Từ thực tiễn đến nhận thức cải cách hành chính
Việc thực hiện nhiệm vụ mở rộng đối tượng BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi BHXH, BHTN, BHYT của BHXH tỉnh (bao gồm BHXH huyện, thị xã, thành phố) theo kế hoạch hàng năm được giao còn gặp nhiều khó khăn do phạm vi, đối tượng, loại hình quản lý vô cùng phức tạp.
Giao dịch tại BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: LT
Để vượt qua những khó khăn, thách thức, BHXH tỉnh nỗ lực không ngừng trong cải cách hành chính (CCHC). Theo đó, tư duy được thay đổi từ chỗ xem nhẹ sang đặt tổ chức, cá nhân vào vị trí trung tâm; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm mục tiêu của CCHC và là thước đo quan trọng trong xem xét, đánh giá, sử dụng CC, VC.
Nhiều năm qua, BHXH tỉnh quán triệt một số nội dung như, cần nhận thức nhất quán quan điểm bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; nhận thức về sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ được cung cấp các dịch vụ BHXH, BHTN, BHYT trên cơ sở vận dụng "Mô hình đo lường sự hài lòng của người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính ở Việt Nam"; phải đáp ứng hạ tầng cơ sở CCHC; truyền thông để nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân ứng xử văn hóa trong quá trình thụ hưởng các dịch vụ BHXH, BHTN, BHYT do ngành BHXH và các ngành liên quan cung cấp. Đây là nội dung có quan hệ nhân quả với nội dung thứ hai nhận thức về sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ được cung cấp các dịch vụ BHXH, BHTN, BHYT.
Những điểm sáng
Những năm qua, BHXH tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong CCHC như, đã công khai niêm yết bộ TTHC của BHXH Việt Nam đúng quy định tại Phòng, Bộ phận TN&TKQ TTHC BHXH tỉnh và 9 BHXH huyện, thị xã, thành phố. Đăng tải Bộ TTHC lên Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh và Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Thường xuyên rà soát TTHC để đề xuất BHXH Việt Nam loại bỏ, sửa đổi cho phù hợp, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đã rút ngắn 1/3 thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục giải quyết chế độ BHXH, BHYT tại BHXH tỉnh. Đặc biệt, TTHC cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT được thực hiện 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, giải quyết và trả kết quả) và giải quyết ngay trong ngày tại Phòng, Bộ phận TN&TKQ TTHC đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của tổ chức, cá nhân.
BHXH tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức nhận, trả TTHC như: giao dịch tại Phòng, Bộ phận TN&TKQ TTHC, GDĐT, giao dịch qua dịch vụ chuyển phát bưu chính (không tốn phí). Đa số TTHC được nhận qua GDĐT và trả qua dịch vụ bưu chính, một số ít TTHC do tổ chức và cá nhân đến giao, nhận trực tiếp tại bộ phận TN&TKQ TTHC . Tổ chức, cá nhân từ chỗ giao dịch giấy truyền thống bất tiện, tốn kém thời gian, tiền bạc nay có thể yêu cầu thực hiện TTHC bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng và nhận kết quả giải quyết TTHC ngay tại cơ quan, Đại lý Thu.
Từ năm 2015, BHXH tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai GDĐT đến các đơn vị SDLĐ trên địa bàn; tổ chức tập huấn, cài đặt, hướng dẫn sử dụng phần mềm GDĐT.
Để giải quyết các TTHC, ngoài hệ thống phần mềm TN&TKQ TTHC, BHXH tỉnh còn phải sử dụng một loạt hệ thống các phần mềm dùng chung khác của ngành như: Hệ thống phần mềm TST phục vụ công tác quản lý thu, cấp sổ thẻ; Hệ thống quản lý chính sách TCS phục vụ công tác xét duyệt, giải quyết chế độ BHXH, BHTN; Hệ thống thông tin Giám định BHYT phục vụ công tác cập nhật dữ liệu KCB và giám định, quyết toán KCB BHYT; (Hệ thống giám sát BHYT phục vụ công tác giám định; Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác quản lý văn bản và điều hành toàn ngành; …
Từ ngày 1/7/2018, CCHC được tiếp sức bởi cú hích mới từ việc thực hiện chữ ký số đối với các hoạt động nghiệp vụ và ban hành văn bản chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, viên chức BHXH tỉnh trên các phần mềm. Theo đó, thời gian từ lúc dự thảo, trình ký, ký số, ban hành văn bản lên môi trường mạng chỉ từ 3 đến 5 phút.
Từ năm 2017 đến nay, BHXH tỉnh đẩy mạnh truyền thông BHXH tự nguyện dưới các hình thức như, phối hợp Hội Nông dân, Phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hoặc chủ động phối hợp UBND xã, phường, thị trấn tổ chức gần 100 hội nghị ở cơ sở để tuyên truyền BHYT và BHXH tự nguyện cho gần 10 ngàn cán bộ hội cấp cơ sở và người dân (chủ yếu là người dân). Kết quả truyền thông sau 3 tháng gần đây có 93 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay khi hội nghị kết thúc. Không chỉ thế, trong tổng số 1.834 người tham gia BHXH tự nguyện tính đến 31/8/2018, có 208 người trên độ tuổi lao động.
Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, điện tử hóa TTHC, giảm thời gian thực hiện TTHC; phấn đấu hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến tổ chức, cá nhân sẽ được cung cấp ở mức độ 3; một số dịch vụ công thực hiện mức độ 4 bằng phương thức sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống phần mềm dùng chung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung trên cơ sở định hướng của ngành, nâng cao hiệu quả CCHC của BHXH tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu CCHC của ngành trong kỷ nguyên số mà Đảng đã định hướng và Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Tiếp tục phát huy và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách BHXH, BHTN, BHYT nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách bảo hiểm xã hội và pháp luật BHXH, BHTN, BHYT dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động hướng về người dân và xã hội, trong đó cần bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao sự đồng thuận của xã hội…
Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh