ClockThứ Hai, 03/04/2017 05:56

Cần cẩn trọng trong việc trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ

TTH - Trước phản ứng của dư luận về dòng chú thích “Nữ thần sự thật và công lý” cho bức tranh thêu Nam Phương Hoàng hậu treo tại không gian Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ (số 1 Phạm Hồng Thái, TP. Huế), đơn vị này đã cho tháo dỡ.

 Bức tranh thêu chân dung Nam Phương hoàng hậu sau khi được tháo chú thích “Nữ thần sự thật và công lý”

Đại diện Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ cho rằng, bảo tàng đang trong thời gian thi công, thử nghiệm nên sẽ còn thay đổi nhiều và ghi nhận ý kiến đóng góp từ nhiều phía.

Phong thần cho… hoàng hậu

Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ là bảo tàng ngoài công lập được UBND tỉnh cho phép thành lập, hoạt động tại địa chỉ số 1 Phạm Hồng Thái, TP. Huế với mục tiêu hướng đến xây dựng trục không gian văn hóa dọc tuyến đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân. Hơn một tháng qua, trong quá trình hoàn thiện, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ cũng đã mở cửa tham quan. Tại một góc trưng bày, người xem bất ngờ khi xuất hiện dòng chữ “Nữ thần sự thật và công lý” để chú thích cho bức tranh thêu Nam Phương Hoàng hậu. Bên cạnh đó một khung giấy A4 giải thích về tên gọi này bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cho rằng Nam Phương Hoàng hậu là nữ thần bảo trợ cho nghề thêu.

Về việc này, T.S Trần Đình Hằng, Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế bày tỏ: “Dù là của tư nhân nhưng bảo tàng là địa chỉ thuộc về cộng đồng, nên việc tôn vinh hay hiển linh một nhân vật lịch sử cần thái độ nghiêm túc, cẩn trọng”.

Giải thích cách ghi chú cho bức tranh thêu Hoàng hậu Nam Phương, ông Võ Văn Quân (người sáng lập Công ty XQ Việt Nam, đơn vị đầu tư Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ) cho rằng, đó là một cách để tôn vinh tầm vóc, đạo đức của Nam Phương Hoàng hậu. Theo lý giải của ông Quân, Nam Phương Hoàng hậu là người có công lao to lớn khi viết thư gửi cho bạn bè ở Á châu bênh vực cho tự do của người dân vào thời điểm tháng 3/1945 khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lăng. Và ông cho rằng, lá thư đó vẫn mang tính thời sự nên dựa vào đó để nâng ý nghĩa, tầm vóc quá khứ.

Về việc đặt tên tranh có được tham khảo nguồn tài liệu nào không, ông Quân trả lời: “Khi đặt tên như vậy tôi không tham khảo nguồn nào, không xin ý kiến từ ai. Bởi vì Nam Phương Hoàng hậu là mẫu nghi thiên hạ, không phải của riêng ai”.

Sau khi nhận được sự phản ứng từ nhiều người, ông Quân đã cho tháo dỡ ghi chú “Nữ thần sự thật và công lý” xuống, riêng khung giấy A4 giải thích về cách đặt ghi chú vẫn còn để nguyên. “Hiện bảo tàng vẫn trong thời gian thử nghiệm chứ không phải khai trương chính thức. Sẽ còn thay đổi rất nhiều. Tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến dư luận để thay đổi tích cực”, ông Quân nói.

Sẽ được thẩm định trước khi đi vào hoạt động

Cuối năm 2016, Hội đồng thẩm định do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh chủ trì thông qua đề án thành lập Bảo tàng Nghề thêu tại Huế,  sau đó đổi tên thành Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ và giao cho Công ty XQ Việt Nam xây dựng phương án, triển khai thực hiện tại số 1 Phạm Hồng Thái, TP.Huế với diện tích hơn 900m2.

Đến thời điểm này, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ đang trong giai đoạn hoàn thành, bên trong trưng bày các sản phẩm của XQ. Không gian bên ngoài sân vườn có nhiều cụm trưng bày kèm theo ngôn ngữ khó hiểu như hồ Trở Dạ, đền Hơi Thở tổ tiên bên dòng sông Hương, vọng Giác Sào…

Theo ông Quân, khi đi vào hoạt động, bảo tàng sẽ trưng bày bốn loại nghệ thuật thêu gồm: thêu tranh hai mặt, thêu chân dung, thêu tranh phong cảnh và điêu khắc bằng chỉ. Nói về cách đặt tên cho các không gian với những ngôn ngữ khó hiểu, ông Quân cho rằng, ngôn ngữ không phải của riêng ai, và đó là một phong cách ngôn ngữ lãng mạn, quý phái...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh cho hay, lâu nay, đơn vị XQ thường sử dụng chữ nghĩa một cách khó hiểu và điều này, cơ quan quản lý cần có ý kiến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cho rằng, thời điểm này Bảo tàng Nghề thêu XQ đang trong giai đoạn hoàn thiện các nội dung và chưa được cấp phép hoạt động. Ông Dũng cho biết, đã xem qua cách dùng ngôn từ để đặt tên cho một số không gian trưng bày bên trong bảo tàng và được biết đơn vị này đem ý tưởng, nội dung từ Đà Lạt ra để thiết kế nên chưa chỉnh lý lại. “Tôi đã góp ý với đơn vị cần xem xét lại sao cho phù hợp, đảm bảo phục vụ cho công chúng, chứ đừng đem cách nghĩ riêng của mình để  thể hiện như vậy là không được. Hiện tại họ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chừng nào xong sẽ có hội đồng thẩm định trước khi đi vào hoạt động chính thức”, ông Dũng lưu ý.

Xung quanh tên gọi bảo tàng, theo ông Dũng, ban đầu Công ty XQ Việt Nam muốn đặt tên Bảo tàng Nghề thêu tại Huế, nhưng nếu như vậy phải có nhiều tác phẩm của các nghệ nhân khác. Bên cạnh đó, phải có một lịch sử cần được xem xét cẩn trọng trong vấn đề trưng bày. Còn với tên gọi Bảo tàng Nghề thêu XQ là riêng của tư nhân. XQ là thương hiệu của đơn vị.

NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trưng bày chuyên đề về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Chiều 22/3, tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đóng tại TX. Hương Thủy) đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam”.

Trưng bày chuyên đề về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật

Bên cạnh lối trưng bày truyền thống, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần hướng đến kết hợp công nghệ số để thu hút, hấp dẫn, tăng cường khả năng trải nghiệm cho người xem. Công nghệ số cũng cần tập trung đến việc số hóa dữ liệu trưng bày để phục vụ, khai thác các giải pháp thông minh.

Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật
"Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại”

Hướng tới ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp khai mạc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại” vào ngày 17/11 tại Toà nhà triển lãm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội.

Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top