Cải cách hành chính (CCHC) là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Trên bình diện chung toàn quốc, Thừa Thiên Huế đã tạo nên dấu ấn đậm nét, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Hai lần quán quân Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI); 3 năm liền nằm trong top 10 cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); các chỉ số: Cải cách hành chính (PAR INDEX); Sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) liên tục nằm trong top tốt toàn quốc. Đó là những bước nhảy vọt ấn tượng minh chứng cho thành quả trong công tác CCHC của Thừa Thiên Huế.
Chúng tôi gặp ông Lê Văn Thuận (tổ dân phố 9, phường Xuân Phú, TP. Huế) khi ông đang xem thông tin về các dự án (DA), công trình đầu tư trên địa bàn phường được niêm yết ngay tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND phường. Từ bảng niêm yết này, ông Thuận nắm rõ những DA, công trình đã và đang được đầu tư trên địa bàn.
Không chỉ vậy, các phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư hay các khoản Nhân dân đóng góp; kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được xét hỗ trợ vốn xây dựng nhà ở; kết quả kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực... cũng được công khai, minh bạch.
|
Báo cáo thu, chi ngân sách của phường Xuân Phú (TP. Huế) được công khai tại bảng niêm yết để mọi người dân được biết
|
“Các thông tin này được niêm yết rõ ràng, đồng thời đăng tải trên cổng thông tin điện tử, thông báo tại cuộc họp tổ dân phố. Đây là những thông tin thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội nói chung và đời sống người dân địa phương nói riêng. Đặc biệt, các công trình, DA như bê tông hóa các tuyến kiệt được người dân rất quan tâm, bởi đây là yếu tố quan trọng để xây dựng khu phố văn minh”, ông Thuận chia sẻ.
Cụm từ “hành là chính” mà người dân hay than thở trước đây dường như đã lùi vào dĩ vãng. Từ khi hình thành các trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cơ sở, đã tạo nên đầu mối giúp giải quyết rốt ráo việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tưởng chừng rườm rà, rắc rối.
|
Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại
|
Cách đây không lâu, tôi được anh Ngô Thanh Phước (phường Thủy Xuân, TP. Huế), người từng làm việc trong lĩnh vực đất đai nhiều năm chia sẻ, bây giờ, việc giải quyết TTHC nói chung hay giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai ở tỉnh thuận lợi hơn rất nhiều. Tác phong làm việc của cán bộ, công chức chuyên nghiệp hơn; người dân được giải thích rất cặn kẽ về quy trình giải quyết TTHC; các thủ tục được giải quyết nhanh, có khi chỉ vài giờ đã xong và đều được hẹn thời gian trả kết quả cụ thể, không phải mong ngóng như trước. “Cá nhân tôi khá tâm đắc khi đi giải quyết TTCH ở Trung tâm Hành chính công tỉnh”, anh Phước thổ lộ.
|
Lãnh đạo tỉnh thăm cơ sở sản xuất tại doanh nghiệp
|
Không chỉ người dân mà các doanh nghiệp (DN) cũng được tạo điều kiện để thực hiện các thủ tục cần thiết. Theo ông Trần Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế, hiện nay, các DN trong khối FDI đang được hưởng lợi tối đa các chính sách ưu đãi, đặc biệt là các DN “đứng chân” tại khu kinh tế, công nghiệp. “Quá trình chúng tôi triển khai các DA mở rộng sản xuất đều nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành và địa phương nên mọi vấn đề đều được giải quyết rất nhanh. Tiến độ của DA luôn vượt trước kế hoạch; vấn đề về TTHC, tuyển dụng lao động, nhà ở xã hội cho công nhân, chúng tôi cũng được tiếp cận rất tốt. Điều này đúng với cam kết ban đầu của tỉnh khi Scavi chọn Thừa Thiên Huế là nơi đặt nhà máy”, ông Mỹ chia sẻ.
|
|
Ngày 2/4/2024, tại hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh - PAPI 2023 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chủ trì tổ chức, Thừa Thiên Huế được vinh danh ở vị trí quán quân với điểm tổng hợp đạt 46,0414 điểm. Đây là lần thứ 2, Thừa Thiên Huế đứng đầu về chỉ số này.
