ClockThứ Năm, 15/01/2015 15:02

Cảnh giác với “đạo chích” khi đi chợ Tết

TTH - Càng gần Tết Nguyên đán, lượng người đến các chợ mua sắm càng tăng. Đây cũng là cơ hội để bọn trộm cắp, móc túi hoạt động.

Cảnh mua bán trước chợ Tây Lộc

Sơ hở là bị “cuỗm”

Ngày 9-1, khi đi chợ Bến Ngự (phường Vĩnh Ninh), tôi chứng kiến cảnh chị Đ khóc sưng cả mắt vì mới phát hiện bị đạo chích móc túi lấy hơn 4 triệu đồng. Chị kể, sáng sớm bỏ tiền vào túi xách đến chợ đầu mối phường Phú Hậu để lấy hàng rau quả. Thanh toán xong, số tiền trong túi còn hơn 4 triệu đồng. Vậy nhưng, trong lúc loay hoay để gom hàng chở về chợ Bến Ngự thì bị lấy mất. Một ngày tất tưởi bán ở chợ lời lãi có được bao nhiêu, vậy mà sơ suất, mất cảnh giác một chút, một khoản tiền không nhỏ đã bị mất.
Trò chuyện với một tiểu thương bán hàng tạp hóa ở chợ Bến Ngự, chị kể, cách đây không lâu, khách hàng của chị bị một người đàn ông móc túi lấy đi một khoản tiền. Người đàn ông đó giả vờ đến hỏi mua đủ mặt hàng, rồi bất ngờ bỏ đi. Mua hàng xong, người phụ nữ lấy tiền trả thì mới hay số tiền trong túi đã “không cánh mà bay”. Một lần khác, một cô gái trẻ đến quầy chị mua hàng thì bị một người đàn ông giẫm vào chân. Sau những phút giây loay hoay vì đau đớn, chị phát hiện chiếc điện thoại trị giá hơn 2 triệu đồng của mình đã biến mất.
Tình hình trộm cắp, móc túi và các hành vi lừa đảo khác ở các chợ trên địa bàn TP Huế so với trước đây giảm nhiều nhưng vẫn còn những lo ngại. Năm 2014, các chợ như Bến Ngự, Tây Lộc xảy ra từ 4 - 6 vụ mất cắp, móc túi, lừa đảo. Riêng chợ Đông Ba là 20 vụ lớn, nhỏ, trong đó có vụ móc túi lấy điện thoại di động trị giá trên 10 triệu đồng đã bị lực lượng bảo vệ chợ bắt giữ. Thực tế, số trường hợp bị bọn đạo chích móc túi nhiều hơn vì có những người bị mất cắp nhưng không báo. Mánh khóe mà bọn tội phạm thường ra tay là lợi dụng thời điểm đông người, trà trộn vào người đi chợ, giả vờ chen lấn, xô đẩy để rạch, móc túi. Một số vụ việc hoạt động đơn lẻ, nhưng phần lớn các vụ hoạt động có tổ chức, gồm khoảng 3 - 4 người và có “kịch bản” sẵn. Ông Lê Sau, Trưởng ban Quản lý (BQL) chợ Bến Ngự thông tin: “Lợi dụng lúc đông người, đối tượng đi trước móc túi rồi chuyền cho đối tượng đứng sau. Nếu không may bị phát hiện và rượt đuổi, chúng đã bố trí sẵn người đứng trước chợ chở bằng xe máy tẩu thoát”. Còn tại chợ Tây Lộc, đã xảy ra vụ việc đối tượng lợi dụng lúc đông người bấm bông tai bằng vàng của một người đi chợ. Thực hiện xong, thủ phạm đó vẫn thản nhiên bước đi, còn đối tượng khác đi theo sau nhặt đồ nữ trang của nạn nhân.
Không chỉ người đi chợ, hàng hóa, túi tiền của các tiểu thương cũng là mục tiêu đạo chích nhắm đến. Mánh khóe phổ biến của chúng là giả vờ làm khách hàng đến lựa chọn mua nhiều món đồ. Trong lúc tiểu thương không để ý, lúi cúi tìm hàng theo yêu cầu thì ra tay hoạt động. Thậm chí, tại chợ Đông Ba, có trường hợp từng “nẫng” túi đựng tiền trên 5 triệu đồng của một tiểu thương rồi bỏ chạy nhưng đã bị bắt...
Tăng cường cảnh giác
 So với những ngày thường, càng gần đến Tết Nguyên đán, lượng người đến chợ mua sắm tăng gấp nhiều lần. Chỉ riêng chợ Đông Ba, trung bình có từ 5.000 đến 10.000 lượt người đến tham quan, mua sắm mỗi ngày, nhưng vào những ngày cận Tết số khách tăng gấp 2-3 lần. Vào thời điểm này, bọn đạo chích ở các chợ còn ra tay “nẫng” luôn giỏ, túi đựng thức ăn, hàng hóa giá trị cả triệu đồng của các bà đi chợ.
Điều đáng mừng là hệ thống loa truyền thanh một số chợ luôn phát thông báo đến tiểu thương và người đi chợ nêu cao tinh thần cảnh giác với nạn trộm cắp, móc túi, bấm dây chuyền... Ở chợ Đông Ba, Tây Lộc... lực lượng làm công tác bảo vệ trật tự có mặt ở nhiều khu vực đông người để theo dõi, xử lý nếu xảy ra chuyện không hay. Nhiều chợ đã lên kế hoạch phối hợp với lực lượng công an nhằm đảm bảo tình hình trật tự trị an, phòng cháy, chữa cháy. Tại chợ Đông Ba, bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Trưởng BQL chợ cho biết: “Vấn đề an ninh và phòng cháy, chữa cháy thời điểm này được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, BQL chợ luôn phối hợp chặt chẽ với Công an phường Phú Hòa, Công an TP Huế và Phòng PC 66 thuộc Công an tỉnh để thực hiện. Lực lượng bảo vệ và làm trật tự gồm 50 người được chia ra và chốt chặn ở 4 khu vực cả ngày lẫn đêm”. Đối với chợ Bến Ngự, ngoài đội trật tự 4 người, chợ có thêm Đội tự quản gồm 15 người hành nghề xích lô, xe thồ. Nhưng người này có mặt hàng ngày ở chợ, đứng ở các góc chợ quan sát, nên dễ dàng phát hiện được những người đến chợ “có vấn đề”. Song có lúc BQL chợ phải nhờ cả đến người ngoài theo dõi thêm vì có tội phạm đã “thuộc mặt” những người trong chợ đang theo dõi chúng...
Tuy nhiên hơn ai hết, các tiểu thương và những người đi chợ phải nêu cao tinh thần cảnh giác bằng việc bảo quản tài sản của mình, đừng tạo cơ hội để “đạo chích”... dòm ngó.

