ClockThứ Tư, 24/01/2024 11:42

Để không bị lừa đảo, cần lưu ý “4 không” – “2 phải”

TTH - Đó là vấn đề đặc biệt lưu ý của Công an tỉnh, cảnh báo người dân trong phòng, chống lừa đảo qua mạng bằng hình thức gọi điện yêu cầu đồng bộ dữ liệu dân cư của các đối tượng xấu.

Giữ vững trật tự đô thị, an toàn giao thông không chỉ dịp tếtThường xuyên phối hợp, trao đổi thông tinCao điểm tấn công, trấn áp tội phạm

 Công an tỉnh công khai đường dây nóng của Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh đến mọi người dân

Thủ đoạn của các đối tượng là, gọi điện thoại đến các nạn nhân tự xưng cán bộ công an và thông báo: “Chưa đồng bộ dữ liệu dân cư cần cập nhật trong hệ thống” rồi hướng dẫn nạn nhân cập nhật thông tin mà không cần tới trụ sở và gửi link truy cập, chụp căn cước công dân (CCCD), gọi video call để nhận diện khuôn mặt. Từ đó, các đối tượng đã ăn cắp dữ liệu và chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng trong thẻ ngân hàng của nạn nhân.

Thủ đoạn khác là, các đối tượng gọi điện cho người dân thông báo thông tin CCCD của người dân bị lỗi. Các đối tượng tự xưng là cán bộ công an phường. Qua điện thoại, người này yêu cầu người dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin CCCD. Trong lúc gọi điện, người này hướng dẫn người dân cài đặt các app, thông tin do người này gửi link yêu cầu, rồi đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân để lừa đảo.

Bằng các phương thức, thủ đoạn này, một người dân trú tại TP. Hà Nội đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 600 triệu đồng trong thẻ ngân hàng. Tại Thừa Thiên Huế, cũng không loại trừ các đối tượng lừa đảo bằng hình thức, thủ đoạn này nếu như người dân không nâng cao tinh thần cảnh giác.

Theo lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh, công an muốn làm việc với người dân sẽ làm việc trực tiếp thông qua giấy mời hoặc cảnh sát khu vực gọi điện thông báo và người dân địa phương phải biết cán bộ cảnh sát khu vực này. Lực lượng công an không yêu cầu hoặc hướng dẫn người dân cài đặt app từ các đường link không rõ ràng. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được cung cấp thông tin, số tài khoản, mật khẩu ngân hàng để tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo.

 Công an TP. Huế đấu tranh, làm rõ các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng

Ngoài cảnh báo, Công an tỉnh cũng yêu cầu người dân trong toàn tỉnh cần phổ biến, nhắc nhở nhau thực hiện khẩu hiệu hành động: “4 không” – “2 phải” trong phòng, chống lừa đảo qua mạng. Đó là, không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ, không chuyển khoản; phải thường xuyên cảnh giác, phải tố giác ngay với công an khi có nghi ngờ.

Lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh hướng dẫn, người dân cần tỉnh táo, không được hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án.

Thực tế qua các vụ việc lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua cho thấy, không ít người dân dù đã được cảnh báo, nhưng vẫn “dính” bẫy lừa đảo của các đối tượng là do tham lam trước những lời mời chào, những món quà hấp dẫn mà các đối tượng đưa ra. Do đó, người dân không tham lam các tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế”, không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” của các đối tượng.

Khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội, nhóm không rõ mục đích, người dân không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng. Khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc, người dân tuyệt đối không được làm theo.

Để đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng công an đã và đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ của mình, nhưng đối với người dân cần chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ CCCD, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội… tránh bị các đối tượng xấu đánh cắp thông tin, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh thêm một lần nữa cảnh báo, khi người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và nhanh nhất trong việc tiếp nhận nguồn tin, phục vụ người dân tốt hơn nữa, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh đã công khai rộng rãi số điện thoại nóng của cá nhân trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng: 0919697575. Bất cứ thời gian nào, người dân cũng có thể gọi theo số điện thoại này để cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.
Bài, ảnh: TÂM ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn

Công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và nhân rộng mô hình chuyển hóa tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Huế đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn
Cảnh báo trộm mùa nắng nóng

Dù đã được cảnh báo nhiều lần về các hành vi trộm cắp tài sản mùa nắng nóng, nhưng người dân vẫn chủ quan, thiếu cẩn thận để các đối tượng xấu lợi dụng đột nhập vào nhà thực hiện hành vi phạm tội.

Cảnh báo trộm mùa nắng nóng
Return to top