Đại biểu Bùi Đức Hạnh phát biểu tại thảo luận tổ ngày 14/11
Nói về sự cần thiết sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005, đại biểu Bùi Đức Hạnh cho rằng, Hiến pháp năm 2013 quy định rất nhiều nội dung mới liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, thực tiễn trong 12 năm thực hiện Luật Quốc phòng, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết cụ thể hóa đường lối, chủ trương liện quan đến bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng với sự thay đổi của tình hình thế giới và trong nước. Do đó, việc sửa đổi Luật Quốc phòng là hết sức cần thiết.
“Muốn giữ vững hòa bình, ổn định đất nước lâu dài, phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh phải luôn song hành. Chúng ta kết hợp tốt giữa kinh tế và quốc phòng sẽ tạo đà mạnh mẽ cho phát triển đất nước, chứ không phải quốc phòng kìm hảm sự phát triển kinh tế”, Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế - Bùi Đức Hạnh nhấn mạnh.
Đối với quy định tại Điều 9 về phòng thủ khu vực quân khu, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội, có nhiều ý kiến cho rằng, không nên có phòng thủ quân khu, vì quân khu không phải là đơn vị hành chính. Theo đại biểu Bùi Đức Hạnh, Quân khu có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, tất cả các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đều là đảng ủy viên Đảng ủy quân khu, chịu sự lãnh đạo của đồng chí Bí thư Đảng ủy quân khu. Vì vậy, không thể thiếu phòng thủ quân khu trong chiến lược bảo vệ đất nước hiện nay, cũng như trong tương lai”.
Về quy định tại Điều 16, nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và ngược lại, theo Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, đây là vấn đề thời sự được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Nhiều ý kiến, quan điểm cho rằng, đất nước đang hòa bình, ổn định và phát triển phải đặt kinh tế lên trước.
Đại biểu Bùi Đức Hạnh phân tích, các đoàn kinh tế quốc phòng, đóng ở các địa bàn chiến lược, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, có nhiệm vụ chính kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với giúp Nhân dân định canh, định cư, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo... Các binh đoàn khi hòa bình chăm lo phát triển kinh tế, khi có chiến tranh trở thành lực lượng thường trực chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, Quân đội của chúng ta là Quân đội của Nhân dân, có 3 chức năng chiến đấu, công tác và lao động sản xuất, khi chiến tranh xảy ra phải dựa vào dân để chiến đấu. Vì vậy, hai nhiệm vụ này không thể tách rời dù trong hoàn cảnh nào.
Quy định tại khoản 2, Điều 38: Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an các bộ, ngành, chính quyền đại phương duy trì về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, có ý kiến cho rằng, quy định như vậy là chồng chéo nhiệm vụ giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Theo đại biểu Bùi Đức Hạnh, nhiệm vụ này không hề chồng chéo, bởi BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Nhiệm vụ này đã được thể chế trong Pháp lệnh BĐBP và Luật Biên giới quốc gia. Trong đó, Luật Công an Nhân dân năm 2014 quy định rõ: “Lực lượng Công an nhân dân phối hợp với BĐBP giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới”.
Thái Bình- Quốc Vương (lược ghi)