|
Anh Giảng đồng hành cùng học sinh nơi biên giới |
Khi nói đến Hải đội 2 Biên phòng, trong tâm trí, tình cảm người dân, hiển hiện hình ảnh những con tàu cùng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) sẵn sàng xuất kích giữa đêm tối, trong thời tiết bất thường, vượt qua gian nan, hiểm nguy, để kịp thời ứng cứu tàu cá và ngư dân gặp nạn; tuần tra ngăn chặn, bắt giữ, xử lý những hành vi vi phạm, các loại tội phạm hoạt động trên biển… Tinh thần, ý chí kiên cường, anh dũng mà CBCS Hải đội 2 đã tôi luyện được, để thực hiện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có “dấu ấn” của Trung tá Cao Quốc Giảng, Chính trị viên đơn vị.
Trong những hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ vừa qua, Ban Chỉ huy Hải đội 2 Biên phòng tổ chức thăm hỏi gia đình liệt sĩ Lê Đình Tư, thắp nén tâm hương trước anh linh người đồng đội (liệt sĩ Tư đã cùng liệt sĩ Phạm Văn Điền, đơn vị Hải đội 2 Biên phòng anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu dân trong cơn lũ năm 1999; gia đình liệt sĩ Điền ở miền Bắc). Đồng thời, toàn thể CBCS thành kính dâng hương, dâng hoa tại đơn vị, tưởng nhớ và tri ân.
Trung tá Cao Quốc Giảng chia sẻ: Sự tri ân này là hoạt động giáo dục truyền thống thiết thực, bồi đắp tình cảm, trách nhiệm của người lính biên phòng đối với Nhân dân; động lực để CBCS đơn vị luyện rèn ý chí, tiếp bước thế hệ đồng đội đi trước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Trung tá Giảng luôn tâm niệm lời Bác, nói phải đi đôi với làm; cùng tập thể cấp ủy, ban chỉ huy đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục CBCS và chỉ huy, điều hành, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đồng thời, người chính trị viên luôn nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu. Anh cùng với CBCS đơn vị phối hợp các lực lượng tìm kiếm cứu nạn 27 người dân, 9 phương tiện; kêu gọi gần 4 nghìn phương tiện với gần 18 nghìn lao động vào bờ trú ẩn, phòng tránh bão; giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời gần 350 hộ với gần 1.300 khẩu đến nơi an toàn.
Trung tá Cao Quốc Giảng được lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đánh giá cao, bởi ở cương vị nào, anh cũng đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lúc đảm nhiệm cương vị Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nhâm (đóng quân trên địa bàn A Lưới), bước chân của Trung tá Giảng cùng CBCS “in dấu” khắp mọi nẻo đường thôn, bản, rẫy nương, lội suối băng rừng, mồ hôi ướt quân phục, để tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành pháp luật; thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”…
Tâm huyết và những giọt mồ hôi đã được “đền đáp”, khi người dân nghe theo lời vận động. Đơn vị đã thu hồi được 63 khẩu súng tự chế (trong đó có 27 khẩu súng được người dân tự nguyện giao nộp tại lán, trại trên nương rẫy).
Đã có lần cùng Trung tá Giảng về với bản làng, tôi vẫn nhớ nụ cười chân tình, mộc mạc của ông Hồ Văn Vá (thôn I Reo, xã Hồng Thái) khi nói, cùng anh Giảng và CBCS Đồn Biên phòng Nhâm tuần tra đường biên, cột mốc, mới hiểu BĐBP hết lòng bảo vệ mảnh đất biên giới, bà con bản làng được đất đai, núi rừng nơi đây nuôi sống, càng phải có trách nhiệm.
24 tổ tự quản, đường biên mốc quốc giới với 825 hộ tham gia ngày càng phát huy vai trò chủ thể. Ngoài những chuyến cùng BĐBP Đồn Biên phòng Nhâm tuần tra đường biên, cột mốc, trong quá trình lên rẫy vào rừng mưu sinh, người dân chủ động tuần tra, kiểm tra; báo tin cho BĐBP khi phát hiện những dấu hiệu nghi vấn, chung sức đảm bảo trật tự an toàn khu vực biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia. Đó chính là thành công của lực lượng BĐBP nói chung và Trung tá Cao Quốc Giảng nói riêng.