  

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Trưởng Công an TP Huế:
“Tuyên truyền phương thức, thủ đoạn các tội phạm để người dân phòng chống”
Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tăng cao kéo theo dòng người đổ về các chợ, trung tâm thương mại rất lớn. Do đó, Công an TP Huế chủ động triển khai các kế hoạch, phương án tấn công, trấn áp các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật, không để tội phạm hoạt động công khai. Tổ chức rà soát, lên danh sách đối tượng tại chỗ có nghi vấn trộm cắp, móc túi để đấu tranh. Đồng thời, tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân phòng chống. Tổng kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để xảy ra cháy, nổ nghiêm trọng.
Công an TP Huế cũng sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm;.chỉ đạo công an các địa phương, đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, lên danh sách số đối tượng, đường dây, địa bàn trọng điểm liên quan đến sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại để tổ chức đấu tranh, triệt phá; trong đó tập trung vào các đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, đơn vị phân phối hàng hóa, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, lực lượng công an còn thường xuyên phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng, nhóm hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến sức khỏe trong dịp Tết để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót, từ đó đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp chỉ đạo khắc phục cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới đông đảo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước hàng giả, hàng kém chất lượng, yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh ký cam kết không sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thái Bình

 

 

 

Bài, ảnh: BÍCH THÙY
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn

Công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và nhân rộng mô hình chuyển hóa tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Huế đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn
Nghỉ lễ dài ngày, người dân cần lưu ý 5 vấn đề khi vắng nhà

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người dân, hộ gia đình sẽ có những dự định đi chơi xa, về quê thăm người thân... Để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng người dân vắng nhà dài ngày để trộm cắp tài sản hay những bất trắc có thể xảy ra, ngày 24/4, Công an tỉnh đã gửi thông tin cảnh báo, yêu cầu mọi người dân trên địa bàn tỉnh cần đặc biệt lưu ý.

Nghỉ lễ dài ngày, người dân cần lưu ý 5 vấn đề khi vắng nhà
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Return to top