Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy A Lưới Hồ Văn Đắp (bìa phải) nắm tình hình qua các già làng ở xã A Ngo
Ông Trần Văn Trai, Bí thư Chi bộ thôn Mu Nú - Tà Rá, xã Hương Nguyên cho biết: Ðảng uỷ xã đặc biệt coi trọng việc phát huy vị trí, vai trò của đội ngũ già làng, người có uy tín và yêu cầu tổ chức Đảng, đảng viên luôn gần dân, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của dân thông qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín để đề xuất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, những vấn đề Nhân dân đang quan tâm.
Già làng Nguyễn Văn Việt ở thôn Mu Nú – Tà Rá kể: “Thôn có gần 80 hộ thì có đến một nửa số hộ thiếu đất sản xuất, do đó bà con phải đi làm thuê, làm mướn, đời sống rất khó khăn. Sau khi nhận thấy lợi thế và hiệu quả của mô hình chăn nuôi trên địa bàn, bà con có nguyện vọng được vay vốn phát triển chăn nuôi. Qua đề xuất của các già làng, chi bộ đã tham mưu lên Đảng ủy xã nghiên cứu, ra nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi. Qua đó, Hội Nông dân xã tiến hành tín chấp cho hội viên vay vốn và phối hợp tập huấn quy trình sản xuất cho các hộ. Đến nay, mô hình chăn nuôi của thôn phát huy hiệu quả kinh tế cao”. Minh chứng là mô hình chăn nuôi của gia đình ông mỗi năm cho xuất chuồng trên 1,5 tấn thịt heo hơi, trừ chi phí còn lãi 30-35 triệu đồng... Cùng cách làm này, Chi bộ thôn Giồng đã phát huy vai trò giám sát của các già làng, trưởng bản trong quá trình dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn.
Dù đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng già Quỳnh Hầu ở làng Tà Roi, xã A Ngo vẫn chưa ngày nào ngừng công việc tuyên truyền, vận động đồng bào đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân và tích cực tham gia giám sát quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Là người có uy tín trong cộng đồng, hoạt động nào ở địa phương ông cũng xông xáo, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia giám sát giữa việc nói và làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Già làng Quỳnh Hầu thông tin: Các cấp ủy Đảng, chính quyền rất quan tâm chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát”. Địa phương đã công khai về chủ trương, kế hoạch vay vốn phát triển sản xuất; dự án thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chủ trương xây dựng nông thôn mới... Những nội dung “dân bàn” và tham gia quyết định được chính quyền tạo điều kiện. Ðiển hình như việc bình xét hộ nghèo, mức đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn, xây dựng quy ước thôn, làng văn hóa, bầu trưởng thôn, ban thanh tra nhân dân...
Nhiều nội dung góp ý, kiến nghị của người dân được chính quyền tiếp thu, triển khai thực hiện như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; dồn điền, đổi thửa; phát triển hạ tầng nông thôn; thực hiện các dự án dân cư, phát triển dịch vụ; hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo... Những nội dung Nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra được thực hiện thường xuyên hơn, hiệu quả hơn, nhất là giám sát các dự án Nhà nước đầu tư hay do dân đóng góp kinh phí.
Thực tế cho thấy, việc phát huy được vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc ở A Lưới đã tạo thêm cánh tay đắc lực trong quá trình kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên ở các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và tích cực phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới - Lê Thanh Nam đánh giá: "Nhờ phát huy vai trò giám sát của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, nên việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy Đảng đã được đẩy mạnh, góp phần cảnh báo, răn đe và phòng ngừa sai phạm đối với cán bộ, đảng viên. Đây là bước quan trọng để đưa việc tự phê bình và phê bình trong Đảng trở thành thường xuyên, nề nếp, từng bước xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yều cầu và nhiệm vụ của thời kỳ mới.
Bài, ảnh: Bá Trí