên Trung tâm Dạy nghề Nam Đông cho biết: “Trên thực tế, khó khăn lớn nhất của Trung tâm Dạy nghề huyện Nam Đông là tuyển sinh. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung tâm chỉ mới đào tạo được khoảng hơn 200 học viên, chủ yếu là nghề may”.
Nhiều bất cập
Theo lãnh đạo trung tâm đào tạo nghề, đa số đồng bào thiểu số còn mơ hồ về ngành nghề và không biết lựa chọn ngành nào cho phù hợp, bên cạnh đó, nhiều đồng bào cho rằng có học nghề xong cũng sẽ không có việc làm, nên rất khó vận động đồng bào tham gia học nghề. Đào tạo nghề đã khó nhưng để học viên sống được với nghề còn khó hơn gấp bội.
Cơ cấu dạy nghề cho lao động nông thôn ở các ngành nghề, lĩnh vực ở địa phương chưa thực sự phù hợp, trình độ lao động đã qua đào tạo còn hạn chế, năng suất lao động thấp chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Một số học viên không chịu phát huy nghề đã học, đi học cho có lệ để nhận hỗ trợ chứ chưa thật sự chú tâm vào nghề, thời gian đào tạo nghề quá ngắn nên tay nghề của người lao động chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khiến người học phải tự tìm kiếm việc làm sau khi được đào tạo… Đây là nguyên nhân dẫn đến việc phát triển nghề rất khó khăn.
Để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt bà con em dân tộc thiểu số đạt kết quả cao; trước hết cần thực hiện xã hội hoá việc tổ chức dạy nghề; có chế độ khuyến khích để thu hút giáo viên dạy nghề về các trung tâm ở miền núi, xây dựng cơ cấu nghề trên nền quy hoạch vùng sản xuất để sau khi học xong, người học kiếm được việc làm ngay; đa dạng các loại hình đào tạo đồng thời có chế độ khuyến khích người học trong giai đoạn đầu để tạo thói quen muốn tiếp cận cái mới, xoá bỏ tâm lý ỷ lại.
Bài, ảnh: Thanh Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã Hương Trà, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ tổ chức trực bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tại đỉnh núi Hòn Vượn từ ngày 26/4 - 1/5.

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ
Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top