Trong các trục thành phần của PAPI, Thừa Thiên Huế có 7/8 trục nội dung trong nhóm địa phương đạt điểm cao nhất toàn quốc. Trong đó, có 4 nội dung tỉnh đạt điểm số dẫn đầu toàn quốc, gồm: “Cung ứng dịch vụ công” đứng vị trí thứ nhất; “Công khai, minh bạch” và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đều đứng vị trí thứ 3; “Quản trị môi trường” đứng vị trí thứ 4.
Trong rất nhiều tiêu chí khảo sát, có các tiêu chí về tỷ lệ người đi làm thủ tục cho biết không phải đi qua nhiều "cửa" để làm xong thủ tục; tỷ lệ người đi làm thủ tục cho biết không phải đi qua nhiều "cửa" để làm xong các thủ tục liên quan đến đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tỷ lệ người dân cho biết không bị vòi vĩnh đòi hối lộ trong 12 tháng vừa qua; tỷ lệ người dân trả lời cho biết không phải đưa tiền "lót tay" để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước…
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh nghe báo cáo về quy hoạch tổng thể nhà máy điện rác tại xã Phú Sơn
|
Ông Cao Mạnh Hùng, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho biết: “Riêng tại Thừa Thiên Huế, ban tổ chức đã tiến hành phỏng vấn bất kỳ 240 người dân tại 12 thôn, tổ dân phố thuộc 6 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các địa phương được lựa chọn phỏng vấn cung cấp danh sách người dân từ 18 đến dưới 70 tuổi có mặt trên địa bàn. Qua đó, họ lựa chọn hoàn toàn khách quan, ngẫu nhiên và phỏng vấn trực tiếp người dân. Chỉ có người dân được biết nội dung phỏng vấn, vì vậy mà kết quả xếp hạng hoàn toàn trung thực, khách quan, phản ánh đúng kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các địa phương”.
Không chỉ PAPI, kết quả xếp hạng các chỉ số CCHC những năm gần đây là hiện thực sinh động cho khát vọng không ngừng vươn xa của Thừa Thiên Huế trong hành trình cải cách, đổi mới.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương gặp gỡ người dân đến giao dịch các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh
|
Ba năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế liên tục lọt vào danh sách những tỉnh, thành phố có các chỉ số CCHC hàng đầu cả nước. Riêng năm vừa qua, Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của tỉnh tăng lần lượt 8 bậc và 2 bậc so với năm 2022. Về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong top 10 toàn quốc (xếp vị thứ 8); Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương xếp thứ 2/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, thứ 14/63 tỉnh/thành cả nước; Nền tảng làm việc số tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024. Kết quả này minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phục vụ người dân và DN.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án PCI, khác với nhiều tỉnh, thành phố khác, hầu hết các chỉ số thành phần liên quan đến PCI của Thừa Thiên Huế khá đều, nằm trong nhóm cao ổn định.
Thừa Thiên Huế được các DN đánh giá rất tích cực trong các lĩnh vực như, tính minh bạch (thứ 2 cả nước), chi phí không chính thức và tính năng động của chính quyền (đều vị trí 13 cả nước)… Ngoài ra, hầu hết các lĩnh vực của địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao như tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý, gia nhập thị trường, đào tạo lao động.
Chính quyền địa phương cũng đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh thông qua việc thiết lập các tổ công tác giám sát dự án đầu tư, giải quyết khó khăn cho DN. Tỉnh cũng chú trọng đến việc hỗ trợ DN trong các TTHC và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa khu vực công và tư.
“Các chỉ số CCHC có phương pháp, có tính khoa học cũng không phải là sự tuyệt đối, song, đây là công cụ để chính quyền tham khảo trong quá trình điều hành. Nó là những bằng chứng định lượng cho một số lĩnh vực tuy quan trọng nhưng khó định lượng như cải cách TTHC, sự phiền hà… Định hướng thay đổi dựa trên bằng chứng định lượng là điều rất cần thiết trong quản trị nhà nước. Cái gì không đo đếm được thường không cải cách được”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
> Kỳ 2: Nhận diện “điểm nghẽn”
Nội dung: HẢI THUẬN
Ảnh: HẢI THUẬN - NGỌC HIẾU
Infographic: HƯƠNG TRÀ
Thiết kế: QUANG THIỀU