ClockThứ Bảy, 02/03/2019 06:45

Cú hích cho người nghèo

TTH - Từ sự trợ giúp của các cơ quan, đơn vị, trường học đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% ở hai huyện A Lưới và Nam Đông, đã có 4 xã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 25%.

Nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực"Hỗ trợ giúp đỡ xã A Roàng giảm nghèo" là một trong 10 công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốcPhấn đấu giảm tối thiểu 30% tỷ lệ hộ nghèo nông dân

Niềm vui giản dị của bà Trần Thị Mía khi được thoát nghèo

Nhiều hộ thoát nghèo

Chồng mất sớm, một mình xoay xở nuôi 5 miệng ăn nên cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám gia đình bà Trần Thị Mía (thôn 6, xã Thượng Long, huyện Nam Đông). Sau nhiều năm có tên trong danh sách hộ nghèo, vào năm 2018, bà Mía đã thoát nghèo, lại sắp được dọn về ở ngôi nhà mới. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của gia đình, bà Mía còn được dự án xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt hỗ trợ 16 triệu đồng, được các đơn vị giúp đỡ xã Thượng Long theo Kế hoạch 16 hỗ trợ con giống, vật nuôi.

Cũng với mô hình chăn nuôi, trồng vườn, gia đình ông Hồ Văn Nhing (xã Hương Hữu, huyện Nam Đông) không chỉ thoát nghèo trong năm 2018 mà còn dành dụm trả gần xong số tiền vay 50 triệu đồng để sửa chữa nhà ở. Ông Nhing kể, từ sự hỗ trợ con giống của các ban ngành, ông nuôi bò sinh sản, làm ruộng, trồng chuối, thu nhập khá hơn trước. “Nhà nước đã hỗ trợ như thế, gia đình tui phải cố gắng đưa kinh tế đi lên. Có con giống, tui học hỏi thêm kỹ thuật nuôi trồng để làm ăn hiệu quả”, ông Nhing bộc bạch.

Ở xã Thượng Long, từ sự hỗ trợ của các đơn vị: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Ngân hàng Chính sách xã hội, Trường cao đẳng Nghề số 23, trong 2 năm 2017 và 2018, có 39 hộ đã thoát nghèo. Ông Trần Văn Trĩ, Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết: “Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đơn vị hỗ trợ rất chặt chẽ để có hướng hỗ trợ thiết thực cho bà con. Trước khi hỗ trợ, chúng tôi khảo sát nhu cầu, tập huấn cho bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuyên truyền thay đổi nhận thức để bà con áp dụng hiệu quả nguồn lực được hỗ trợ. Bà con rất vui mừng, cố gắng làm ăn”.

Trợ giúp có điều kiện

Thực hiện Kế hoạch số 16 của UBND tỉnh về “Phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% ở hai huyện A Lưới và Nam Đông”, 57 cơ quan, đơn vị, trường học (gọi tắt là nhóm trợ giúp) được phân công giúp đỡ 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, cứ ba đơn vị giúp đỡ một xã.

Các nhóm trợ giúp đã phối hợp, tiến hành khảo sát nhu cầu, đề xuất của địa phương, nguyện vọng của hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở xây dựng, ban hành kế hoạch giúp đỡ phù hợp. Trong năm 2017, 19 xã đã nhận hỗ trợ từ 19 nhóm trợ giúp trên 5,6 tỷ đồng, năm 2018 khoảng 8,3 tỷ đồng, tập trung vào các hoạt động: hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; xây, sửa chữa nhà ở; xây dựng công trình điện thắp sáng, nước; khám chữa bệnh cho người nghèo…

Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, nhận được sự trợ giúp, hộ nghèo, hộ cận nghèo và cộng đồng được hỗ trợ phấn khởi bắt tay vào lao động, sản xuất, kinh doanh. Cùng với chính sách giảm nghèo của các địa phương, sự hỗ trợ của các nhóm trợ giúp đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của 4 xã Hồng Thượng, A Ngo, Hương Lâm, Hồng Hạ thuộc huyện A Lưới xuống dưới 25%; một số xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm gần dưới 25% như Thượng Long, Hương Hữu, Hồng Bắc và A Roàng... Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 15 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%.

Cần tạo “cú hích”

Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho hay: “Nếu trong năm 2017, do chưa có kinh nghiệm cũng như sự phối hợp chưa thật sự đồng bộ, chặt chẽ, sự trợ giúp chủ yếu theo kiểu cho không, hỗ trợ về nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, thì đến năm 2018 đã có những bước thay đổi tích cực, không chỉ dừng lại ở trợ giúp cá nhân mà là trợ giúp cộng đồng, hướng đến giảm nghèo bền vững. Chính quyền cấp xã đã thực sự vào cuộc, không chỉ là cầu nối đơn thuần mà đã kết nối với nguồn lực trợ giúp từ các đơn vị, kết hợp với nguồn lực từ Nhà nước đầu tư tạo ra cú hích để các hộ nghèo vươn lên”.

Tuy vậy, một số nhóm vẫn phối hợp chưa chặt chẽ, chậm triển khai hoặc chỉ dừng lại ở hoạt động khảo sát, thăm hỏi, tặng quà, chưa thật sự có hoạt động tạo “cú hích” để hộ nghèo có ý thức vươn lên. Nhiều hộ dân vẫn thụ động trong việc tiếp nhận các giúp đỡ, cá biệt vẫn có trường hợp ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, thiếu động lực phấn đấu, thay đổi phương thức làm ăn để thoát nghèo. Đa số người dân các xã được giúp đỡ có trình độ dân trí thấp, thiếu nghề nghiệp, chưa biết cách làm ăn..., là những trở lực trong quá trình thực hiện Kế hoạch 16 của UBND tỉnh.

Để sớm giảm tỷ lệ xã nghèo trên 25%, các nhóm trợ giúp cần hướng đến sự giúp đỡ có điều kiện để hộ nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo, trong đó tập trung vào các hoạt động trợ giúp mang tính bền vững, hạn chế các hoạt động cho không dẫn đến người dân thụ động, trông chờ vào nguồn trợ giúp. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức của người nghèo, nhất là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo cần thay đổi nhận thức về nghề nghiệp, việc làm và phương thức sản xuất.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn

Sáng 18/12, Công an huyện A Lưới cho biết, đang phối hợp với Phòng CSGT công an tỉnh điều tra làm rõ vụ tai nạn lật xe đầu kéo trên đeo A Co (huyện A Lưới) khiến tài xế tử nạn.

Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn
Cảm hứng sống xanh từ A Lưới

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại huyện A Lưới đã tạo ra những thay đổi lớn, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và mang lại diện mạo mới cho các thôn, bản vùng cao.

Cảm hứng sống xanh từ A Lưới
Return to top