“Cương lĩnh Dân vận”
Năm 1949, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân, toàn dân ta đã kết thúc thắng lợi quãng đường 4 năm đầu tiên cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 15/10/1949, Bác viết bài “Dân vận” gửi cán bộ, đảng viên cả nước. Bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo ra đời ở thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến.
Bài “Dân vận” của Người đăng báo cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có thể coi là “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam cần thiết trong mọi giai đoạn cách mạng.
Mở đầu bài báo, Bác nêu: Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
Đáng chú ý, cuối bài báo, Bác viết hai câu dứt khoát: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Từ luận điểm dân vận nêu trên, Bác đặt ra vấn đề đối với người cán bộ cách mạng, dù bất cứ ai nhất thiết phải làm dân vận, phải xem trọng dân vận, phải biết học hỏi Nhân dân, tôn trọng Nhân dân, lễ phép với Nhân dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân và hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân.
Thể hiện rất rõ tư tưởng trọng dân và tin dân, phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực. Lấy dân là đối tượng phục vụ và để phục vụ dân, Người luôn gần gũi với Nhân dân để thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí và thực hành dân chủ. Là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước ta đề ra các chủ trương, chính sách về công tác dân vận.
Thực hiện tốt lời căn dặn của Người
Nhờ chủ trương, nghị quyết đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về công tác vận động Nhân dân, trong những năm qua, chúng ta đã giữ vững ổn định chính trị, ngăn chặn kịp thời các âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các phần tử cơ hội và các thế lực thù địch. Trong thực tiễn xã hội, rất nhiều cái tốt được lòng dân - chứng tỏ thành quả to lớn của công tác dân vận của toàn hệ thống chính trị. Diện mạo đất nước ngày càng tươi sáng, uy tín Việt Nam ngày càng vẻ vang trên chính trường và thương trường quốc tế. Tuy vậy, nơi này nơi khác vẫn còn những việc làm tắc trách, chưa hợp lòng dân.
Ở Thừa Thiên Huế, để thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong đợt về làm việc với tỉnh trong tháng 8/2019 đã đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân vận chính quyền. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Quy định số 11-QĐ/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo... Có như vậy mới tiếp tục tạo sự nhất trí cao trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong Nhân dân để xây dựng Thừa Thiên Huế đi lên theo hướng “Đô thị, di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường”.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc rằng mình là cán bộ dân vận của Đảng, luôn vững tin đi theo Đảng, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh và thực hiện tốt lời căn dặn của Người. Đặc biệt “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”.
PHAN CÔNG TUYÊN