ClockThứ Ba, 28/01/2020 06:53

Cây long não số19

TTH - “Cây long não số 19” là bí danh về một địa điểm tụ hội của anh em văn nghệ sĩ, báo chí ở Huế. Sau này, địa điểm này còn là nơi gặp gỡ của nhiều anh em bạn bè từ nơi xa về Huế.

Lá phổi xanh giữa lòng thành phốLong não trên đường Lê Lợi chết bất thường?Thông Thiên An

Dưới màu xanh yên bình

Cây long não đó đứng trên vỉa hè đường Trương Định, được gắn biển số như rất nhiều cây xanh khác ở Huế: Biển số 19. Số lẻ được mặc định cho hàng cây nằm bên tay trái. Cây số 19 nghĩa là cây thứ 10 tính từ đầu đường Trương Định (phía giao nhau đường Hà Nội) tính vào.

Ở đầu đường Trương Định bên phía hàng cây số chẵn còn có cây long não số 2, nơi “đóng đô” của cà phê “Khẩu”. Cái tên nghe ngồ ngộ và dân dã, nơi giao lưu tâm tình, chia sẻ nỗi niềm sau mỗi bài viết, sáng tác của giới văn nghệ sĩ Huế mỗi sáng sớm.

“Dưới tán cây long não 1 và 2” là nhan đề của hai tập thơ đã được xuất bản cách đây vài năm, lấy cảm hứng từ những cuộc tranh luận văn nghệ triền miên suốt mùa nắng hay trầm ngâm chiêm nghiệm dằng dặc suốt mùa mưa. Những cây bút Cố đô tên tuổi hay chập chững viết lách đều mạnh dạn góp bài trong hai tập thơ “Dưới tán cây long não” (Nhà xuất bản Thuận Hóa).

Ngồi dưới tán lá cây long não số 19 không thể thiếu món bia lạnh. Một chai bia lạnh đúng nghĩa phải là loại bia đã được ủ ở nhiệt độ 8-10 độ C trong ít nhất hai tiếng đồng hồ. Khoảng thời gian và mức nhiệt đó đủ để bia có độ ngọt thơm và làm dịu độ cồn. Người uống được uống một “chai bia lạnh ngon”. Uống chầm chậm, thưởng thức. Uống xong một chai rồi đứng dậy đi là người uống bia đã đạt tầm “giác ngộ”.

Trong khi thưởng thức chai bia lạnh, người uống bia ngước mắt lên, chạm ánh nhìn vào tán lá xanh của “cây long não số 19”. Cái cây có thân gỗ xù xì, hơi choắt lại so với những cây khác gần đó, nhưng lá nó lại xanh mềm mại. Như thể anh nhạc công trông thô kệch đó lại có đôi bàn tay với ngón dài, mềm mại lướt trên sáu dây guitar nghe là mê.

Cây long não số 19 cũng vậy. Giới văn nghệ sĩ Huế thường chọn khoảng không gian này để vãn hồi sự tĩnh tâm hoặc nuôi dưỡng những rung động mới. Cây long não số 19 chỉ có thể làm cho người làm công việc sáng tạo giàu thêm không gian an trú mà thôi!

Đi trong công viên Tứ Tượng bên sông Hương một ngày nắng, người Huế bất chợt liên tưởng những câu nhạc Trịnh: “Màu nắng hay là màu mắt em … Lùa nắng cho buồn vào mắt em… Bàn tay xanh xao đón ưu phiền” (“Nắng thủy tinh”). Công viên Tứ Tượng bên chân cầu Trường Tiền này có một quần thể cây long não cổ thụ tuyệt vời. Hàng chục cây long não có thân to hơn một vòng tay người ôm, chiều cao đến hai chục mét, được bố trí đều đặn trong công viên có diện tích không quá lớn nhưng tạo cảm giác rộng rãi vì không gian được phủ bởi một màu xanh thanh tao. Chiếc ghế đá dưới một cây long não nằm ở phía trong cùng sát đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đã ghi lại biết bao kỷ niệm thời chúng tôi học đại học ở Huế.

Thuở sinh viên nghèo chỉ biết lấy ghế đá và bóng cây long não làm niềm vui. Thời đó, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu chưa được quy hoạch đẹp như bây giờ. Đoạn gần bờ sông có một dải đất mềm hoang sơ. Cỏ ở đó gần như không mọc nổi vì chúng tôi thường xuyên đến ngồi để hát gần như không ngơi nghỉ những bài của John Lennon.

Những kỳ thi nặng nề, những gánh nặng cơm áo mẹ cha đang oằn vai cho mình đi học, những giọt nước mắt chia tay người yêu chỉ vì “nhà anh nghèo quá” …”Cứ mặc kệ đi” không phải là lối sống thờ ơ của lứa tuổi đôi mươi thời chúng tôi mà chính là sự sẻ chia, sự làm giảm nhẹ, đơn giản hóa vấn đề bằng việc mượn những ca từ bay bổng của The Beatles mà chúng tôi cuồng mê thời đó. 

Gần 20 năm sau, trong một lần chạy bộ qua con phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu mới hoàn thành, khi ngồi xuống chiếc ghế đá kỷ niệm xưa, đập ngay vào mắt tôi cái bảng tên “long não 19”. Sao lại trùng lặp đến vậy? Cây “long não an ủi” ngày nào vẫn vững vàng qua bao cơn phong ba, vẫn như đang đợi chờ thế hệ chúng tôi quay về lứa tuổi 19. Để duỗi chân và nằm dài nhìn lên vòm xanh cây long não.

Ôi cây long não số 19! Cần phải xếp khái niệm “cây long não số 19” vào thể “danh từ giống cái” để ứng vào nó là phận số của một người mẹ bền bỉ nuôi con, một người yêu đắm say thời hoa niên hay có khi là một người tình an ủi tuổi xế chiều…

Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm đã từng viết rất nhiều bài báo về hệ thống cây xanh xứ Huế. Tôi còn nhớ rất rõ một ý mà nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm đã từng mong muốn về đặc điểm khác biệt của một Huế đang cựa mình nhưng không thể thiếu “màu xanh”. “Tôi mơ ước khi thiết kế trồng cây xanh cho các khu đô thị mới, đặc biệt là các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, bệnh viện, trạm xá… không nên bỏ qua cây long não”.

Huế đang lưu giữ trong mình cái màu xanh ngút ngàn, ngập tràn nơi từng góc phố, công viên. Thế hệ đã từng hát “Let it be” hơn 20 năm trước đến bây giờ cũng mang cùng nỗi khát khao như nhà giáo Đỗ Xuân Cẩm về “những con đường, vỉa hè, công viên rợp xanh cây long não”. Không phải những cây long não bình thường mà là những “cây long não số 19” có hẳn một đời sống tâm hồn phong phú. Những cây long não có “số phận như phận người” như quan niệm truyền thống của người dân xứ Huế - “cây cũng là người”.

Bài: Bùi Xuân Hòa

Ảnh: Đăng Tuyên

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây long não cổ thụ kêu cứu

Như nhiều người đã biết, cây xanh cũng như mọi sinh vật khác, tuỳ từng loài mà có tuổi thọ khác nhau. Chính tuổi thọ đã quyết định sự tồn tại và kích cỡ của cây. Khi cây bước vào tuổi già nua thì sức sống giảm, nguy cơ gãy đổ cao là điều tất yếu, là lẽ tự nhiên thường tình.

Cây long não cổ thụ kêu cứu
Return to top