ClockChủ Nhật, 02/08/2020 18:21

Cây long não cổ thụ kêu cứu

TTH - Như nhiều người đã biết, cây xanh cũng như mọi sinh vật khác, tuỳ từng loài mà có tuổi thọ khác nhau. Chính tuổi thọ đã quyết định sự tồn tại và kích cỡ của cây. Khi cây bước vào tuổi già nua thì sức sống giảm, nguy cơ gãy đổ cao là điều tất yếu, là lẽ tự nhiên thường tình.

Cây long não số19Lá phổi xanh giữa lòng thành phốLong não trên đường Lê Lợi chết bất thường?

Các ổ mối phá hoại cây long não cổ thụ 

Điều đáng quan tâm là nhiều trường hợp cây đang còn sung sức chưa đến độ phải chết dần theo tuổi tác nhưng lại bị thiên tai, nhân tai hoặc tác hại của các sinh vật ký sinh, bì sinh, hoại sinh… làm cho cây đối mặt với sự rập rình đổ ngã hay chết đứng.

Nhiều cây long não cổ thụ ở Huế (điển hình là ở đường Lê Lợi) có ngoại hình khá bình thường, cành nhánh sum suê, rợp bóng quanh năm, nhưng đã ít nhiều bị bộng ruột, thối gốc, ngày ngày bị các loài vi sinh vật gặm nhắm âm ỉ hoặc các loài thực vật bì sinh đeo bám cành nhánh huỷ hoại dần sức sống của cây.

Ai quan tâm, rảo bước quan sát sẽ thấy, khá nhiều cây long não này có những hốc sâu do cắt cành để lại, từ đó nước mưa ngấm dần làm cho một phần thân cây mục đảo.

Không dừng lại ở đó, một số kẻ cơ hội bao gồm các vi khuẩn, vi nấm đã thâm nhập, sinh sôi nảy nở, tác động dần làm cho ruột thân cây càng mục đảo thêm và bộng dần. Chính vì thế, chỉ cần một cơn gió xoáy, một cơn lốc thổi qua thì cây sẽ gãy đổ một phần hoặc gãy ngang thân, hoặc tróc gốc gây ra tai nạn cho người đi đường.

Cũng có trường hợp cây không đổ ngã nhưng vài cây đã chết đứng trơ cành, khô cây phải được hạ giải như đã xảy ra cách đây một năm trên vỉa hè đường Lê Lợi, trước Bệnh viện Trung ương Huế. Những cây chết đứng như thế này có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó “mối” là một nguyên nhân đáng sợ.

Chúng tôi vừa phát hiện trên vỉa hè đường Lê Lợi trước Bệnh viện Trung ương Huế, nơi gần tiếp giáp với giao lộ Lê Lợi – Hà Nội có một cây long não cổ thụ đang bị đàn mối hoành hành từ vỏ thân cây đến các hốc do cắt cành để lại.

Suốt mấy ngày nay, hình ảnh ổ mối và đàn mối trên cây long não này cứ ám ảnh tôi khiến tôi không yên tâm và đã quyết định viết bài phản ánh với hy vọng cộng đồng thấy được những nguy cơ luôn rình rập hệ thống cây xanh đô thị. Qua đó cùng nâng cao ý thức để khi phát hiện bất kỳ một hiện tượng bất thường nào trên cây bóng mát vỉa hè hay công viên thì lập tức thông báo qua các kênh thông tin có thể.

Chúng tôi cũng đã gọi điện thoại cảnh báo với đại diện Trung tâm Công viên cây xanh Huế. Nếu không được kịp thời xử lý triệt để, chúng tôi e rằng cây long não cổ thụ này sẽ sụp đổ, chết trong nay mai.

Nhân đây chúng tôi cũng nêu lên một nguyên nhân trước mắt đang tác động tiêu cực vào sự sống của hàng cây long não trên vỉa hè đường Lê Lợi. Đó là sự tái thiết vỉa hè.

Qua quan sát cho thấy, khá nhiều cây long não cổ thụ đã bị xâm hại rễ, các vết cắt, vết xước trên hệ rễ ăn ngang không được xử lý đúng kỹ thuật sẽ là cửa ngõ khiến vi sinh vật và nước bẩn xâm nhập, gây hiện tượng thối rễ, thối gốc khiến nhiều cây phải chịu sự tiềm ẩn nguy cơ trốc gốc, đổ ngã. 

Với bài báo này, tôi hy vọng các ban ngành hữu trách cần sớm can thiệp, đừng để mặc cho những cây long não cổ thụ quý giá của Huế mai một, chết dần. Ngoài việc diệt mối, cần có giải pháp xử lý các bộng thân, bộng cành càng sớm càng tốt để cứu nguy cho hàng cây long não trên vỉa hè đường Lê Lợi và trên một số đường phố khác.

Đồng thời khảo sát, tìm phương án bảo tồn hệ thống cây cổ thụ trên địa bàn thành phố Huế là việc làm thiết thực và cấp bách nhằm góp phần hưởng ứng chủ trương của tỉnh nhà về xây dựng thành phố di sản trực thuộc Trung ương.

Bài, ảnh: Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Rèm xanh” cho căn nhà

Phủ xanh ngôi nhà bằng các loài cây leo là xu hướng được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Như những “tấm rèm xanh” tự nhiên, những dàn cây leo không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ nắng mưa, tạo nên không gian xanh mát, trong lành và dễ chịu giữa chốn đô thị.

“Rèm xanh” cho căn nhà
Cơ hội phía trước

Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở hiện hữu về diện tích tự nhiên, địa giới hành chính và quy mô dân số.

Cơ hội phía trước
Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

Việc cắt tỉa cây, mé cành là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão. Vì vậy, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão
Bảo vệ cây xanh bằng nhiều cách

Cứ mỗi lần nghe tin sắp có bão lớn là nhiều người ăn ngủ không yên. Người ở nhà dưới cấp 4, nhà tạm thì lo nhà sập. Người ở nhà trên cấp 4 một tí thì lo gió làm tốc mái, lo cây đổ đè sập nhà, làm đứt đường dây điện chiếu sáng, đứt dây điện thoại, gây tai nạn chết người. Người ở nhà kiên cố, nhà rường thì lo sạt mái ngói. Người có xe ô tô đậu ngoài đường thì lo cây đổ đè hư hỏng.

Bảo vệ cây xanh bằng nhiều cách

TIN MỚI

Return to top