Thể thao trong nước

Chạnh lòng cờ vua xứ Huế

ClockThứ Bảy, 27/05/2017 05:51
TTH - Khoảng 5 năm trở lại, Huế đã đánh mất vai trò “ngự trị” trên đỉnh vinh quang môn thể thao trí tuệ. Mỗi lần đến giải vô địch cờ toàn quốc, người hâm mộ lại chạnh lòng với sự thua kém thành tích và càng buồn hơn khi chính những vận động viên (VĐV) từng giành tiếng thơm cho Huế lại đánh bại các kỳ thủ Cố đô, đem vinh quang cho đội tuyển xứ người.

Một buổi tập của tuyển cờ vua Huế

Chạnh lòng

Cuối tháng 4/2017, tuyển cờ Thừa Thiên Huế tham dự giải vô địch cờ vua toàn quốc và ra về với kết quả trắng tay. So với các tên tuổi của làng cờ trong nước, những “đứa trẻ” của HLV Bảo Tài còn quá non nên việc chỉ xếp ở nửa sau bảng xếp hạng rõ ràng không phải chuyện bất ngờ.

Kể từ khi một loạt kỳ thủ nổi tiếng của Huế như: Bảo Trâm, Như Ý, Kim Phụng, Thanh Khiết… tìm bến đỗ mới, bộ môn cờ của Huế trở nên “hụt hẫng” cả về lực lượng lẫn thành tích. Mất cả chục năm gầy dựng, Huế mới sản sinh ra những con người tài năng, đưa cờ Huế đứng trong top đầu cả nước cùng TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Tháp, Cần Thơ, Quảng Ninh, nhưng sự ra đi của các VĐV kia đã đẩy đội tuyển vào tình cảnh phải làm lại từ đầu. Đây là điều khiến những ai yêu môn cờ Huế phải chạnh lòng (!).

Giai đoạn cờ Huế còn vàng son, sự tập trung chủ yếu dành cho những VĐV giàu thành tích, còn lớp kế cận thiếu sự đầu tư hơn do túi tiền có hạn. Vì thế, khi những “ngôi sao” giã từ đội tuyển, trong tay HLV Bảo Tài chỉ còn lại những VĐV chưa thể làm được chuyện lớn. Đáng buồn nhất là hằng năm, người hâm mộ phải chứng kiến cảnh “quân ta đánh nhau với quân mình”, những kỳ thủ từng giành tiếng thơm cho Huế trở trở thành đối thủ với các VĐV Cố đô hiện tại. Điều tất nhiên, VĐV trẻ của Huế khó thắng nổi những kiện tướng quốc tế, dày dặn kinh nghiệm. Đơn cử như năm 2016, Bảo Trâm, Như Ý khoác áo đội bạn trở về thi đấu tại quê hương và dễ dàng đánh bại lứa VĐV đàn em.

HLV Bảo Tài, Trưởng bộ môn cờ Thừa Thiên Huế chia sẻ, đầu tư bộ môn cờ, nhất là cờ vua cần thời gian rất dài, người nhanh nhất cũng mất khoảng 10 năm, ngay cả những kỳ thủ nổi tiếng một thời của Huế cũng không ngoại lệ. Trong khi đó, VĐV môn cờ có độ bền rất cao, càng thi đấu càng kinh nghiệm và không bị ảnh hưởng nhiều bởi tuổi tác nên những VĐV trẻ khó “cướp” được thành tích. “Những đại kiện tướng, kiện tướng Quốc tế như Bảo Trâm (TP. Hồ Chí Minh), Thảo Nguyên (Cần Thơ), Lương Phương Hạnh (Hà Nội)… vẫn còn sung sức đến cả chục năm nữa, đây là cái khó cho những VĐV trẻ bây giờ”, ông Tài nhìn nhận.

Hiện tại, bộ môn cờ Huế có 36 VĐV, đa phần còn rất nhỏ tuổi. Ở giải vô địch toàn quốc, đội tuyển phải “đôn” các VĐV trẻ tuổi lên thi đấu. Đây là thiệt thòi của cờ Huế so với các đơn vị bạn, vì thế khả năng trong một hai năm tới, người hâm mộ sẽ còn phải “chạnh lòng” với bộ môn cờ.

Không bỏ cuộc

Nói khó khăn không có nghĩa là bộ môn cờ nói chung và cờ vua Huế nói riêng chịu khuất phục. So với thời điểm các kỳ thủ Huế chia tay đội tuyển, giờ đây chế độ VĐV tại Huế đã phần nào được cải thiện. Đó là sự mở đầu đầy lạc quan.

Quy luật thời gian chứng minh, không ai bền bỉ lâu dài, sẽ có ngày những “ngôi sao” của làng cờ Việt Nam phải “nhường chỗ” cho thế hệ mới. Trong quá khứ, để có được những Bảo Trâm, Như Ý, Kim Phụng… tuyển cờ vua Cố đô cũng phải đợi thời cơ. Vì thế, chiến lược của HLV Bảo Tài cùng các cộng sự thời điểm hiện tại là tạo đam mê, hứng khởi cho lớp VĐV trẻ và kiên trì chờ đợi. Có thể chưa gây được bất ngờ tại giải nhưng cố gắng “rình” thời cơ thắng những ván cờ trước những VĐV có tên tuổi, tạo động lực và niềm tin cho những “đứa trẻ” của Cố đô nỗ lực bước tiếp. Đây là “nước cờ” có thể chấp nhận được.

Trong kế hoạch “đòi lại” thành tích, cờ vua đang tập trung làm tốt hai nhiệm vụ là thúc đẩy đam mê để VĐV toàn tâm toàn ý tập luyện và thi đấu, đồng thời làm công tác tinh thần với gia đình VĐV. Theo ông Tài, đây chính là giải pháp căn bản để VĐV yên tâm phát triển năng lực, đam mê và cũng là cách giữ chân khi họ đạt tới độ chín.

Ngoài cờ vua, môn cờ tướng hiện nay đã tròn “3 tuổi” và bước đầu thấy được triển vọng ở các giải vô địch trẻ. So với sự đầu tư cờ vua, thời gian đầu tư cờ tướng có thể nhanh hơn do số lượng người chơi trong xã hội nhiều, dễ tuyển chọn, đồng thời các đơn vị bạn ít đầu tư cho môn cờ tướng. Đây là điểm thuận lợi mà Huế có thể tận dụng để đầu tư.

Huế là địa phương làm tốt phong trào đưa môn cờ vào trường học - cơ hội để bộ môn thuận lợi tuyển quân. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Cờ Thừa Thiên Huế cho rằng, điều quan trọng của thể thao là phải xây dựng được phong trào mạnh từ gốc. So với các môn thể thao khác, lợi thế của môn cờ là đã hình thành được phong trào trong trường học, vì thế cơ hội trong tương lai của môn cờ không phải không có.

Gần đây, Huế đã có thêm những kỳ thủ trẻ đáng kỳ vọng, như Huỳnh Ngọc Thùy Linh hay Hà Phương Hoàng Mai. Nếu có một cơ chế tốt và phương án tập luyện phù hợp, có thể đây sẽ là những những đại diện mới cho bộ môn cờ của Huế.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top